1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Gặp người cựu chiến binh xây tượng đài Bác Hồ trên miền sơn cước

(Dân trí) - QL40B từ TP Tam Kỳ qua khỏi thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam), phía bên tay phải là nhà thờ với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng uy nghi của một cựu chiến binh với quang cảnh yên bình khiến ai vào tham quan cũng có cảnh giác rưng rưng…

Công trình đầy tâm huyết này do cựu binh Võ Như Thông (SN 1934, còn gọi là Võ Như Tông, hiện trú tại tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) xây dựng. Từ nhiều năm nay, ông đã dồn tâm sức chăm lo khu vườn này cho du khách gần xa đến tham quan.

Vợ chồng cụ Thông
Vợ chồng cụ Thông

Bên ngoài cổng uy nghiêm với hàng chữ “Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bên trong là Tượng đài Bác, phía sau là nhà thờ và sau cùng là khu lưu niệm với những kỷ vật, ký ức liên quan đến Bác Hồ. Phía trên phải là khu lưu niệm của một số danh nhân, anh hùng dân tộc, phía bên trái là một ao cá rộng với không gian cây cảnh, vườn tược hết sức thơ mộng...

Theo lời cụ Thông, năm 1947, cụ tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1955 tập kết ra Bắc. Năm 1964, cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và cụ vào Nam chiến đấu. Thời điểm này, người chiến sĩ ấy lấy biệt danh “Tử Vi Dân” với ý nghĩa sâu xa: “Vì nhân dân hy sinh”.

Cụ Thông bên tượng đài Bác Hồ trong khu vườn nhà, nằm bên QL40B
Cụ Thông bên tượng đài Bác Hồ trong khu vườn nhà, nằm bên QL40B

Thời điểm này, người lính tên Thông quen với cô y tá tên Huỳnh Thị Thuyền (SN 1947), là quân y nhỏ hơn 13 tuổi và sau này hai người nên duyên vợ chồng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về Trà My công tác đến lúc về hưu với quân hàm Thiếu tá.

Theo cụ Thông, tuy chưa một lần gặp nhưng hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong tim mình. Thời gian ở ngoài Bắc, được đồng đội quê Bắc Ninh tặng cho một bức tranh Bác Hồ bằng đá nên ngày đêm cụ có cảm giác luôn có Bác bên cạnh.

Cụ Thông tâm sự, gia đình có việc gì trọng đại luôn đứng trước bàn thờ Bác đặt trong nhà xin phép. Mỗi lần con cái lấy vợ, lấy chồng, đại gia đình của cụ đều thuê xe ra Thủ đô viếng Lăng Bác để báo cáo và xin Bác trước khi làm các thủ tục, lễ nghi…

Với việc lại vất vả và sức khỏe ngày càng giảm sút, sau bao đêm suy nghĩ, cụ Thông bàn với vợ về xây dựng nhà thờ Bác Hồ trong vườn nhà mình và được bà đồng ý ngay. Bà cũng là dòng dõi cách mạng, cũng là con Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng giống ông Thông.

Cụ Thông giới thiệu những tư liệu quý trưng bày trong nhà
Cụ Thông giới thiệu những tư liệu quý trưng bày trong nhà

Hơn 10 năm nay, cụ tất tả khắp nơi tìm mua, sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. Năm 2007, bức tượng Bác Hồ uy nghiêm dựng lên khiến ông cũng như bạn bè, bà con bản làng thấy rất ấm lòng. Năm 2009, hoàn thành nhà thờ, khu tưởng niệm và những tư liệu, kỷ vật về Bác Hồ của cụ Thông càng đầy đủ hơn với sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội.

Bức tượng Bác Hồ cao 1,6m được ông Thông lặn lội từ quê nhà xuống làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhờ các thợ làm và “thỉnh” về Bắc Trà My. Phía dưới có ghi mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười. Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi. Người rực rỡ một mặt trời cách mạng. Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng. Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người…”.

Quá trình tích góp, trong khuôn viên khu vườn về phía bên tay phải, cụ Thông làm tiếp ban thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Luật sư Lô-dơ-bi (ân nhân của Bác Hồ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đầu năm 2016 mới xong ban thờ Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.

Cụ Thông sưu tầm và trưng bày nhiều tư liệu quý về Bác Hồ
Cụ Thông sưu tầm và trưng bày nhiều tư liệu quý về Bác Hồ

Cụ Thông tâm sự: “Tôi làm nhà thờ này được nhiều người hưởng ứng nhưng một số người cũng tiếng ra tiếng vào, cho rằng “về hưu không để tiền dưỡng già”. Tôi thì tôi nghĩ làm nhà thờ Bác Hồ trước là thể nguyện tấm lòng của mình, sau đó những người địa phương, thập phương, thế hệ trẻ đến thăm viếng, tìm hiểu về Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của Dân tộc”…

Hỏi về việc kinh phí xây dựng khuôn viên và tượng đài Bác, cụ Thông không tiết lộ vì theo lời của cụ là tấm lòng của mình dành cho Bác Hồ không thể đo đếm được bằng tiền. Hơn nữa, nhiều năm dành hết tâm sức cho công trình để đời này cụ cũng không thể đếm được.

“Vợ chồng tôi về hưu, có Nhà nước trả lương, mình dành dụm bấy lâu nay và cả sau này nữa để làm nhà thờ Bác Hồ thì cũng là tiền của Nhà nước thôi. Còn làm thêm trong vườn tược thì đủ sống, có dư dã thì bổ sung vào việc làm nhà thờ, thế là vui rồi”, cụ Thông tâm sự.

Cụ cũng chia sẻ: “Tôi làm công trình này coi như ngày nào cũng được gần Bác, mà ai cũng vào thăm được. Nơi đây không phải là nơi viếng Bác, vì viếng là phải ra Lăng Bác ngoài Hà Nội. Đây là nơi để bà con nhân dân ở đây cũng như du khách có dịp ghé Trà My cảm thấy được gần Bác hơn”.

Cụ Thông cho biết, mới đây có một giáo sư người Mỹ đến tham quan, thắp hương viếng Bác Hồ tại đây. Vị giáo sư này nói rằng ông là người Mỹ chứ không phải đế quốc Mỹ. Sau đó, vị giáo sư này xin phép đứng dưới chân Tượng đài Bác Hồ để chụp ảnh lưu niệm.

“Bác Hồ là vị cha già của dân tộc Việt Nam. Bác mất rồi nhưng tại sao mình không theo phong tục của người Việt Nam, đó là hàng năm thì phải thắp hương giỗ Bác và nhân dịp đó, giáo dục truyền thống lịch sử cho con cháu. Một mai mình chết đi, gia tài của mình để lại cho con cháu là tượng đài Bác, là những hình ảnh, sách báo nói về Người...”, cụ Thông tâm sự.

Công Bính