1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp cụ ông hơn 100 tuổi thọ nhất tỉnh Quảng Trị

Thoạt nhìn, không ai nghĩ cụ Trong đã ngoài trăm tuổi. Mái tóc mượt, vẫn còn rất nhiều sợi đen. Thân hình rắn chắc, lưng thẳng. Nước da ngăm đen, nổi nhiều vẩy đồi mồi. Bảy năm trước, để kỷ niệm tròn 100 tuổi, cụ Trong đã đi bộ 40 cây số.

Năm nay, cụ Hoàng Quang Trong đã 107 tuổi, là người trường thọ nhất tỉnh Quảng Trị. Hiện cụ Trong sống với con dâu và cháu, chắt nội ở làng Bình Long, xã Gio Bình, huyện Gio Linh.

 

Chúng tôi đến thăm trong ngôi nhà mới, cụ Trong khoe: “Ngôi nhà này lão đang xây bằng tiền thưởng cho thành tích sống lâu. Năm nay, nếu tính cả tuổi mụ, lão đã 107 tuổi”. Để chứng minh, người cháu nội của cụ Trong đưa giấy chứng minh nhân dân của ông nội mình cho tôi xem. Đúng thật, cụ Trong sinh ngày 1/1/1903. 

 

Gặp cụ ông hơn 100 tuổi thọ nhất tỉnh Quảng Trị - 1

Sống ngoài 100 tuổi nhưng cụ Trong vẫn còn khỏe mạnh, tinh anh (ảnh lớn). Giấy CMND của cụ Hoàng Quang Trong ghi rõ ngày sinh 1/1/1903 (ảnh nhỏ)

 

Cụ Trong nhớ lại những ký ức tuổi thơ nhọc nhằn của mình: “Lúc nhỏ, tôi khỏe mạnh có tiếng khắp cả vùng. Sức khỏe dồi dào, siêng năng và cần cù lao động nên được bà con trong làng yêu quý, nhất là những ông chủ có nhiều ruộng vườn. Họ muốn mướn được những lao động có sức khỏe và cần cù. Vì vậy, tôi chưa bao giờ thất nghiệp. Lúc đó, mỗi lần ra ruộng gặt lúa,  người ta gặt được một thì tôi đã gặt được gấp ba lần”.

 

Cụ Trong lấy vợ năm 30 tuổi và sau đó có được 6 người con. Ngẫm lại đời mình, cụ Trong nói: “Gần hết thế kỷ 20, chủ yếu tôi làm thuê để sống”. Song, cụ tự hào: “Những đứa con của tôi đều là người có ích cho đất nước”.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Hoàng Quang Tỏ, con trai thứ của cụ, anh dũng hy sinh vào năm 1967. Ông Hoàng Quang Giỏ đi bộ đội, bị thương tại Dốc Miếu vào năm 1968. Năm 1969, ông Hoàng Quang Cơ, con trai út của cụ, vượt sông Bến Hải ra Bắc để tình nguyện đi bộ đội, nhưng vừa qua đến bên kia sông thì không may bị thiệt mạng vì bom Mỹ...

 

Cụ Trong cho biết: “Muốn sống lâu, con người phải thường xuyên lao động chân tay, có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ. Đã thành thói quen,  mấy chục năm nay, ăn tối xong, đúng 8 giờ, tôi đi ngủ. Thức uống duy nhất của tôi là nước chè xanh”.

Năm 1976, vợ mất, cụ Trong rời xã Trung Hải, huyện Gio Linh lên vùng kinh tế mới ở xã Gio Bình, huyện Gio Linh sinh sống với người con trai đầu. Năm đó, cụ Trong đã 73 tuổi, tuổi đáng ra được nghỉ ngơi nhưng cụ Trong lại là lao động chính của gia đình. 

 

Bảy năm trước, cụ Trong 100 tuổi. Để kỷ niệm dấu mốc này, cụ thực hiện một chuyến đi bộ về thăm quê, tại thôn Xuân Long, xã Trung Hải. Cụ đi một mạch, không dừng chân giữa đường. Đến quê, sau khi thăm bà con, cụ lại đi bộ trở về xã Gio Bình. Đoạn đường cụ đi trong ngày gần 40 km.

 

Đã 107 tuổi nhưng mỗi ngày cụ Trong đi bộ khoảng 5 km là chuyện thường. Cụ bảo phải đi bộ cho con người được dẻo dai, hạn chế được bệnh tật. Nhờ vậy, suốt cuộc đời, cụ Trong chẳng mấy khi phải đến bệnh viện.

 

Người con trai đầu của cụ Trong đã qua đời cách nay 3 năm, thọ 76 tuổi. Từ đó, cụ thay con mình chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Cụ thường dạy con cháu không được tham lam, muốn có của cải phải miệt mài lao động. Bà Bùi Thị Tình, con dâu trưởng của cụ, kể: “Cha tôi luôn dạy các con cháu phải biết yêu quý lao động. Hiện nay, cụ vẫn siêng năng làm việc. Cụ nói phải làm việc, trước hết để tự nuôi mình và sau là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”.

 

Cảm kích trước một người cha đã sinh ra những người con có công với đất nước và trường thọ, siêng năng lao động, mới đây, Quân khu 4 đã tặng 50 triệu đồng để cụ Trong xây ngôi nhà mới. Hôm tôi đến, cụ khoe cộng với số tiền chắt góp được bấy lâu nay, cụ trao hết cho người cháu đích tôn để làm lại ngôi nhà đàng hoàng hơn.

 

Theo Linh Anh

 Người lao động