1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gánh ve chai qua hai đất nước

(Dân trí) - Trên con đường nóng như thiêu đốt, những người phụ nữ cùng chiếc xe đạp tồi tàn, cần mẫn đạp. Họ đi khắp các bản làng trên đất Lào để lượm ve chai mưu sinh. Cư dân Việt sống trên đất Lào gọi họ là những phụ nữ “hai sọt”.

Dọc đường mưu sinh

 

Có lẽ không nơi nào trên mảnh đất Lào, “dân” ve chai Việt lại tập trung mưu sinh nhiều như ở huyện SêPôn (Lào). Mới 9 giờ sáng đã thấy những phụ nữ với hai sọt ve chai sau chiếc xe đạp cũ, tất tả trên con đường dẫn vào các bản.

 

Một ngày “kiếm cơm” của họ thường bắt đầu từ buổi sáng sớm để tránh cái nắng gay gắt trên đất bạn. Bản Phường (cách chợ Karôn chừng 4km) vào mùa này như một chảo rang khổng lồ.

 

Con đường đất đỏ dẫn vào bản đã quen bước chân của chị Thuần hơn 5 năm nay. Chị cho biết hầu hết dân bản đều tham gia mua bán hàng ở chợ Karôn. Họ mang hàng ở chợ này về bản bán lẻ cho những người Việt sinh sống tại đây. Những phế phẩm dư thừa là đống két, giấy, bao nilon, xoong nồi cũ… được chị thu gom từng chuyến về bỏ ở nhà trọ.

 

Do phương tiện vận chuyển là xe đạp cho nên những phụ nữ ve chai này phải thuê nhà trọ gần bản Phường. Họ tập kết ve chai ở đây mười ngày, nửa tháng rồi mới đem về thị trấn Lao Bảo bán. Chị Thuần cho hay: “Tiền thuê trọ mình phải kì kèo lắm họ mới giảm giá cho. Thường thì 150.000 Kíp/phòng (255.000đ tiền Việt). Nếu tháng nào kiếm được nhiều ve chai, trừ tiền phòng, tiền ăn, phí vận chuyển… họ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng gửi về cho gia đình.  

 

Nghề lượm ve chai không phải lúc nào cũng thuận lợi. Dì Thảo (54 tuổi), lớn tuổi nhất trong nhóm ve chai ở bản Phường, được những “đồng nghiệp” gọi thân mật là “Thảo già”, tâm sự: “Ở đây không ai làm nghề này lâu như tui. Lên đây từ lúc chợ thương mại Lao Bảo chưa xây dựng. Hồi đó ve chai nhiều lắm, mình kiếm độ năm ngày là có ăn. Thấy có lời thì ai cũng đổ xô đi, đến giờ “xóm ve chai” đã có trên dưới 50 người làm nghề này”.

 

Dì Thảo vốn là dân vạn đò ở Huế, cả gia đình mấy đời chen chúc trên con thuyền chừng 10m2. Không thể chịu cực mãi, sau nhiều lần đắn đo, dì quyết định cưa ngang chiếc thuyền, mang gỗ lên Lao Bảo làm nhà rồi định cư luôn ở đấy. Trong đội ve chai này, rất nhiều gia đình là dân vạn đò ở Huế, dắt díu nhau đến vùng đất biên giới này vì muốn thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng trên sông nước.

 

Nỗi buồn sau “xóm ve chai”!

 

Sau hàng tháng bôn ba nơi đất khách, những phụ nữ “hai sọt” mang hàng về khóm Vĩnh Hoa, Xuân Phước (thị trấn Lao Bảo) phân loại phế liệu đem bán. Vào xóm ve chai buổi chiều muộn, khung cảnh ở đây khá “nhộn nhịp”: tiếng đập chát chúa của những người phân loại phế liệu lẫn tiếng khóc của những đứa trẻ lem luốc, đói khát… Thấy người lạ vào xóm, lũ trẻ líu ríu chạy nấp vào những tấm phên rách nát, mở to đôi mắt tò mò quan sát.

 

Từng dãy nhà ở đây đúng “nguyên chất ve chai”: những miếng tôn vá chằng vá chịt, tấm phên, bao tải… mục ruỗng vẫn che chắn trong đó bao nhiêu mảnh đời nghèo! Xóm ve chai chừng 50 hộ dân, do là dân tứ xứ đến đây thuê đất định cư nên hầu hết những đứa trẻ đều không được học hành, chăm sóc đầy đủ. Riêng vấn đề hộ khẩu cho những hộ dân này cũng khó khăn.

 

Anh Trương Văn Năm (41 tuổi) thấy chúng tôi liền dừng tay búa. Anh cho biết: “Hầu hết những hộ ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Lên đây làm ve chai đã mấy năm mà chưa có một gia đình nào cất được một ngôi nhà cho đỡ dột nát. Vào mùa nắmg thì dân tụi tui phải kiếm tranh lợp không thì nóng lắm! Còn vào mùa mưa thì dột nát không sao chịu được”.

 

Những hộ dân vạn đò vốn đã nghèo khó, con em họ phần lớn cũng thất học, khi lên thị trấn này định cư, quan niệm sống đó vẫn không thay đổi. Những đứa trẻ 13-14 tuổi đã tập làm quen với việc lượm, phân loại phế liệu như cha mẹ chúng.

 

Nhìn anh Năm với khuôn mặt hốc hác, già hơn hẳn so với tuổi đời của mình, nheo nhóc cùng 5 đứa con. Đứa trước chưa kịp lớn, đứa sau đã ra đời, 7 con người chen chúc trong một ngôi nhà không thể dột nát hơn được nữa…

 

Chiều sắp tắt nắng, những đứa trẻ đang háo hức ra cổng chờ mẹ chúng sau những tháng ngày vất vả nơi xứ người trở về. Bên kia biên giới, mẹ chúng vẫn tảo tần trên chiếc xe đạp cọc cạch, nặng nhọc những vòng quay cuộc đời!

 

PH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm