1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp những “nữ quái” ngoan hiền bên con trong trại giam

Nhìn những đứa trẻ bụ bẫm, ngoan hiền trong trại giam, cán bộ quản giáo và phạm nhân ai cũng vui. Với quan điểm trẻ em không có tội, chính anh Lê Quốc Phấn - Giám thị trại giam K1, Cái Tàu, huyện U Minh, Cà Mau đã đề nghị chăm sóc các cháu. Mỗi tháng, anh trợ cấp 1,5 triệu đồng/cháu tiền sữa. Nghĩa cử này đã thật sự cảm hóa những phạm nhân vốn từng là những "nữ quái" khét tiếng bên ngoài xã hội.


Phạm nhân Nhì chăm sóc con trai.

Phạm nhân Nhì chăm sóc con trai.

“Phù thủy gây mê” chấn động một thời

Lê Thị Thi (SN 1976, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) ôm đứa con 9 tháng tuổi bụ bẫm lí nhí: “Em rất hạnh phúc khi con em được cán bộ chăm sóc rất tốt. Em không thể ngờ rằng các cán bộ nơi đây đối xử với chúng em tốt như vậy”. Được mệnh danh là “phù thủy” gây mê nổi tiếng miền Tây, Thi gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều người đàn ông hảo ngọt và không ít lần gây khó khăn cho các chiến sĩ trinh sát, phá án.

Lấy chồng không được bao lâu, chồng chạy theo một bóng hồng khác để lại 3 đứa con cho Thi nuôi. Không nghề nghiệp, ruộng vườn, mang trong mình mối hận đàn ông, Thi bắt đầu chăm chút nhan sắc của mình. Không mấy khó khăn để “tu sửa” dung nhan, do sở hữu nước da trắng ngần, khuôn mặt dễ coi và giọng nói trong trẻo, dễ nghe, Thi bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.

Tháng 6.2012, Thi rủ Nguyễn Chí Khanh (SN 1987, ngụ khóm 6, phường 6, TP.Cà Mau) cướp tài sản của chị Võ Bích Tuyền, nhân viên phục vụ quán nhậu Bảy Ánh (thuộc xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) vì thấy Tuyền đeo nhiều nữ trang. Để thực hiện kế hoạch, Thi đưa tiền cho Khanh đến quán Bảy Ánh để nhậu và làm quen với Tuyền. Tối 6.6.2012, Thi lên kế hoạch cho Khanh gọi điện rủ Tuyền ra TP.Cà Mau để nhậu.


Phù thủy gây mê” Lê Thị Thi cùng
con trong trại giam
Phù thủy gây mê” Lê Thị Thi cùng con trong trại giam

Sau đó, cả ba vào phòng trọ. Tại đây, Thi lấy chai nước ép trái cây có thuốc ngủ mời Tuyền uống. Phi vụ này Thi cùng Khanh “trúng quả” hơn 45 triệu đồng. Tháng 4.2013, TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt Thi và Khanh, mỗi bị cáo 8 năm tù về hành vi cướp tài sản. Do đang mang thai, Thi được tại ngoại nhưng bị cấm túc ở nơi cư trú.

Bất chấp việc mang trong mình cái án tù 8 năm cùng với cái thai trong bụng, Thi lại tiếp tục gạ gẫm một đại gia, rủ vào nhà trọ, cho uống nước giải khát có thuốc mê để cướp tài sản gồm: 1 chiếc lắc 5,5 lượng vàng 18K; 1 dây chuyền vàng 2 lượng vàng 18K; 2 nhẫn vàng 3,2 lượng…

Tổng số tài sản bị mất gần 10 lượng vàng các loại. Nhận được trình báo của nạn nhân, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau không khó khăn phát hiện thủ phạm là Thi. Lập tức, Thi bị bắt khẩn cấp. Khám xét nhà Thi, trinh sát thu giữ 62 triệu đồng. Thời gian đó, con của Thi mới được 2 tháng tuổi. Tổng cộng các hình phạt, Thi nhận bản án 20 năm tù giam.

Một “nữ quái” khác có thành tích không kém Thi là Nguyễn Thị Út Nhì (SN 1989, trú ngụ ở phường 9, TP.Cà Mau) nổi tiếng với nghề… ăn trộm. Khi đến tuổi cập kê, Nhì sống như vợ chồng với Phạm Quang Thẩn (chạy xe ôm). Không nghề nghiệp, lại có 3 mặt con, Nhì hành nghề... ăn trộm đến mức quen mặt lực lượng cảnh sát hình sự Công an TP.Cà Mau.

Tháng 4.2010, Nhì bị TAND TP.Cà Mau phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Vừa ra tù, Nhì lại “ngứa tay” và bị phạt thêm 1 năm tù giam. Năm 2012, TAND tỉnh Cà Mau xử phạt Nhì 2 năm tù giam. Tuy nhiên, do Nhì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên được miễn chấp hành hình phạt. Trong thời gian trên, Nhì tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, khu chợ đêm TP.Cà Mau trộm điện thoại di động bị lực lượng công an bắt. Với lý do đang được tại ngoại nuôi con, Nhì được miễn xem xét trách nhiệm hình sự.

Tiếp đó, tối 26.4.2013, Nhì tìm đến Hội chợ Thương mại Cà Mau tiếp tục lấy trộm cái bóp có 7,5 triệu đồng và một điện thoại thì bị lực lượng bảo vệ bắt quả tang. Trước mức độ tái phạm của Nhì, TAND TP.Cà Mau tuyên phạt Nhì 30 tháng tù giam. Tổng cộng hình phạt trước đó, Nhì chấp hành 45 tháng 19 ngày.

Mong con không theo bước chân của mẹ

Một ngày cuối tháng 10.2013, nhiều phạm nhân hô to với cán bộ quản giáo: “Cán bộ ơi, con Nhung (tức Nguyễn Thị Nhung, SN 1982), nó đau bụng đẻ rồi”. Lập tức, cán bộ y tế đã tới giúp đỡ. Đến rạng sáng hôm sau, Nhung sinh cháu trai kháu khỉnh. Quên đi nỗi đau đớn, Nhung ôm con vào lòng, hai hàng nước mắt lăn dài trên má, nhìn cán bộ trại thều thào: “Cảm ơn cán bộ!”. Nhung từng có tiền án trộm cắp tài sản. Khi mãn hạn tù, Nhung cùng một số đối tượng đi… trộm vặt.

Năm 2003, Nhung và đồng bọn bị công an truy bắt. Tháng 10.2003, Nhung bị phạt 26 tháng tù giam. Trong thời gian được tại ngoại, Nhung bỏ trốn. Mười năm trốn lệnh truy nã, Nhung lập gia đình, có công việc ổn định và cứ ngỡ đã thoát khỏi lưới của pháp luật.

Ngày 17.10.2013, Nhung bị bắt theo lệnh truy nã. Nhập trại một ngày, ngày hôm sau Nhung sinh nở. Chúng tôi hỏi con em tên gì, Nhung lí nhí: “Em đặt tên con là Ngoan để sau này nó không đi lạc đường như em đã chọn”.

Trở lại với phạm nhân Nhì, khi vào trại chấp hành án được 7 tháng, bụng Nhì càng to. Cán bộ quản giáo báo với Ban giám thị cho Nhì được nghỉ lao động để dưỡng thai. Ngày 21.11.2013, Nhì trở dạ. Một lần nữa, cán bộ trại lại... đỡ đẻ cho Nhì. Bây giờ con của Nhì - cháu Nguyễn Ngọc Anh T đã gần 1 tuổi khá kháu khỉnh.

Ôm con trong lòng Nhì tâm sự: “Lúc em ở tù, ba đứa con sống với nội và cô. Bây giờ, cháu ở đây cũng ổn. Ban giám thị cấp dưỡng sữa hàng tháng nên nó chóng lớn lắm. Em cảm ơn lòng tốt của ban giám thị”.

Con của Thi - cháu Lê Thị P. T cũng khá xinh. Những ngày tháng sinh con trong trại giam, được cán bộ quản giáo tận tình chăm sóc, Thi mới thấm hiểu được tình cảm mà mọi người dành cho mình - một phạm nhân từng tác oai tác quái ngoài xã hội.

Thi trầm tư: “Mọi người tốt với em quá, phải chi đời của em được gặp nhiều người tốt cưu mang thì đâu đến nỗi nào. Từ ngày vô trại, nhìn thấy con thơ, em mới thấm thía tội lỗi của mình. Em chờ đến ngày tự do trở về với nghề lương thiện để nuôi con”. Mang trong mình bản án 20 năm tù, ngày mãn hạn của Thi chắc đường về nhà rất xa, khi mà chồng đã bỏ, không nghề nghiệp, người thân.

Khi tiếp nhận những phạm nhân chuẩn bị sinh nở, không ít cán bộ quản giáo phân vân, lo lắng bởi đây là những trường hợp hi hữu của trại giam. Đại úy Nguyễn Văn Hà - Phó đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ Trại giam KI Cái Tàu nhớ lại: “Lúc đầu, chúng tôi phân vân lắm, nhưng được sự giải thích của Ban giám thị, cán bộ trại ý thức được rằng các cháu không có tội nên cần được quan tâm chăm sóc như bao đứa trẻ khác”.

Theo Nhật Hồ
Lao động