1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TT-Huế:

Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến

(Dân trí) - Mù hai mắt từ lúc còn nhỏ nhưng ông Nguyễn Dê (hiện 66 tuổi) xưa là người hăng hái chèo đò đưa du kích, lương thực vượt phá Tam Giang đến căn cứ cách mạng. Sau chiến tranh, ông là ngư dân giỏi trong việc đánh cá, lặn mò trìa trên đầm phá mưu sinh.

Về xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế hỏi nhà ông ngư Nguyễn Dê bị mù ai ai cũng biết. Người làng, người xã đều thán phục cái tài đánh cá, lặn trìa rất giỏi của ông. Ông là trụ cột chính của gia đình, cùng vợ làm lụng vất vả nuôi 7 người con khôn lớn.

Lão mù dũng cảm giúp cách mạng

Căn nhà của ông Dê ở làng chài Trung Hưng, xã Vinh Hưng nằm sát bên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng lớn. Sáng sớm mùa đông tiết trời lạnh buốt nhưng ông Dê và vợ Nguyễn Thị Dưỡng (60 tuổi) vẫn ra phá để bắt đầu một ngày mới mưu sinh. Dáng người thấp đậm, đôi vai mang đầy ngư cụ, ông bước đi trong bóng tối mà không cần ai dẫn đường.

Con đò nhỏ của hai vợ chồng ông nằm cách bờ phá Tam Giang khoảng chừng 5 m, giữa nước bao vây tứ bề. Chỉ trong chớp mắt, không cần ai dẫn tay ông đã leo lên được con đò máy. Rồi ông quờ quạng tìm cái tay quay để nổ máy. Rất thành thục, chỉ trong tích tắc chiếc máy nổ 24 CV đã kêu bành bạch, bà Dưỡng ngồi sau lái chiếc đò xé ngang dòng nước chạy nhanh về phía xa.

Chạy chừng 20 phút thì bà Dưỡng cho máy dừng hẳn rồi dùng mái chèo đẩy con đò trôi nhẹ trên mặt nước để chồng ngồi đầu mạn đò từ từ bủa lưới. Mới trông thấy chắc không ai nhận ra ông bị mù bởi những động tác quăng lưới, bủa chài khá chuẩn xác. Bà Dưỡng cho biết: “Từ thuở lấy ông về đến chừ tui chỉ việc lái đò, còn mọi việc do ông làm hết. Cái phá Tam Giang dù rộng lớn nhưng chỗ mô ông cũng thuộc như lòng bàn tay, ở mô nước cạn, nước sâu ông cũng nhớ”.

Rít điếu thuốc vấn cho đỡ lạnh, ông ngư Nguyễn Dê bắt đầu khề khà kể về cuộc đời của mình: “Tôi là con đầu trong một gia đình có đến 6 anh em. Hồi còn nhỏ nhà tôi ở xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc, ngày mô cũng đi đánh cá với cha mẹ nên biết thuộc lòng con phá ni”.

Lên 8 tuổi, ông bị bệnh đậu mùa và vẩy nến, nhiều ngày sống trong cảnh hành hạ của bệnh tật nhưng cuộc sống khốn khó, thuốc men thiếu thôn nên cha mẹ chỉ biết đưa ông đến chữa trị ở thầy làng và bằng những bài thuốc dân gian. Đôi mắt của ông nhức buốt và bắt đầu mờ dần, một năm sau thì mù hẳn. Ông nhớ lại: “Lúc mới mù tôi hễ bước chân đi là vấp ngã, đụng vào cái chi nó cũng rơi vỡ nên suốt ngày quanh quẩn trong nhà rất buồn chán”.

10 tuổi, cậu bé Dê xin ba mẹ theo đò đi đánh cá trên phá Tam Giang. Với trí nhớ tốt cùng bản chất con nhà ngư nên ông thuộc như lòng bàn tay những chỗ cha mẹ mình đánh cá, cách bủa lưới, lặn mò trìa.

Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 1
Lão mù Nguyễn Dê tự đi đánh cá hàng ngày trên phá Tam Giang, nơi khi xưa ông đã không biết bao nhiêu lần đưa các chiến sỹ cách mạng sang sông

Năm 1964, khi đó ông mới 18 tuổi thì chiến tranh bắt đầu ác liệt, xã Vinh Giang trở thành căn cứ cách mạng trong lòng địch. Cả vùng cách mạng Vinh Giang chỉ có mỗi con đò của gia đình ông nên khi nghe cách mạng vận động thì ông và 3 người em kế bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Từ đó, đêm đêm ông Dê cùng 3 người em mình là Nguyễn Điền, Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thị Gái ra bến đò bốc vác lương thực, đưa du kích lên đò rồi chèo ghe vượt phá Tam Giang đưa qua vùng căn cứ cách mạng ở xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc xa gần chục cây số. “Tui mù nên quân địch không nghi ngờ theo cách mạng. Mỗi lần đưa đò tui ngồi phía sau chèo lái, còn mấy người em thì ngồi trước dẫn đường” - ông Dê kể.

