Gặp người sáng chế công cụ đưa cùng lúc nhiều trẻ em vào lòng địa đạo
(Dân trí) - Với nhiều thành tích trong chiến đấu, sản xuất ở vùng giới tuyến, ông Đinh Như Gia đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ.
Sáng chế công cụ đưa trẻ em vào địa đạo
Một ngày đầu tháng 9, tôi có dịp ghé thăm, trò chuyện cùng Anh hùng lao động Đinh Như Gia, tại khối phố 5, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Năm nay đã ngoài 90, nhưng ông Gia rất minh mẫn, mỗi lần nhắc đến năm tháng tham gia cách mạng, cụ tỏ ra hứng khởi, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Ông Gia sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 13 tuổi đã tham gia tìm hiểu, vẽ các vị trí trọng điểm của địch ở Phủ lỵ Hồ Xá. Năm 1950, ông bị giặc bắt giam 9 tháng, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, nhưng với tinh thần yêu nước, ông nhất quyết không khai.
Khi được trả tự do, trở về quê hương, ông Gia tiếp tục hoạt động cách mạng. Hiệp định Geneve được ký kết, giai đoạn 1954-1955, ông là Trung đội trưởng dân quân du kích Nam Hồ, xã Vĩnh Nam, khu vực Vĩnh Linh.
Giai đoạn 1956-1964, ông Gia làm Đại đội trưởng dân quân Nam Hồ, kiêm Đội trưởng Đội sản xuất số 5, Hợp tác xã sản xuất Nam Hồ, Chính trị viên, Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ Nam Hồ.
"Thời gian đó thật sự ác liệt, trên không máy bay thả bom liên tục, ngoài biển tàu địch bắn phá vào đất liền. Nhà cửa, các công trình bị đánh sập, nhân dân sống chủ yếu dưới hầm, địa đạo", ông Gia nhớ lại.
Không chỉ đánh giặc giỏi, ông Gia còn nghiên cứu và nắm vững quy luật bắn phá của máy bay địch, bố trí người dân sản xuất hợp lý để phòng tránh, hạn chế thương vong.
Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh ghi: "Đinh Như Gia không chỉ sáng tạo, dũng cảm quên mình trong các trận đánh, bắn trả máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt, mà còn rất tài năng, mưu trí trong chỉ đạo sản xuất, giúp hơn 600ha lúa, hoa màu của xã Vĩnh Nam đạt năng suất cao nhất hàng năm".
Với nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, chiến đấu, ngày 1/1/1967, ông Gia được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Ông Gia cũng là người sáng chế ròng rọc, đưa trẻ em từ mặt đất xuống địa đạo an toàn mỗi khi có máy bay B52 Mỹ ném bom.
Theo ông Gia, trong một lần máy bay địch đánh phá, chứng kiến các mẹ, các chị đang làm ruộng phải bỏ dụng cụ, chạy về mang con xuống địa đạo, hết sức vất vả. Bởi vậy, ông đã nghiên cứu, làm sao cùng lúc đưa được thật nhiều em nhỏ xuống hầm nhanh nhất.
Sau thời gian mày mò, ông Gia đã tạo ra hệ thống ròng rọc, khi máy bay địch ào đến ném bom, tiếng chuông báo hiệu reo lên, người giữ trẻ chỉ cần kéo ròng rọc là cả hệ thống hàng trăm chiếc nôi tự động chạy xuống đường hầm địa đạo.
Nhờ sáng kiến độc đáo này, trẻ em Vĩnh Linh được bảo vệ an toàn hơn trước đó, giúp bố mẹ yên tâm ra đồng vừa cấy cày, vừa bắn máy bay Mỹ.
"Có chiếc ròng rọc, một người có thể đưa nhiều trẻ xuống hầm, địa đạo, vừa nhanh, vừa hiệu quả, để các mẹ, các chị có thể yên tâm lao động sản xuất, chiến đấu. Chiếc ròng rọc còn dùng để vận chuyển lương thực cho bộ đội, người dân ở dưới hầm, địa đạo", ông Gia kể.
Vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ
Ông Gia chia sẻ niềm vinh dự 5 lần được ra Thủ đô gặp Bác Hồ, với ông đó là kỷ niệm không bao giờ quên.
Năm 1957, lần đầu tiên ông Gia được gặp Bác Hồ. Lần đó, ông và đoàn dân quân du kích giới tuyến khu vực Vĩnh Linh tham gia lễ duyệt binh tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội). Hôm ấy, Bác đến thăm, hỏi han tình hình sản xuất, chiến đấu của quân dân Vĩnh Linh rất cặn kẽ. Bác còn bắt nhịp bài hát "Bài ca kết đoàn" để ông Gia và mọi người cùng hát trước khi tạm biệt.
Năm 1967, ông Gia tiếp tục được ra Hà Nội tham dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4, tiếp tục được gặp Bác Hồ. Lần này, ông Gia được ưu tiên ngồi ăn cơm, nói chuyện với Bác về cuộc sống, lao động sản xuất và chiến đấu vô cùng khốc liệt của người dân vĩ tuyến 17.
"Tới bây giờ, cảm giác được ngồi bên Bác, được Bác đơm cơm, gắp từng món ăn, tình cảm gần gũi, đầm ấm vẫn còn nguyên vẹn. Dịp ấy, Bác còn gửi 5kg bồ kết về tặng chị em ở Vĩnh Linh. Nhận món quà của Bác, chị em hầu như không dùng gội đầu mà giữ cẩn thận làm kỷ niệm", ông Gia nhớ lại.
Ông Gia chia sẻ, lần nào được gặp Bác Hồ cũng rất cảm động, nhưng sâu sắc nhất là năm 1968, khi cụ và các đội trưởng đội sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đến thăm Bác.
Lúc này sức khỏe Bác yếu hơn, Bác ân cần nắm tay, dặn ông Gia về nhắc nhở bà con Vĩnh Linh khi nào máy bay Mỹ ngừng ném bom thì tranh thủ lên khỏi địa đạo để hít thở khí trời, giữ sức khỏe. Vì cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước của chúng ta có thể còn kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, dù thế nào cũng sẽ thắng lợi.
Ngoài 5 lần được gặp Bác Hồ, năm 1969 khi Bác mất, Anh hùng Đinh Như Gia là một trong 6 đại biểu ưu tú của Vĩnh Linh được ra Hà Nội viếng Bác trong niềm tiếc thương vô hạn.
Giờ đây, những kỷ niệm, kỷ vật về Bác luôn được ông Gia xem như tài sản vô giá và cũng là nguồn đề tài bất tận cho những câu chuyện về Người, trong mỗi lần ông truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.