1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Gặp ông Lê Huy Ngọ - Cựu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT

(Dân trí) - Tình cờ, trong chuyến công tác về tâm bão cơn bão số 2, chúng tôi gặp ông Lê Huy Ngọ - Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương. Trên mặt đê Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), bão số 2 đổ bộ và triều cường đang chực nuốt chửng con đê trọng yếu này. Ông Ngọ mặc áo phao, cùng 3 - 4 người khác dò dẫm từng bước trên mặt đê đang mưa như trút nước...

Có ông Ngọ là chúng tôi yên tâm!

 

Trên mặt đê Nghĩa Hưng (Nam Định), hàng trăm thanh niên xung kích hộ đê chống chọi với sóng, có lúc gần như bất lực. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Nghĩa Hưng gồm Bí thư, Chủ tịch huyện cũng trực chiến trên đê nhưng họ chưa biết còn chống chọi được bao lâu. Đúng lúc đó, từ đằng xa một tốp ba bốn người dò dẫm tiến về đoạn đê bao gần vỡ. Đám thanh niên xung kích hộ đê tay vuốt mặt, ồ lên: “A bác Ngọ về, có bác ở đây bà con chúng ta yên tâm rồi!”

 

Trong cuộc đời làm báo, chúng tôi chưa bao giờ gặp một trận bão nào thật sự khủng khiếp và chưa từng một lần đi hộ đê. Tuy có mặt trên đê từ giữa trưa nhưng chúng tôi vẫn không đủ can đảm ra tận nơi con sóng lớn nhất đang táp vào thân đê ngoạm đi từng mảng đất lớn. Từ đằng xa, thấy dáng đi đầy dứt khoát của vị cựu Bộ trưởng đang nhích dần về đoạn đê vỡ, chúng tôi nín thở hồi hộp. Khuôn mặt ông Lê Huy Ngọ lúc này nhăn nhúm, ướt sũng nước mưa. Hình ảnh ông trong bộ áo mưa nhàu nhĩ sát cánh cùng những thanh niên xung kích hộ đê trên mặt đê Nghĩa Hưng trong trận bão tuần trước cứ ám ảnh mãi trong đầu óc chúng tôi. Cách đây một năm ông là Bộ trưởng, giờ là Trưởng ban Phòng chống lụt bão. Vị trí có khác, nhưng xem ra con người ông, phong cách ông chẳng mấy thay đổi.

 

“Một thuyền, một lái chống chọi bão giông”

 

Biên tập viên Thanh Lâm (Đài Truyền hình Việt Nam) đã từng bình luận như thế về ông Lê Huy Ngọ khi ông vào cùng nhân dân Thừa Thiên Huế chỉ đạo đối phó với trận lũ lụt lịch sử năm 1999. Không cam tâm đứng nhìn cảnh đồng bào mình kêu gọi tiếp tế, ông Ngọ lao sang một chiếc thuyền con chở đầy mỳ tôm tự mình chèo vào vùng nước ngập nặng nhất để phân phát hàng cứu trợ cho đồng bào. Còn nhớ, trong trận lũ lịch sử ấy, cứ vào mỗi buổi tối trong giờ Truyền hình Việt Nam phát đi chương trình thời sự thì các tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội vắng hẳn người đi lại, tất cả đều chăm chú theo dõi trên màn hình để chứng kiến nỗi đau của đồng bào miền Trung đang phải gồng mình chống chọi.

 

Hình ảnh vị Bộ trưởng Lê Huy Ngọ với chiếc áo phao trên người, quần xắn quá gối đang trực tiếp chỉ huy tại điểm nóng ngập úng nhất của miền Trung lúc ấy đã đi sâu vào hàng triệu trái tim người Việt. Sự có mặt của ông Lê Huy Ngọ vào đúng thời điểm quan trọng đó dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào miền Trung vượt lên lũ lụt.

 

Bằng phương châm 4 tại chỗ, trong đó với vai trò chỉ huy tại chỗ, ông Lê Huy Ngọ đã trực tiếp đốc thúc mở ba con đường tiếp tế huyết mạch để cứu trợ cho đồng bào. Cầu hàng không được thiết lập tại sân bay Phú Bài nối liền ra miền Bắc, đường biển được nối liền qua cảng Thuận An và đích thân ông Lê Huy Ngọ đốc thúc xẻ núi, san đường để nối liền hai miền Nam - Bắc qua đèo Hải Vân. Chỉ chưa đầy một tuần, Miền Trung và thành phố Huế đã được giải toả khỏi thế cô lập.

 

Ông Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế - sau này kể lại: “Nhìn thấy Bộ trưởng Lê Huy Ngọ hạ cánh an toàn xuống sân bay Phú Bài, lãnh đạo tỉnh đều ôm chầm lấy nhau bật khóc. Trước đó, sau hơn 3 lần sân bay Phú Bài chuẩn bị tiếp đất cho chiếc trực thăng của Bộ trưởng đều thất bại bởi thời tiết quá xấu, Huế bị cô lập hoàn toàn. Sự xuất hiện của ông lúc này là nguồn động viên lớn lao đối với đồng bào miền Trung”.

 

Cuộc đời ông Lê Huy Ngọ dường như sinh ra để gắn liền với lũ lụt. Khi còn là Trưởng ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc ông phải đối mặt với trận lũ lụt đầu tiên năm 1971. Đến năm 1988 ông về làm Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá thì một năm sau đó sau tỉnh này bị trận bão nặng nề nhất trong lịch sử địa phương (cơn bão số 6 năm 1989).

 

Tháng 10 năm 1997 ông có quyết định làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương thì tháng 11 năm đó nước ta phải hứng chịu trận bão số 5 nặng nề. “Vừa xuống sân bay Nội Bài chưa kịp về Bộ nhậm chức, tôi lại phải bay lộn vào trong để chỉ huy chống bão”, ông Ngọ kể. Và bắt đầu từ đó, sóng gió nổi lên triền miên ở khắp miền đất nước, và cả trong cuộc đời ông. Những năm 1999, là trận lũ lụt miền Trung, 2000 - 2001 là lũ Đồng bằng sông Cửu Long, rồi cơn bão số 4 năm 2004, bão số 2 thì vừa mới xảy ra...

 

Những khoảng lặng sau giông bão

 

Chúng tôi ngồi cùng ông, trò chuyện. Ông Ngọ nói chuyện mỗi lúc một mạnh mẽ. Có lúc ông đập tay xuống bàn bồm bộp, lúc lại trầm ngâm... Ông bảo, sau mỗi trận bão ông đều có những ấn tượng. Ông không thể nào quên hình ảnh những cánh tay vẫy lên trời kêu cứu thảm thiết khi trực thăng đi qua, trong cơn bão số 5, ở Côn Đảo, hoặc hàng nghìn người bên bờ biển mắt đau đáu nhìn ra khơi tuyệt vọng mong chờ người thân. “Lúc ấy mưa gió kinh khủng. Chúng tôi bất lực, nhìn xuống thấy rõ từng người, nhưng tuyệt vọng”. Một Bộ trưởng của nông dân như ông, trông thấy dân trong cơn bĩ cực như thế mà đành bất lực, thật chẳng còn gì xót xa hơn.

 

Sinh năm Mậu Dần (1938), năm nay ông Ngọ đã xấp xỉ thất thập. Ông là người thẳng thắn. Những chuyện chúng tôi coi là tế nhị, còn đang loay hoay tìm cách đề cập thì ông thẳng thắn bộc bạch, không né tránh, không mặc cảm. Tất cả đều chân chất mộc mạc như con người ông vậy. Ông bảo (và chúng tôi cũng biết) từ ngày từ nhiệm Bộ trưởng, công việc trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Người ta chỉ thấy một Lê Huy Ngọ lăn lộn trong mưa bão, chẳng mấy ai hiểu được nội tâm ông…

 

“Công việc dẫu chẳng bề bộn như trước song rất khó khăn vì mình đã ở một vị trí khác. Ngày trước làm Bộ trưởng, làm việc với cả một bộ máy, còn giờ thì khác”- ông nói - “Chuyện công việc các anh lạ gì…”. Phải làm gì để bản thân không rơi vào tình trạng bất ổn, tất cả chỉ có thể xuất phát từ cái tâm. Ông nói: “Cứ nhìn thấy dân, vì dân thì sẽ vượt qua tất cả, vượt qua được cả nỗi mặc cảm trong chính mình. Đảng, Nhà nước còn tin tưởng, còn giao phó bất cứ trách nhiệm gì, tôi còn cống hiến”. Nói về bão lũ, ông bảo: “Giờ mình đẩy mạnh phòng ngừa, dự báo. Không phòng ngừa, dự báo kịp thời thì việc chống lại trời nhiều khi là không thể”.

 

Lúc đầu tới, chúng tôi định chỉ làm phiền ông 15-20 phút. Nhưng cuối cùng, cuộc trò chuyện đã kéo dài hơn dự định. Vẫn chỉ xung quanh chuyện bão tố. Bão tố của thiên nhiên, của cuộc đời ông. Có lẽ còn nhiều điều lắm ông chưa thể nói. Hôm nay 8/8, ông đi Hải Phòng họp sơ kết bão số 2...

 

Trần Đức - Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm