1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gặp cụ ông 105 tuổi có bàn chân Giao Chỉ

Bước sang tuổi 105, cụ Nguyễn Đình Phương (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn minh mẫn lạ thường. Thế nhưng cụ được biết đến không phải vì sống thọ nhất tỉnh, mà vì đôi bàn chân Giao Chỉ của mình. Bàn chân cụ xòe ra như cái chổi, cả đời cụ chưa từng có lấy một đôi giày, dép nào vừa chân.

Tâm sự của người già sống lâu năm nhất trong trại dưỡng lão Nhiều cách để sống lâu Bí quyết sống lâu

Nói về bí quyết sống khỏe cụ Phương chỉ cười xòa: "Lộc trời cho ấy mà. Tôi ăn uống điều độ, đặc biệt là nhiều năm nay tôi chỉ có ăn đồ nếp. Còn đôi bàn chân thì có lẽ tôi được lộn lại gen của cha ông ngày xưa".

Cả đời không đi dép

Hiện cụ Nguyễn Đình Phương sống với người con gái út, đơn giản vì các con lớn cũng đã chòm chèm 80 tuổi, khó lòng chăm sóc chu đáo được cho cụ. Trò chuyện với cụ Phương khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cụ vẫn nói năng minh mẫn, tinh tường và thần sắc rất tốt, cụ có thể nói vanh vách các câu chuyện thời sự trong nước và quốc tế vừa diễn ra.

Cụ cười nói: "Tôi chỉ nhớ được tên của các con, các cháu thôi, chứ chắt, chút thì khó lắm. Một lúc cũng không thể nào tính được chuẩn có bao nhiêu cháu chắt. Tính sơ sơ chắc cũng đến cả trăm người rồi". Quả đúng với những gì cụ Phương nói, như ông Nguyễn Đình Ngạc (82 tuổi), con trai cả của cụ cũng có tới 11 chắt.


Đã bước qua tuổi 105 nhưng cụ vẫn tự lo được cho mình.

Đã bước qua tuổi 105 nhưng cụ vẫn tự lo được cho mình.

Cụ Phương ngồi trên giường, mặc áo dài lụa thêu dệt cầu kỳ như người ngày xưa. Con cháu thường xuyên qua lại, thăm nom. Ở tỉnh Bắc Ninh có 2 cụ cùng bước sang tuổi 105, tuy nhiên cụ bà vừa mất nên cụ Phương là người sống thọ nhất tỉnh. Trước đây cụ sinh được cả thảy 10 người con, nhưng do hoàn cảnh có tới 4 người chết trẻ.

Hỏi về đôi bàn chân Giao Chỉ, cụ Phương kéo chăn mỏng cho chúng tôi mục sở thị. Đôi bàn chân khổng lồ, với hai ngón cái tõe ra mang đặc trưng của bàn chân người Giao Chỉ. Ông Nguyễn Đình Ngạc vừa bóp đôi bàn chân khổng lồ của bố vừa nói: "Cũng vì đôi bàn chân này mà cả đời bố tôi chẳng có được một đôi dép tử tế.

Thời còn trẻ, quanh năm ông đi chân đất. Đôi dép cỡ to nhất Việt Nam cũng không ôm nổi bàn chân của bố tôi. Đôi khi cần lịch sự cũng thửa 1 đôi cỡ lớn nhưng vẫn phải đục lỗ để cho ngón chân thò ta ngoài".

Dứt lời, ông Ngạc lôi từ gầm giường cho chúng tôi xem đôi dép khủng của bố mình. Đúng là mặt trong của dép đục một cái lỗ to để ngón chân cái cụ thò ra theo góc vuông.

Qua tìm hiểu, đôi bàn chân Giao Chỉ có lẽ là do di truyền từ nhiều đời trước. Ông Ngạc kể lại: "Trong gia đình tôi, các đời trước xuất hiện khá nhiều người có bàn chân Giao Chỉ. Những người có bàn chân khổng lồ mà tôi tận mắt thấy là cụ ngoại của tôi, tức là bà ngoại của bố tôi. Người tiếp theo là bác ruột của tôi, tức là anh trai của bố tôi. Rồi em gái ruột của bố tôi là cụ Hả, bác ruột của bố tôi là cụ Thuận. Người ít tuổi nhất là em vợ của cụ Phương, cũng có bàn chân Giao Chỉ. Thế nhưng đến đời con, cháu các cụ đều rất đông đúc, lên tới cả mấy trăm người, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai có bàn chân Giao Chỉ nữa".


Đôi dép ngoại cỡ nhưng vẫn phải đục lỗ để cụ Phương có thể xỏ vừa.

Đôi dép ngoại cỡ nhưng vẫn phải đục lỗ để cụ Phương có thể xỏ vừa.

Điều đặc biệt, những người có bàn chân Giao Chỉ trong họ đều khỏe mạnh, sống thọ. Như cụ Nguyễn Đình Thuận nổi tiếng một thời ở làng với sức lực được ví như con trâu mộng. Một mình cụ dùng xe cải tiến 2 bánh kéo chiếc tủ lớn, nặng cả tạ, đi mãi từ cầu Long Biên về nhà, quãng đường gồ ghề lên tới hơn 50km.

Còn cụ Phương đã bước sang tuổi 105 nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ ốm đau, không dùng nửa viên thuốc, duy chỉ 1 lần đi viện đã cách đây nửa thế kỷ do ngã gãy chân. Về sức khỏe của cụ Phương cũng đã trở thành huyền thoại ở quanh vùng.

Ngoài làm ruộng nhanh, khỏe gấp vài người khác cụ còn đi buôn bán khắp nơi. Cứ đôi chân đất gánh gạo, đỗ từ nhà về tận Quế Võ bán, rồi lại gánh về. Cứ thế quanh năm ngày tháng, cụ gánh nửa tạ trên vai đi dọc bờ đê. Đoạn đường lên tới 25km, cả đi cả về lên tới 50km nhưng cụ chỉ đi trong ngày.

Ông Ngạc kể lại: "Năm ngoái cụ nghe con cháu đọc câu: Sống làm trai Bát Tràng/ Chết làm thành hoàng làng Kiêu Kỵ. Thế là cụ đòi con cháu đưa đi Bát Tràng và Kiêu Kỵ cho bằng được. Đưa đến nơi cụ chỉ phăm phăm đi bộ, thăm thú đình làng, miếu mạo ở hai nơi này cũng mất mấy ngày".


Cụ Phương quây quần cùng các con.

Cụ Phương quây quần cùng các con.

Quanh năm ăn đồ nếp

Nhiều người nói cụ Phương có đôi bàn chân cổ nên sở thích ăn uống cũng cổ xưa. Mấy chục năm nay cụ ông Giao Chỉ này chỉ ăn đồ nếp. Con cháu biết sở trường của cụ nên hàng ngày nấu xôi, cho vào khuôn, dùng chày giã nén lại cho cứng queo. Đến bữa cụ Phương lấy con dao sắc, xắt thành từng miếng nhỏ chấm mắm hoặc ăn kèm với chuối chín.

Đặc biệt nữa, cụ Phương chỉ thích uống nước sôi, dù trời nóng hay lạnh. Nước đang sôi sùng sục, rót ra cốc cụ uống được luôn. Nếu nước chỉ hơi nguội là phải đi đun lại cho thật nóng để uống.

Cụ Phương cười: "Cũng chẳng hiểu vì sao nữa, nước nguội tôi không thích uống. Mà uống nước sôi mới thấy ngon miệng. Từ nhỏ tới giờ tôi đã uống nước sôi rồi có làm sao đâu. Chắc cả đời tôi chẳng uống một cốc nước mát nào".

Khi chúng tôi đến nhà cũng là giờ ăn trưa của cụ Phương. Chúng tôi rất bất ngờ vì cụ vẫn có thể đánh vèo hết bát bánh chưng đầy có ngọn được xắt miếng. Ông Ngạc cười nói: "Mấy hôm nay cụ mọc thêm 3 cái răng khôn, đau nhức mất mấy ngày nên không ăn được nhiều. Nếu bình thường cụ phải đánh được 2 bát như vậy. Cụ bây giờ ăn còn khỏe hơn cả con cháu ấy chứ. Dù ăn đồ nếp nhưng món khoái khẩu của cụ vẫn là xôi nén".

