Gặp gỡ nữ tài xế cứu người nguy kịch giữa đêm khuya
(Dân trí) - Sau sự cố nam thanh niên bị đâm khi cứu cô gái gặp tai nạn vào ngày 11/2, cứ ngỡ “Lục Vân Tiên” sẽ vắng bóng. Ai ngờ 1 người phụ nữ chân yếu tay mềm, thuê xe để chạy taxi, độc thân nuôi con vẫn chẳng ngại ngần cứu người đàn ông xa lạ đang nguy kịch, máu me bê bết giữa đêm khuya, đường vắng…
Hãy là người đầu tiên hành động giữa đám đông e ngại
Hơn 10h00 đêm 17/2, anh Nguyễn Văn Nam (ngụ tại ấp cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) tan ca về nhà. Khi đi đến gần ngã ba Trị An thì xe anh Nam xảy ra va chạm với xe máy do một nam thanh niên điều khiển.
Vì hoảng sợ nên nam thanh niên đã bỏ chạy sau khi xảy ra tại nạn. Phát hiện sự việc, người dân xung quanh loay hoay tìm cách cứu anh Nam. Đêm khuya, đường vắng nên nhiều xe ái ngại không dám nhận chở anh Nam đi cấp cứu.
Tình cờ lúc này chị Vũ Thiên Lý (40 tuổi, tài xế xe dịch vụ, ngụ quận 12) chạy xe ngang qua đây thấy đám đông đang cố bắt xe để cứu người, chị dừng lại tìm hiểu sự việc và đồng ý chở anh đi bệnh viện ngay mà chẳng chút ngại ngần. Tuy nhiên, vì chấn thương quá nặng, anh Nam đã qua đời sau đó. Ngày 20/2, gia đình đã đưa anh Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.
Là một thành viên của nhóm Bạn hữu đường xa, thường xuyên chia sẻ cùng nhau những câu chuyện trên đường đời tài xế, chị Lý chia sẻ câu chuyện của mình lên trang Facebook này như một thói quen. Không ngờ câu chuyện của chị nhận được sự quan tâm, chia sẻ mạnh mẽ của cộng đồng mạng và nhiều lời khen tặng. Nhưng gặp chị, chị bảo hàng động đó chỉ là chuyện bình thường như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Những lời khen tặng của bạn bè hay người xa lạ, đối với chị chỉ là thêm động lực để tiếp tục làm việc tốt.
Chị Lý cho biết hôm đó chị đi xuống Đồng Nai để đón một người khách quen lên sân bay Tân Sơn Nhất, khi tới ngã ba Trị An gặp vụ tai nạn. Không suy nghĩ gì nhiều, chị dừng xe lại và đưa anh Nam đi cấp cứu. Chị Lý cho biết, chị rất sợ máu nhưng khi thấy người gặp nạn lại không còn biết sợ là gì, chỉ biết lao vào để tìm cách cứu người.
Chị nói: “Tôi thấy nhiều vụ tai nạn thảm khốc trên đường giữa đêm khuya, phần lớn người đi đường không dám đưa nạn nhân đi cấp cứu. Phần vì nạn nhân máu me bê bết, phần vì họ ngại liên lụy và bản thân không có kỹ năng sơ cứu, vận chuyển người bị thương. Những vụ việc làm ơn mắc oán cũng đã xảy ra không ít khiến nhiều người dè chừng. Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng e ngại, không ai dám hành động thì xã hội làm gì còn việc tốt!”.
Là 1 tài xế lâu năm, chị Lý rất hay gặp những tai nạn xảy ra trên đường. Muốn cứu người tốt nhất, chị tự tìm tòi học hỏi cách sơ cấp cứu, các kỹ năng và kiến thức cơ bản để giúp người và bảo vệ mình. Chị Lý cho biết: “Tôi nghĩ để cứu người, chúng ta nên có một chút hiểu biết để có thể giúp họ đến nơi, đến chốn”.
Ước mơ cầm vô lăng xe cứu thương
Suốt thời gian làm tài xế, chị đã giúp sơ cứu cho rất nhiều ca tai nạn nghiêm trọng và đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời, nhờ đó đã cứu sống được nhiều người qua cơn nguy kịch. Nhiều trường hợp gia đình nạn nhân khó khăn chị còn hỗ trợ họ ít tiền dù cuộc sống của bản thân và gia đình chị cũng còn nhiều khó khăn. Bởi chị tâm niệm, cho đi là nhận lại; giúp người lúc hoạn nạn là niềm vui, là động lực cho chính mình tiếp tục sống tốt.