Hai bên bờ phá Tam Giang có rất nhiều đồn bốt canh gác của quân địch, nhiều lần chiếc đò của ông chạy ra giữa dòng thì bị phát hiện, giặc bắn đạn như mưa, nhưng ông nhiều lần thoát chết. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng ông mù Nguyễn Dê vẫn còn rùng mình khi nhắc đến đêm thoát chết kỳ diệu của mình khi đang chèo đò. Đó là một đêm cuối năm 1968, khi chiến dịch Tết Mậu Thân ở Thừa Thiên – Huế bắt đầu rất ác liệt, ông cùng những người em mình chèo đò đưa lương thực vượt phá. Khi đò mới chạy ra giữa phá Tam Giang thì bị địch phát hiện, súng nổ rền vang trên mặt phá, con đò của ông bị trúng đạn bốc cháy và chìm nhanh xuống đáy. Ông và những người em mình nhanh chống nhảy xuống nước lánh đạn. “Trời mùa đông nước lạnh như đá, tui mù không thấy đường nên khi nhảy xuống nước là cứ lặn một hơi dài sau đó theo cảm tính mà bơi vào bờ. Phải hai tiếng đồng hồ bơi, lặn trên phá tôi mới lên được bờ”, ông kể.

Trụ cột của gia đình

Chiến tranh ác liệt, năm 1971 quân địch nghi ngờ 4 anh em ông tham gia vận chuyển du kích, lương thực nên gia đình ông đành phải chuyển tới sống ở làng Trung Hưng, xã Vinh Hưng. Về nơi ở mới, 4 anh em ông Nguyễn Dê cùng tham gia vận chuyển lương thực và du kích cho cách mạng. Vì sự can đảm của ông nên bà Nguyễn Thị Dưỡng đem lòng yêu thương và hai người lập gia đình. Bà Dưỡng bồi hồi kể lại: “Tôi cũng có một người anh trai đi du kích và được ông Dê cùng mấy người em mình thường xuyên chở đến khu căn cứ. Anh trai tôi và ông Dê thân nhau lắm, vì sự can đảm và lòng trung thành mà tôi quyết định lấy ông làm chồng”.

Sau khi lập gia đình, ngày ông Dê cùng vợ đi đánh cá nuôi các con, đêm lại đi vận chuyển lương thực cho cách mạng. Bà Dưỡng cho biết khi đó cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, thường xuyên thiếu đói nhưng ông Dê vẫn giữ một lòng trung kiên với cách mạng.

Đêm 22/11/1971, bốn anh em ông ra bến đò bốc vác lương thực rồi chèo đò vượt phá Tam Giang. Khi đò vừa rời bến thì bất ngờ trúng đạn, 3 người em của ông là Nguyễn Điền, Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thị Gái đã hy sinh, ông may mắn thoát chết.

Sau ngày đó, ông bị quân địch bắt lên tra khảo, chúng đánh đập từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối hòng buộc ông khai những người hoạt động du kích trong xã. Tuy nhiên, lòng căm thù trước sự hy sinh của những người em mình khiến ông không hé răng một lời. Không có chứng cứ nên quân địch đành thả ông về.

Chiến tranh qua đi, ông mù Nguyễn Dê trở về sống cảnh cuộc đời ngư phủ đạm bạc, quanh năm ngụp lặn trên phá Tam Giang để nuôi 7 người con lớn khôn. Bà Dưỡng cho biết: “Ông mù nhưng có cái tài lặn giỏi lắm, ông lặn dưới nước 2-3 phút mới ngoi lên. Cứ mỗi lần ai đó đánh rơi đồ đạc hay lưới vướng cây dưới nước đều nhờ ông lặn mò”.

Nói về cái tài lặn con trìa thì ở xã Vinh Hưng chưa chắc có người nào bằng ông. Mỗi ngày ông lặn từ sáng đến tối cũng mò được gần 40 kg trìa đem về bán.

Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 2
2 vợ chồng ông Nguyễn Dê hạnh phúc bên nhau

Cách đây hai năm, ông quyết định vay tiền về đắp hồ nuôi cua cá trên phá Tam Giang. Hồ của ông rộng hơn 1ha, ngoài việc thuê 20 nhân công về làm, ngày nào ông cũng ra lặn mò đất đắp bờ cho đỡ ngày công. Mấy người đến làm thuê ai cũng thán phục cái tài lặn của ông. Dù không thấy đường nhưng ông làm rất khỏe, từ sáng đến tối ngụp lặn dưới nước mà không đau ốm.

Sau một ngày lặn ngụp giữa phá Tam Giang, vợ chồng ông trở về nhà ăn vội bữa cơm rồi lại dắt nhau ra đò chạy về hồ nuôi cá để canh giữ. Ông Dê tâm sự: “Con cái ai cũng có gia đình riêng, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi không nhờ cậy được gì, phải tự lao động mà kiếm sống thôi”.

Dưới đây là một số hình ảnh trong sinh hoạt ngày thường của lão mù với tài đánh bắt cá, trìa  rất giỏi có một không hai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 3

Hàng ngày ông Dê bắt đầu buổi sáng với việc nghe radio theo dõi tin tức
Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 4

Tự tin bước trên con đường quen thuộc mà không cần gậy dò đường hay người dẫn dắt
Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 5

Ông ra sông, đẩy thuyền chài ra
Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 6

Có đôi lúc ông và vợ đi chài nhưng việc bủa lưới, lấy lưới lên đều do một tay ông làm
Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 7

Ông Dê leo qua thuyền bạn chơi và trao đổi hải sản vừa mới đánh bắt được
Gặp ông lão mù chuyên chở bộ đội qua sông thời chiến - 8

Thân hình chắc chắn, khuôn mặt rám đen vì nắng gió, duy chỉ có đôi mắt mù bao năm qua vẫn không thể cản ông Nguyễn Dê bỏ nghề cá cũng như lòng dũng cảm chở hàng ngàn bộ đội qua sông

Đại Dương - Bình An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm