1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người chụp hơn 4.000 bức ảnh “chim xệ cánh”

(Dân trí) - Chiến tranh kết thúc, anh trở về quê hương, mang theo mình hàng chục vết thương và hàng chục mảnh bom đạn; cứ trái gió trở trời là đớn đau, vật vã. Nhưng anh trở thành người nổi tiếng khắp Việt Nam không nhờ những vết thương ấy…

Người phát hiện bệnh “chim xệ cánh”

 

Anh là Phan Chí Thành, sinh năm 1952, trú tại thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chủ nhiệm UB DS-GĐ&TE huyện Nghi Xuân. Năm 1971, anh đi lính ở chiến trường Quảng Trị, một năm sau anh bị thương; lành vết thương anh lại vào chiến trường Tây Nguyên. Năm 1983, anh trở về quê hương, mang trên thân thể hàng chục vết thương và hàng chục mảnh bom, đạn.

 

Từ năm 1983-1991, anh là cán bộ y tế huyện Nghi Xuân, lúc đó kiêm luôn trưởng phòng khám bệnh, trưởng khoa chụp X-Quang Bệnh viện Nghi Xuân.

 

Từ năm 1992 đến nay, anh là Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch UB DS-KHHGĐ huyện và hiện nay anh là Chủ nhiệm UB DS-GĐ&TE huyện Nghi Xuân. 

 

Năm 2002, UB DS-GĐ&TE huyện tổ chức lập hồ sơ tổ chức khám bệnh cho trẻ em khuyết tật, anh Thành phát hiện ra một số cháu bị dô vai, lệch cánh tay vận động. Anh đã cùng mấy bác sĩ ở Trung tâm chỉnh hình TP Vinh (Nghệ An) vào cuộc hội chẩn, bước đầu chỉ nghi là trật khớp vai.

 

Nhưng càng ngày càng phát hiện nhiều em bị bệnh tương tự, anh sinh nghi, liền gửi cả trăm bộ hồ sơ đi Đức, Hà Lan, Mỹ nhờ các nước bạn cho ý kiến nhưng đợi mãi không thấy hồi âm.

 

Gặp người chụp hơn 4.000 bức ảnh “chim xệ cánh”  - 1

Rồi anh phát hiện các em bị bệnh teo cơ Delta. Các em này được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương và được phẫu thuật theo hình thức nắn kéo, dùng thép không gỉ để níu vai nhưng không có kết quả. Sau đó, cũng chính anh Thành cùng các bác sĩ tại đây cho mổ theo đường trên cơ Delta thì lại có kết quả khả quan.

 

Tính từ tháng 12/2005 đến tháng 8/2007, huyện Nghi Xuân đã phẫu thuật thành công cho 2.999 em bị xơ hoá cơ Delta. Thành công này chính là nhờ sự dày công nghiên cứu, tấm lòng yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn y học cao của bác sĩ Thành.

 

Thành công đó đã đưa tên tuổi anh nổi danh cả nước.

 

Minh chứng từ những bức ảnh

 

Tính đến thời điểm này, anh Thành đã chụp trên 4.000 bức ảnh về bệnh xơ hoá, teo cơ Delta. Đây chính là một minh chứng rõ ràng nhất về công lao phát hiện, điều trị và phẫu thuật thành công cho bệnh nhân “chim xệ cánh” của anh.

 

Anh cho biết mỗi khi bấm máy ghi hình một bệnh nhân, anh đều cẩn thận ghi lại họ tên bố mẹ em đó, ngày tháng năm sinh, quá trình sinh sản, quá trình mang thai, quá trình sử dụng thuốc… Từ đó đi tìm nguyên nhân gây bệnh.

 

Đối với anh, việc chụp ảnh không phải là một thú vui, cũng không phải nhằm mụ́c đích “ghi” lại công sức của mình mà đó là những tấm ảnh quý phục vụ cho mục đích nghiên cứu y học. Đó cũng là những bằng chứng cụ thể nhất, hùng hồn nhất giúp anh phát hiện ra bệnh teo cơ Delta và trả lại đôi tay lành lặn cho gần 3.000 trẻ em ở Hà Tĩnh.

 

Nhiều cơ quan báo chí đã xin ảnh của anh để làm tư liệu. Anh cho tôi một con số “kỷ lục” mà mặt buồn rười rượi: Cả nước Việt Nam, số trẻ em bị xơ hoá cơ Delta là nhiều “độc nhất vô nhị”.

 

Nguyễn Duy