1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp lại gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm sau 10 năm

(Dân trí) - Kể từ năm 2005, khi lần đầu ông Ted Engelmann – một cựu chiến binh, nhiếp ảnh gia người Mỹ đặt chân vào gia đình bà Doãn Ngọc Trâm thông báo về sự tồn tại của cuốn Nhật ký đến nay đã 10 năm. Như một ánh chớp số phận, nhiều cung bậc cảm xúc đã đi qua, đến giờ đọng lại là những niềm yêu thương và những bình dị của cuộc sống.

Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm: Mười năm nhìn lại.

 

Câu chuyện của 10 năm gặp lại

Qua bè bạn, tôi có được liên hệ của chị Đặng Kim Trâm, em gái út nhất trong nhà, tiếc rằng chị phải đi công tác nên tôi chưa kịp gặp gỡ chị. Chị cho tôi số điện thoại của chị Hiền Trâm. Khi điện thoại cho chị, biết tôi làm báo, chị Hiền Trâm hỏi ngay: “Thế chú muốn viết về điều gì?”. Đột nhiên tôi thấy xấu hổ và hoang mang cực độ. “Còn điều gì về người chị cả - liệt sỹ Đặng Thùy Trâm mà báo chí trong và ngoài nước chưa viết nữa đâu”. Tôi đành thú nhận nhận niềm hoang mang của mình. Và may mắn thay, chị Hiền Trâm đã đồng ý tiếp chuyện tôi trong một buổi chiều đông đầy nắng.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ khác nhau.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ khác nhau.

Chị Hiền Trâm và chồng bây giờ cũng đã trở thành ông nội, bà nội. Cả ba gia đình con gái bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ đẻ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm) đều ở xung quanh, quần tụ với nhau ở một góc yên tĩnh, nơi vốn là một phần của làng hoa Ngọc Hà.

Một góc tủ trưng bày những kỷ vật liên quan đến liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
Một góc tủ trưng bày những kỷ vật liên quan đến liệt sỹ Đặng Thùy Trâm

Bà Ngọc Trâm năm nay đã 91 tuổi, còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Chị Hiền Trâm kể, trước đây, bà cũng hay đi dạo quanh hồ, nhưng gần đây, trong ngõ có nhiều xe cộ và nhà xây mới, bụi bặm nhiều nên bà chỉ đi bộ trong nhà, mỗi ngày bà đều đi bộ khoảng 30 phút, đến bữa xơi một bát cơm, cũng có tối thì nhịn ăn để bụng dạ được nhẹ nhàng.

Bà vẫn có thời gian đọc sách báo, trả lời thư từ, ngắm hoa và dạy dỗ con cháu. Đến giờ, ngoài các con, bà đã có năm đứa cháu và bốn chắt.

Nhớ lại chuyện cách đây 10 năm, chị Hiền Trâm không giấu được xúc động. Frederic Whitehurst, viên cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ nói, những cuốn nhật ký như cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, nếu giữ lại chắc phải hai, ba xe tải. Thông thường, những tài liệu không có ích cho chuyên môn của Frederic như vậy sẽ bị đốt bỏ. May mắn thay, người giáo viên văn học Nguyễn Trung Hiếu, là thông dịch viên cho Frederic, khi đọc những bài thơ trong Nhật ký và nhìn nét chữ mềm mại của người con gái đôi mươi đã xúc động và ngăn lại bằng câu nói: “Đừng đốt, bên trong này đã có lửa”.

Bà Ngọc Trâm năm nay đã 91 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Bà Ngọc Trâm năm nay đã 91 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.

Sau khi cuốn Nhật ký được xuất bản, Frederic đã sang Việt Nam và ghé thăm gia đình bà Doãn Ngọc Trâm. Khi ghé thăm mộ chị Thùy Trâm, ông đã khóc và nói: “Tôi đã ôm quyển nhật kí của chị vào tim hơn 30 năm, bây giờ mới được gặp chị”.

Tôi là thế hệ sinh sau chiến tranh, không hiểu hết những khốc liệt của cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam, nhưng tôi biết, nhiều người lính Mỹ bước ra khỏi cuộc chiến với một vết thương lòng mà sau này nhiều người gọi nó bằng cái tên “Hội chứng Việt Nam”. Trong tôi bỗng trào lên niềm xúc động và vui sướng. Tôi hiểu, Fred đã trút được gánh nặng trong lòng mình suốt hơn nửa đời người.

Rồi Frederic đã xin được làm con bà Ngọc Trâm và được bà đồng ý. Từ đó, cả nhà đều gọi ông bằng cái tên thân mật “anh Fred”. Bà Ngọc Trâm sau đó cũng đã sang Mỹ, đến xem lại cuốn nhật ký của con gái đang được lưu giữ tại Viện lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock, bang Texas, thăm nhà Fred và ông thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, thăm nhà mẹ đẻ của ông Fred. Hóa ra, hai cụ bằng tuổi nhau. Fred cũng bằng tuổi chị Phương Trâm. Những trùng hợp ấy càng làm gắn kết hơn những tâm hồn đẹp.

Từ đó đến nay đã 10 năm, hai gia đình thường xuyên đi lại, thăm nom, chăm sóc cho nhau. Những sự kiện lớn của gia đình này luôn có những thành viên của gia đình kia, như năm ngoái chẳng hạn, khi con trai chị Hiền Trâm làm đám cưới, ông Fred cũng sang tham dự. Khi thăm gia đình con cái học hành, làm việc ở Mỹ, những chị em gái ở Việt Nam cũng ghé thăm gia đình Fred. Khi bà mẹ đẻ Fred mất, gia đình chưa có điều kiện sang thăm viếng cũng đã gửi hoa và lời chia buồn.

Hãy yêu nhau đi khi còn đang sống...

Trò chuyện hồi lâu, chị Hiền Trâm đưa tôi sang nhà chị Phương Trâm, nơi bà Ngọc Trâm đang ở. Thật bất ngờ, khi tôi đến, bà đang ngồi… đọc báo trên máy tính bảng.

Góc làm việc của cụ bà 91 tuổi.
Góc làm việc của cụ bà 91 tuổi.

Bà bảo, bà cũng hay đọc Dân trí lắm nhưng thôi đừng nói về bà nữa, kẻo lại có nhiều người… phê phán chuyện hay “lên ảnh, lên hình”. Cái nếp giữ gìn từ lời ăn tiếng nói cho đến từng hành động nhỏ của bà giáo già Trường Đại học Dược Hà Nội cả đời người không thay đổi được là vậy.

Bà khoe bà cũng có tài khoản facebook để trò chuyện với con cháu, xem mọi người nói gì, có nhiều ảnh do bà tự chụp. Chỉ có điều, nhiều lúc bà muốn trả lời dài một tí thì phải gõ lâu hơi mệt.

Dáng vẻ bà cụ tóc bạc phơ ngồi khoanh tròn trên ghế bên cửa sổ đẹp như cổ tích, thật khó mà tin mắt bà còn tinh và giọng còn sang sảng, chịu khó tiếp cận công nghệ đến vậy. Lúc rảnh rỗi, bà lại đan áo, những tấm áo đấy lại được con cháu bà mang đi làm từ thiện, bà còn cẩn thận chọn cúc đẹp để khâu để trẻ con miền xa được vui thích.

Hai bà mẹ có hai đứa con từng ở hai chiến tuyến, ngồi bình yên và đan len.
Hai bà mẹ có hai đứa con từng ở hai chiến tuyến, ngồi bình yên và đan len.

Căn phòng của bà tràn đầy tranh ảnh, kỷ vật sau sự kiện Nhật ký Đặng Thùy Trâm về với gia đình. Tủ sách cũng đủ các ấn bản mà cuốn Nhật ký nay đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng, tất cả như một bảo tàng sống về người con gái đã trở thành bất tử.

Nhìn ngắm căn phòng của bà, tôi chợt lặng người khi nhìn thấy bức ảnh bà và mẹ đẻ của Fred chụp khi bà sang Mỹ. Hai bà mẹ ngồi trên ghế bành, ánh mắt hiền từ và tập trung vào việc đan khăn. Im lặng. Tôi hình dung ra Fred khi trút được gánh nặng trong tim đã mang quá nửa đời người, và tôi chợt thấy mình bé nhỏ trước sự giản dị đến vô cùng của cuộc đời, như lời trong cuốn Nhật ký mà Đặng Thùy Trâm đã viết: Sự sống chết chỉ là cơn gió thoảng qua, hãy yêu nhau đi khi còn đang sống.

Phạm Việt Hưng