1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người đầu tiên được mang họ Bác Hồ

(Dân trí) - “Bốn lần được gặp Bác Hồ, cùng ăn cơm, cùng nói chuyện với Bác cũng là lúc tôi vinh dự được Bác đặt cho họ Hồ” - anh hùng Hồ Đức Vai, người dân tộc Pa Kô, không giấu niềm tự hào.

Gặp người đầu tiên được mang họ Bác Hồ - 1

Anh hùng Hồ Vai chụp ảnh với Bác Hồ năm 1965, Hồ Vai đứng bên phải Bác.

 

Anh hùng Hồ Đức Vai sinh năm 1940, đến nay vẫn được người dân vẫn âu yếm gọi là người thành lập ra họ Hồ ở thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

 

Những năm 1961, 1962, ở mảnh đất Trị Thiên khói lửa, giặc Mỹ tàn phá dã man. Hồ Vai lúc ấy đang là anh du kích của xã, nghe trên đài về những chiến công của Bác, ngưỡng mộ Bác, ơn Đảng, ơn Bác Hồ như suối nguồn chảy mãi không bao giờ cạn. Cũng vì lẽ đó Hồ Vai đã tự nguyện lấy họ Bác Hồ làm họ của mình để thể hiện một long son sắc theo cách mạng.

 

Năm 1964, anh du kích Hồ Vai (24 tuổi) vinh dự được đi dự Đại hội chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam tổ chức tại Tây Ninh. Trong số 32 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang có 2 du kích người dân tộc (A Vai, dân tộc Pa Kô tỉnh Thừa Thiên-Huế và Pi Năng Tak, dân tộc Răglai tỉnh Ninh Thuận).

 

Sau năm 1965 anh hùng Hồ Vai được ra Hà Nội thăm quan, học văn hóa, học sĩ quan lục quân... Anh tự hào là người bốn lần được gặp Bác Hồ, cùng ăn cơm nói chuyện với Bác.

 

40 năm trôi qua rồi, giờ nghĩ lại, anh hùng Hồ Vai vẫn rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. “Điều mà Bác hỏi tôi nhiều nhất là về vấn đề người dân tộc ít người. Thấy tui nói rành mạch, Bác khen”, ông nhớ lại.

 

Cũng từ lần đầu tiên đó, Bác chính thức đặt tên họ Hồ cho chàng du kích người dân tộc Pa kô là Hồ Đức Vai.

 

Năm 1968 khi chuẩn bị cho tết Mậu Thân, Hồ Vai trở lại Miền Nam chiến đấu. Ông vận động tuyên truyền cho lực lượng vũ trang tất cả đều bỏ họ mình lấy họ Bác Hồ. “Tất cả có đồng ý không? Đồng ý, đồng ý”. Rồi từ đó họ Hồ đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, cho đến ngày nay chủ yếu là ở các dân tộc thiểu số như: Pa Cô, Tà Ôi, Cà Tu, Pa Hy...

 

“Ngày xưa chưa có họ Bác Hồ, người dân nơi đây nghèo lắm. Thời đó, đồng bào miền núi sống du canh du cư, săn bắn, hái măng và củ rừng, thiếu cơm lạt muối, dẫn đến đau ốm, bệnh tật, chết dần chết mòn. Ngay cái tên, cái họ của mình cũng được đặt theo tên các loài cây rừng như Ra pát, Pơ loong, Pi siêh, A relơ... Từ ngày có cán bộ, bộ đội lên giúp bà con xây dựng bản làng, đánh đuổi giặc Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dạy cái chữ Bác Hồ, cuộc sống đồng bào mới thoát khỏi cảnh đói nghèo, tăm tối” – Anh hùng Hồ Vai kể lại.

 

Năm 1969, khi Bác mất, để nhớ ơn Bác, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thừa Thiên- Huế đồng loạt mang họ Bác Hồ để tỏ lòng thương kính đối với Bác.

 

Núi Phấn