Mặc dù vậy, làm xôi nén để vừa miệng cụ Phương không phải đơn giản. Theo lời bà Nguyễn Thị Nghệ (77 tuổi, con gái út cụ Phương), người trực tiếp chăm sóc cụ Phương thì làm xôi nén rất cầu kỳ và tỉ mẩn. Bà Nghệ nói: "Nguyên liệu để làm xôi nén rất đơn giản. Chỉ cần có gạo nếp ngon, ngâm qua một đêm, vo sạch, xóc chút muối trắng, đem đồ thành xôi là đã sẵn sàng để làm ra món xôi nén thơm ngon. Điều quan trọng nhất là phải chọn được gạo nếp ngon, xôi đồ sẽ dẻo và thơm.

Đồ nếp là món khoái khẩu của cụ Phương.
Đồ nếp là món khoái khẩu của cụ Phương.

Cụ bảo thích ăn xôi nén vì nó giống với món oản ở ngoài chùa. Ngày xưa còn bé cụ ao ước được ăn thứ đó nên bây giờ ăn thoải mái không biết chán là gì".

Bà Nghệ nói thêm: "Ăn xôi nén, cụ nhà tôi đặc biệt phải ăn với nước trà nóng. Mà nước trà đó nhất thiết phải cho thêm chút đường".

Để có tuổi thọ như vậy, cụ Phương không chỉ có bí quyết ăn đồ nếp, mà cụ còn thường xuyên tập thể dục. Mặc dù không ra ngoài thường xuyên nhưng hằng ngày cụ vẫn tự tập thể dục trên giường. Cụ có phương pháp tập khá đặc biệt, nằm sấp xuống giường sau đó tự bật dậy, cứ như vậy 50 đến 100 cái tùy theo sức khỏe.

Để nhớ mỗi lần lên xuống được 10 cái, cụ lại tự bỏ một chiếc vòng nịt làm dấu. Có ngày khỏe cụ còn tập được 200 cái liên tục.

"Nhìn thấy cụ tập luyện như vậy chúng tôi cũng làm theo, nhưng quả thực ít người theo được cụ. Chính vì chịu khó tập luyện hàng ngày mà đã 105 tuổi cụ Phương vẫn có thể tự lo được cho mình. Vẫn tự đi lại, từ giường xuống đất mà chẳng cần phải vịn tay như người già" - ông Ngạc vui vẻ nói về bố mình.

Nhà nghiên cứu Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng: "Giao Chỉ là người Nam, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ". Ý kiến này được rất nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam tán thành.

Theo lương y Nguyễn Huy, Hội Đông y Việt Nam cho biết, những món ăn làm từ gạo nếp có công dụng tốt cho sức khỏe và được rất nhiều người ưa thích. Đồ nếp có lượng calo rất cao. Và hơn nữa, gạo nếp là nguồn nguyên liệu sạch nên đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, tinh bột ở gạo nếp làm tăng axit ở dịch vị nên dễ bị ợ chua. Ngoài ra đồ nếp làm gia tăng nhiệt độ cơ thể. Và chất amylopectin trong gạo nếp rất khó tiêu nên trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy ít dùng.

Nhưng trong trường hợp trên, cụ ông 105 tuổi nhiều năm ăn đồ nếp trường kỳ thì thật đặc biệt. Phải nói cụ là người có sức khỏe, đường tiêu hóa tốt mới có thể ăn và tiêu hóa được đồ nếp tốt vậy.

Trong trường hợp này đồ nếp vừa trở thành món ăn, vừa trở thành bài "thuốc" giúp cơ thể cụ ông đề kháng bệnh tật. Vì đồ nếp như xôi giúp chữa các bệnh tiêu chảy, đường ruột, buồn nôn, cả rối loạn bài tiết mồ hôi và cả bệnh tiền đình rất tốt. Như vậy, việc cụ ông 105 tuổi "nghiện" ăn đồ nếp, có thể là một cơ sở khoa học và thực tiễn lý giải cho việc cụ sống thọ và khỏe mạnh như vậy.

Theo Quang Anh

Cảnh sát toàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm