1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp lại cha mẹ phụ hồ, nuôi con đoạt HCV Olympic Toán quốc tế

(Dân trí) - “Ở trọ trần gian” là câu nói đùa của anh Hòa khi mô tả về cuộc sống mưu sinh của hai vợ chồng trong suốt nhiều năm qua. Chỗ ở của hai vợ chồng thường xuyên là những lán nhỏ căng tạm bằng nilon, bạt tại công trình xây dựng.



Tháng 7/2014 hình ảnh một cậu bé gầy gò, đen đúa suất sắc giành HCV quốc tế môn Toán học từng gây xúc động cho nhiều người. Càng tự hào và ấn tượng hơn, khi em xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Để có tiền cho em ăn học, bố mẹ Hoàn đã khăn gói cùng con lên Hà Nội, chị làm nghề phụ hồ, anh làm thợ xây chấp nhận sống lang bạt theo các công trình xây dựng khắp các tỉnh thành. 

Thương bố mẹ vất vả và cũng để dành tiền nuôi dưỡng ước mơ toán học, Hoàn thường xuyên nhịn ăn sáng và ăn cơm bụi giá rẻ. Câu chuyện và nghị lực của cậu bé vàng Việt Nam: Nguyễn Thế Hoàn đã từng khiến không ít người lặng đi vì xúc động.

Tìm gặp bố mẹ của Hoàn, anh Nguyễn Văn Hòa và chị Nguyễn Thị Thảnh khi cả hai vẫn đang tất bật và bận bịu tại một công trường xây dựng ở ngoại thành Hà Nội. Mỗi ngày, công việc của anh Hòa và chị Thảnh bắt đầu từ 5h và kết thúc lúc 18h tối. Vất vả, nhưng thu nhập bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết và chủ thầu các công trình xây dựng. 

Chị Thảnh nhẩm tính, mỗi tháng anh chị làm được từ 5 – 7 triệu, trừ chi phí tiền ăn của hai vợ chồng, chị chia đều làm ba phần, một phần gửi cho Hoàn, phần gửi cho cậu em trai Hoàn đang học lớp 8 trường chuyên THCS Lê Danh Phương, phần còn lại gửi cho bà nội trang trải cuộc sống ở quê cũng vừa hết.

Để tiết kiệm tiền, anh chị xin chủ nhà dựng tạm các lán ở luôn tại công trình xây dựng. Anh Hòa kể, nhiều năm rong ruổi theo các công trình, hai anh chị chưa bao giờ được ngả lưng trên những chiếc giường tử tế. Thỉnh thoảng may mắn, gặp gia đình nhà chủ tốt bụng cho mượn tạm những căn phòng xây dở để ở còn không hai vợ chồng thường tận dụng những thanh gỗ bỏ ở công trường để ghép thành giường và căng lều, bạt lấy chỗ ngả lưng tạm. 

“Mùa này còn đỡ chứ gặp khi trời mưa hay gió rét hai vợ chồng lại phải mặc áo mưa để ngủ. Vất vả, khó nhọc hai vợ chồng cũng vượt qua được hết nhưng lo nhất là mỗi lúc mưa gió, không thể thi công đồng nghĩa với việc mất trắng ngày công. Tiền học đóng cho con lại phải vay mượn, xoay sở”, anh Hòa ngậm ngùi chia sẻ.

Hành trang tiết kiệm

Nói về hoàn cảnh gia đình mình, giọng chị Thảnh như trùng xuống, chị kể năm đầu tiên khi Hoàn lên Hà Nội trọ học là năm vất vả nhất đối với gia đình. Khi ấy, chị mới đi làm, chưa thạo việc nên thu nhập bấp bênh. Mỗi lần Hoàn đóng học phí, cả gia đình lại phải xoay sở vay mượn khắp mọi nơi: “Tôi thường xuyên phải nói khó với chủ thầu cho ứng trước tiền. Tết năm đó, trong khi mọi người được lĩnh lương đủ thì vợ chồng tôi bị âm những ba triệu. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, người chủ thầu đã tự bỏ tiền túi cho hai vợ chồng vay tiền. Năm đó, gần như cả nhà tôi không sắm sửa được nhiều đồ mà chủ yếu là anh em, hàng xóm ủng hộ…”.

