1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp em bé được Bác Hồ đặt tên

(Dân trí) - Sinh thời Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu nhi. Có một em bé may mắn được Người đặt tên nay đã là Phó phòng quan hệ Quốc tế - Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội.

Nhà văn Đào Vũ (tác giả “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật) sinh con gái đầu lòng năm 1958, nhưng chưa biết đặt tên con là gì. Mấy hôm sau, nhà văn chợt loé lên rồi bàn với vợ: Xin Bác Hồ đặt tên cho con. Nghĩ là làm, ông bèn viết thư gửi Bác. Thư gửi đi rồi vợ chồng nhà văn hồi hộp chờ đợi.

 

Họ không ngờ rằng, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng ngay hôm sau người cần vụ của Bác đã chuyển đến gia đình một bức thư, ngoài phong bì ghi rõ “đưa đến tận nhà”. Vợ chồng nhà văn rưng rưng xúc động đọc thư  Bác. Trong thư có đoạn: Cả nước đang chuyên tâm tăng gia sản xuất và thực hiện tiết kiệm, bác đặt tên cho cháu là Tăng Kiệm - Đào Tăng Kiệm.

 

Để cảm ơn tấm thịnh tình của Bác Hồ, nhà thơ đã viết bài thơ “Bác đặt tên cho cháu là Tăng Kiệm”: “…Chính người đã âu lo suốt đời cho núi sông. Hai vai người gánh giang sơn trời biển. Người vẫn còn chăm chút từng cháu sơ sinh... Xin Bác an tâm. Nôi cháu đã buông mùng.

 

Bé Tăng Kiệm hay ăn chóng lớn, và rất ngoan. Năm học lớp 1, Kiệm viết thư báo cáo với Bác về thành tích học tập, hứa sẽ học thật giỏi để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Hình ảnh Bác luôn hiện lên trong giấc mơ của Tăng Kiệm, bé mơ ước sẽ có ngày được gặp Bác.

 

 

Gặp em bé được Bác Hồ đặt tên - 1
 

Đào Tăng Kiệm bây giờ

Ngày 1/6/1969, Kiệm cùng các Bạn học sinh vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. May mắn, em được xếp ngồi ngay sau Bác. Kiệm rất muốn khoe với Bác: “Cháu là Đào Tăng Kiệm. Tên cháu chính là do Bác đặt cho đấy ạ”. Miệng mấp máy nhưng không sao thốt lên được. Khi tất cả các bạn hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã, mắt Kiệm long lanh, ao ước được xà vào lòng Bác. Cái khoảng khắc ấy đến nhưng Kiệm không sao nói được nên lời để rồi Bác chỉ còn trong tâm tưởng mình.

 

Ngày muôn triệu người tiễn biệt vị cha già kính yêu của dân tộc, hai chị em Kiệm được bố đưa vào viếng Bác. Trước anh linh Người, Tăng Kiệm nguyện sẽ học thật giỏi để góp sức nhỏ của mình đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới như niềm mong mỏi của Bác.

 

7 năm học piano ở trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lớp với nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, tưởng chừng tiếng đàn hút hồn cô bé sải chân bước vào con đường nghệ thuật của gia đình. Nhưng Kiệm tự thấy âm nhạc không phải là con đường đi của đời mình. Kiệm đã rời Nhạc viện để theo nghề xây dựng. Tại thời điểm đó, đây là một quyết định táo bạo với phận nữ nhi. Sau khi tốt nghiệp, cô đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên.

Ở đó cô được phân công giảng dạy bộ môn tin học - ngành còn khá mới khi ấy ở Việt Nam. Cùng đồng nghiệp, cô đã xóa mù tin học cho nhiều thế hệ sinh viên, viết giáo trình và đi dạy ở các công ty xây dựng...

 

Hiện nay, cô là Phó phòng đối ngoại trường ĐH Xây Dựng. Cô hồ hởi khoe mới đưa về cho trường 3 dự án do EU tài trợ, mỗi dự án trị giá khoảng 300.000 euro. Dự án được thực hiện với hi vọng đưa Đại học xây dựng Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực công nghệ thông tin.

 

Trần Gia Bảo