Gặp người cựu binh bị quân địch treo thưởng 500 Bạt để lấy mạng
(Dân trí) - Với sự thông minh và "tinh quái" trong chỉ huy đánh trận, cựu binh Nguyễn Quốc Quang trở thành “cái gai” trong mắt địch. Để loại bỏ “cái gai” ấy, địch treo thưởng 500 Bạt cho ai tiêu diệt được ông.
Ký ức không bao giờ quên
Đã gần 34 năm hoàn thành nhiệm vụ, rời đất nước Lào để trở về Việt Nam, song trong tâm trí của người cựu binh Nguyễn Quốc Quang (SN 1948, ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) về những ngày tháng hào hùng sống và chiến đấu ở Lào vẫn còn nguyên vẹn. Những trận đánh, trận địa và cả sự hy sinh của những người đồng đội, ông vẫn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua.
Tháng 9/1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Quốc Quang lên đường nhập ngũ, huấn luyện ở K17, đoàn 22 (trực thuộc Bộ Quốc phòng) đóng tại Nghệ An.
Sau 2 tháng huấn luyện, ông cùng 500 đồng đội đã nhận nhiệm vụ sang để giúp đỡ đất nước bạn Lào. Trên khuôn mặt và suy nghĩ của những người lính lúc ấy là niềm tự hào và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để trở về quê hương.
Trong suốt những năm tháng ở Lào, ông đã cùng bộ đội và nhân dân Lào tham gia chiến đấu trực tiếp, đã có biết bao trận đánh, làm nên bao chiến công vang dội.
“Nhiệm vụ của ta lúc sang giúp đỡ đất nước bạn Lào là cùng với họ tiêu diệt, đánh đuổi lực lượng Phỉ (Vàng Pao)”, ông Quang cho biết.
Trong dòng mạch hồi tưởng về những ngày tháng hào hùng ấy, có những phút giây ông lắng lại, ông nhớ về những người đồng đội đã nằm xuống trên đất nước bạn.
Đó là trận quân địch tập kích vào doanh trại đại đội 2, tiểu đoàn 44 lúc 4h sáng cuối tháng 3 năm 1980. Trận tập kích bất ngờ ấy khiến 6 người đồng đội của ông đã hy sinh.
Cũng trong trận đánh ấy, ông đã bị thương ở mắt phải và tay trái do bị trúng mảnh đạn.
Hay vào cuối năm 1982 khi đoàn công tác Quân khu 4 của ta di chuyển từ Viêng Chăn đến tỉnh Bô-ly-khăm-xay (Lào) gần tới khu vực của tiểu đoàn 44 đóng quân thì bị quân địch tập kích, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh và bị thương.
Bị tập kích, tiểu đoàn 44 của ông, cùng Lữ đoàn 176 đã khẩn trương tổ chức phản công, đuổi đánh, buộc địch phải bỏ chạy sang Thái Lan.
“Trận tập kích đó, nhiều cán bộ của ta đã hy sinh và bị thương. Nhưng ta cũng đã nhanh chóng phản công, tiêu diệt được 5 tên địch và buộc chúng phải tháo chạy sang Thái Lan”, ông Quang nhớ lại.
Trong những trận đánh ấy là sự sát cánh của những người lính tình nguyện Việt Nam, bộ đội và nhân dân Lào anh em.
Không chỉ là những trận đánh mà trong những năm tháng hoạt động ở Lào đã để lại cho ông những ký ức đẹp đẽ không thể nào quên. Đó là tình cảm khăng khít, sự giúp đỡ, thương yêu của nhân dân Lào đối với những người lính tình nguyện Việt Nam.
“Đó là những mớ rau, bắp ngô hay bát gạo, nhân dân Lào đều mang đến cho chúng tôi, những người lính tình nguyện Việt Nam. Hay có những lúc hành quân, xe của chúng tôi chở đầy pháo đạn đã bị lật. May mắn là được người dân giúp kịp thời nên không có thương vong gì”, ông Quang hồi ức lại.
Địch treo thưởng 500 Bạt để lấy mạng
Cuối những năm của thập niên 70, đầu 80, cái tên Nguyễn Quốc Quang đã được kẻ địch để ý. Thời điểm đấy, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 44.
Sự thông minh, gan dạ và "tinh quái" trong chỉ huy đánh trận đã khiến cựu binh Nguyễn Quốc Quang trở thành “cái gai” trong mắt địch.
Đặc biệt vào cuối năm 1982, sau khi chỉ huy truy đuổi một nhóm quân địch làm hao tổn lực lượng và buộc chúng phải chạy sang Thái Lan lánh nạn thì cái tên Nguyễn Quốc Quang lại càng được nhắc tới nhiều hơn.
Để loại bỏ "cái gai" ấy, quân địch đã treo thưởng 500 Bạt (tiền Thái Lan) cho ai tiêu diệt được ông Nguyễn Quốc Quang.
“Thời điểm ấy số tiền đó cũng là lớn lắm rồi. Khi nghe tin tôi cũng khá bất ngờ, nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ cách giác, thận trọng hơn”, ông Quang nhớ lại.
Đến năm 1986, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông đã được điều động về Tỉnh đội Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh). Đến năm 1990 ông được nghỉ hưu theo chế độ và trở về quê hương sinh sống.
Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2, Huân chương Kháng chiến hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ông đã được Nhà nước Lào tặng thưởng Huy chương Anh dũng chống Mỹ.
Đó là những phần thưởng cao quý, là báu vật ông Quang luôn nâng niu, cất giữ bên mình.