Thương bố mẹ, Hoàn rất tiết kiệm và thường xuyên nhịn ăn sáng. Đến bữa cơm chính, Hoàn cũng chọn quán ăn rẻ nhất để đỡ tốn tiền. Nhớ lại ngày Hoàn lên đường dự thi Olympic Toán học quốc tế, chị Thảnh nghẹn ngào: “Trong khi các gia đình lỉnh kỉnh nào va ly này, đồ ăn nọ thì Hoàn vẻn vẹn chỉ có 2 bộ quần áo đồng phục và một ít sách vở. Thấy các cháu hào hứng sắp xếp đồ ở sân bay, nhìn lại con mình tôi thương đến trào nước mắt… Cũng may, các bạn trong đoàn cũng thương hoàn cảnh của Hoàn nên có gì cũng chia sẻ. Đến nỗi, khi vội vàng lên Hà Nội, đưa con ra sân bay, nhìn hai vợ chồng tất tả “ống thấp, ống cao”, một phụ huynh trong đoàn thương quá cũng dành tiền mua tặng cho Hoàn đôi giày đen đồng phục. Thú thật lúc đó, hai vợ chồng cũng không còn đồng nào trong túi…”.

Nói về niềm đam mê toán học của Hoàn, chị Thảnh cho biết, Hoàn học giỏi từ nhỏ. Năm học nào Hoàn cũng đứng đầu lớp về thành tích học tập. Hết lớp 9, Hoàn cùng lúc thi đỗ vào lớp 10 chuyên toán của ba trường là: Trường THPT chuyên Thái Bình, Trường THPT chuyên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): “Cuối cùng, Hoàn chọn trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. Mừng vì con học giỏi nhưng cũng lo đến mất ăn mất ngủ vì sợ không đủ tiền cho con ăn học. Tôi nói rõ hoàn cảnh của gia đình cho con hiểu, Hoàn chỉ từ tốn xin bố mẹ cho học thử một năm nếu không theo được thì sẽ xin chuyển về quê. Hoàn cũng động viên bố mẹ sẽ đi dạy gia sư để trang trải thêm tiền học phí…”.

Phút giây hạnh phúc

Nhớ lại giây phút khi biết tin con đạt HCV chị Thảnh vẫn như còn nguyện vẹn cảm xúc. Chị Thảnh kể, trong khi các gia đình khác đã tất bật thuê xe, chuẩn bị lên sân bay đón con thì hai anh chị vẫn đang tất bật phụ xây tại các công trình xây dựng. Phải đến khi một phụ huynh trong đoàn gọi điện thông báo, anh chị mới quáng quàng bắt xe về quê. Chị Thảnh cho biết, chị gần như không thể làm được việc gì vì quá sung sướng, nước mắt cứ trào ra đến nỗi đến bữa ăn, tay run run không thể cầm nổi bát cơm. Còn anh Hòa thì cũng lặng người đi vì xúc động và hạnh phúc.

Chị Thảnh tâm sự, làm việc vất vả đến đâu nhưng cứ nghĩ đến con là mọi mệt mỏi tan biến hết. Hạnh phúc nhất là mỗi lần đi chợ, dù ở Hà Nội nhưng nhiều người vẫn nhận ra chị trên báo đài, người này kéo lại hỏi thăm, người kia “xuýt xoa” trầm trồ. Đến nỗi, mua đồ ăn uống không những không bị “bắt chẹt” như trước mà chị Thảnh còn được giảm giá vì là mẹ của “cậu bé vàng Việt Nam”. Hạnh phúc giản dị nhưng đối với gia đình anh Hòa chị Thảnh lại là nguồn động lực lớn lao để cả gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Nói về bố mẹ của mình, Hoàn cũng không giấu nổi sự xúc động: “Một lần sang thăm bố mẹ lúc trời đang mưa, thấy bố xách xô vữa nặng, mẹ đang trộn xi măng, cát, em đau lòng lắm! Đọc những bài viết trên báo về bố mẹ, hình ảnh nào cũng khiến em nhói đau. Và đó là động lực để em cố gắng học hơn”.

Năm nay, Hoàn tiếp tục đăng ký dự thi Olympic toán quốc tế vì thế em khá bận bịu. Với tấm Huy chương vàng Olympic Toán học, Nguyễn Thế Hoàn được tuyển thẳng vào ngành Toán Tin, Trường ĐH Quốc gia của Singapore. Nhưng Hoàn tâm sự, mình sẽ chinh phục đỉnh cao hơn, không thích những gì dễ dàng đạt được mà muốn vượt qua thử thách. Vì thế, em đang nỗ lực xin học bổng toàn phần các trường “top” trên ở Mỹ với điều kiện môi trường học tập, nghiên cứu sâu hơn về môn Toán.

Hà Trang – Xuân Ngọc