Quảng Nam:
Gặp người cựu chiến binh nhiều năm đi tìm hài cốt đồng đội
(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng vạn người lính vẫn nằm lại nơi đất lạnh xa lạ. May mắn trở về sau chiến tranh, người cựu chiến binh Trương Minh (70 tuổi, trú xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn luôn miệt mài hỗ trợ địa phương, gia đình liệt sĩ tìm kiếm hài cốt người thân.
Như bao chàng trai yêu nước khác, tháng 2 năm 1966, ông tham gia liên đội thanh niên xung phong Điện Bàn (thuộc Tổng đội TNXP Quảng Nam).
Năm 1977, ông chuyển sang quân đội thuộc Ban công tác quân khu, sau đó sang Campuchia làm chuyên gia quân sự cho nước bạn. Sau khi nghỉ hưu ông lại tiếp tục công tác tại địa phương gần 26 năm nay. Đến nay, ông đã tiến hành quy tập được 54 hài cốt liệt sĩ, trong đó 6 liệt sĩ đưa ra các tỉnh phía Bắc.
“Với cương vị là một người lính Cụ Hồ, một người đồng chí, tôi phải có trách nhiệm đưa họ về với gia đình, quy tập về nghĩa trang, để vong linh họ được an nghỉ”, ông Minh nghẹn ngào nói.
Từ những thông tin lưu trữ, nhân chứng sống và được người thân liệt sĩ cung cấp, ông đã cùng với Hội Cựu chiến binh, Ban chỉ huy quân sự phối hợp tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Với những thông tin sơ khai ban đầu, ông đến tận địa điểm nghi có hài cốt để tìm kiểm chứng thông tin từ địa phương, người dân, quan trọng nhất là những nhân chứng sống hay đồng đội từng chiến đấu với liệt sĩ đó.
Công tác tìm thông tin, xác định vị trí là một chuyện, công tác đào xới tìm kiếm liệt sĩ lại là một chuyện khác. Có những cuộc tìm kiếm kéo dài vài tuần liền, nhưng dù khó thế nào cũng phải cố gắng hết sức để những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương đất nước được an nghỉ nơi chín suối.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là lần tìm mộ đầu tiên, đó là liệt sĩ Trần Huy Bảo (quê gốc Nam Định) hy sinh năm 1968 tại thôn Tây, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Không biết phải tâm linh hay sự trùng hợp khi đưa hài cốt qua đèo Hải Vân xuống gần đến Lăng Cô thì có con chim cú mèo từ đâu đâm vào xe rồi chết, mọi người phải xuống cúng vái rồi mới đi tiếp. Sau đó, gia đình cho biết con chim đó có thể là đồng đội của liệt sĩ tiếc nuối, đưa tiễn đến đèo Hải Vân.
Việc tìm kiếm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, liệt sĩ sau khi tìm kiếm được an táng, chôn cất đàng hoàng. Nếu người nhà có nguyện vọng đưa về quê hương, ông sẵn sàng cùng gia đình đưa liệt sĩ về quê cha đất tổ, dù Nam hay Bắc.
Tìm kiếm liệt sĩ rất tốn kém, cần khá nhiều thời gian, công sức, huy động nhiều nguồn lực, vì vậy mỗi cá nhân phải hy sinh trước. Có thời điểm thân nhân liệt sĩ từ Bắc vào rất đông, từ 15-16 người đều được đưa về gia đình ông ăn ngủ, chăm sóc chu đáo cho trọn vẹn tình nghĩa.
Những ngày ngược xuôi tìm mộ liệt sĩ là những ngày ông bị ám ảnh bởi hình ảnh những nấm mồ liệt sĩ hiu quạnh chưa được tìm thấy. Chứng kiến nhiều câu chuyện mang màu sắc liêu trai nhưng có thật khiến ông bồi hồi, day dứt.
Như trường hợp ông cùng người thân liệt sĩ đang tìm kiếm thì tự nhiên người cháu ruột liệt sĩ đuổi đánh ông rồi nói tại sao tôi nằm đây 40 năm rồi không ai đến tìm. Lúc đó ông cảm thấy rất có lỗi, chỉ biết thắp nhan khấn vái xin đưa liệt sĩ về đoàn tụ cùng gia đình. Hay trường hợp, cháu dâu liệt sĩ đang đi tìm kiếm bỗng ngất xỉu, đến khi tỉnh lại chỉ đích danh chỗ mình vừa ngã có mộ, rồi đúng cả hướng nằm.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe dần suy kiệt, nhưng chỉ cần có thư nhờ vả của thân nhân liệt sĩ hay địa phương là ông sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm. Tất cả công sức bỏ ra ông không thu một đồng, bởi theo ông quan niệm: “Nhận tiền của người ta khác nào tôi đang sống sung sướng trên xương máu của những chiến sĩ đã ngã xuống. Mỗi lần tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ đưa họ trở về cùng quê hương, gia đình là lúc tôi cảm thấy thanh thản, ý nghĩa nhất”.
Ông luôn tâm niệm: “Làm sao có thông tin, chứng cứ để tìm kiếm thật nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn còn đang nằm sâu dưới lòng đất được quy tập vào nghĩa trang, an lòng gia đình người đã khuất thì tôi đi tìm cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi. Vì mình may mắn hơn các đồng chí đã nằm xuống, mình phải trân trọng máu xương đồng đội”.
Những ngày này, ông đang tất bật chuẩn bị hồ sơ, tìm kiếm nhân chứng, thông tin chính xác và viết thư hồi đáp với nhân thân gia đình liệt sĩ quê ở Thái Bình để phối hợp tìm kiếm, an lòng người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của nước nhà.
Trao đổi với PV, đại diên Hội cựu chiến binh thị xã Điện Bàn nhận xét: “Đồng chí Trương Minh là một trong những cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong công tác Đoàn, Hội, làm tốt công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Là tấm gương sáng cho Hội cựu chiến binh thị xã nói chung và xã Điện Thọ nói riêng”.
N.Linh-C.Bính