Trong đêm đưa anh Nam đi cấp cứu, khi nghe thân nhân người bị nạn kể cuộc sống anh Nam đầy vất vả, chị vét túi lấy hết 300.000 đồng còn lại phụ giúp gia đình anh. Sau chị kể lại câu chuyện của anh Nam trên facebook một phần cũng mong muốn kêu gọi người quen giúp đỡ thêm cho gia đình khốn khó này.
Nếu ai không quen nhìn chị cứ tưởng là doanh nhân, có ô tô, rãnh rỗi thì chạy xe dịch vụ cho vui và tiện tay giúp người. Nhưng thật ra, chị đang thuê trọ trong căn nhà trọ nhỏ ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (TPHCM). Chị đơn thân nuôi con nhỏ và mẹ già, xe chị chạy là xe đi thuê…
“Tuổi thơ tôi không được may mắn khi cha mất lúc mới mấy tháng tuổi. Học hết lớp 3 theo mẹ từ Nam Định vào Đồng Nai sinh sống. 14 tuổi tôi đã phải rời nhà lên TPHCM đi làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Đến 18 tuổi bắt đầu đi làm công nhân may. Hoàn cảnh như vậy nên tôi rất hiểu những hoàn cảnh cùng khổ như mình”, vừa nói chị lại cuối xuống đất với ánh mắt đượm buồn.
Hơn 7 năm trước, chị kết duyên với người gần nhà và có một đứa con trai. Nhưng sau đó hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Đồng lương ít ỏi, lại lo cho con và mẹ già ở quê nên rất chật vật. Sẵn thích nghề lái xe đi đây đi đó, chị bán chiếc xe máy để đóng tiền học lái xe và xin vào làm ở một hãng taxi.
Thời gian đầu chạy taxi chị cũng kiếm được khá tiền để nuôi mẹ, nuôi con, rồi trả góp mua lại chiếc xe máy. Nhưng mấy năm gần đây taxi ngày càng ế ẩm, chị chuyển hướng thuê ô tô để chạy Grab, Uber khoảng ba tháng nay.
Để có tiền trang trải cuộc sống, đóng tiền học cho con nên chị chạy xe cả ngày lẫn đêm. Bởi thế, đêm 17/2 hơn 22h00 khuya, chị vẫn còn chạy về Đồng Nai đón khách thì gặp vụ tai nạn của anh Nam.
Vì chạy xe cả ngày lẫn đêm nên chị đành gửi con mình vào một nhà dòng nhờ các nữ tu chăm sóc. Lâu lâu chị mới đón con về nhà ở chung với mình.
Chạy cả ngày lẫn đêm nhưng khó khăn vẫn luôn đeo bám người phụ nữ này. Chị nhẩm tính, chi phí thuê xe mỗi tháng 12 triệu, tiền trả cho Grap, Uber, tiền xăng... Tất cả vị chi mỗi tháng chị Lý phải thanh toán gần 30 triệu đồng. Chị cho biết thêm: Chạy xe theo kiểu "tự do" thế này cũng rất chật vật, tháng lời tháng lỗ và không có điều kiện gần con. Do đó, ước mơ của chị là tìm được một công việc tài xế ổn định để tiếp tục được chạy xe, cứu người và có thời gian chăm sóc con mình. Bởi vậy, ngay từ khi học lái xe, chị đã đặt mục tiêu là xin làm tài xế xe cứu thương.
Chị Lý tâm sự: “Tôi xin chạy xe cứu thương cho một bệnh viện nhưng người ta không nhận vì còn thiếu kinh nghiệm nên tôi chuyển qua chạy xe taxi, lúc nào đủ kinh nghiệm và thi thăng hạng bằng lái tôi sẽ tiếp tục xin lái xe cứu thương. Vì lái xe cứu thương vừa thỏa đam mê và cũng giúp người nên tôi rất khao khát làm công việc đó!”.
Trong khi chưa xin được làm tài xế xe cứu thương, chị vẫn cố gắng cầm vô lăng ngày đêm để lo cho gia đình. Rất may là người nữ tài xế tốt bụng và có gương mặt dễ nhìn này đi đâu ai cũng quý, cũng thương nên có nhiều khách quen.
Chị bộc bạch: “Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi phải chạy xe cả đêm khuya. May mắn là nhiều người hiểu hoàn cảnh mình, thương mình nên đi đâu, họ cũng gọi. Tiền không, học vấn cũng không nên tôi chỉ mong có sức khỏe để gắn bó với nghề chạy xe!”.
Xuân Duy