Gần hết năm hộ nghèo mới được nhận tiền ăn Tết Ất Mùi
Đã gần hết năm, 7 hộ nghèo ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum mới được nhận tiền hỗ trợ ăn Tết Ất Mùi.
Nhiều hộ khác, cũng sau Tết mới được nhận tiền hỗ trợ của tỉnh. Cùng với đó là sự thiếu minh bạch trong bình xét hộ nghèo, giả mạo chữ ký của đối tượng chính sách, khiến dư luận bất bình, khiếu kiện kéo dài, gây mất tình làng nghĩa xóm.
Ngày 26/9, gia đình chị Lường Thị Phong mới được nhận 500.000 đồng tiền hỗ trợ ăn Tết.
Sau hơn 7 tháng chờ đợi, cuối tháng 9 vừa qua, 7 hộ dân còn lại trong số 38 hộ nghèo và cận nghèo ở làng Đăk Tang, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy mới được nhận mỗi hộ 500 nghìn đồng của UBND tỉnh Kon Tum hỗ trợ đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Về lý do dẫn đến sự chậm trễ này, ông A Đinh, Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán, Đảng ủy xã được báo cáo là 7 hộ dân này không có trong danh sách hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ của tỉnh: “Ủy Ban Mặt trận huyện báo cáo với Đảng ủy nói là 7 hộ này do hiện nay chưa có tiền. Chỉ tính số hộ 5 thôn thành lập trước thôi lại thiếu cái thôn mới thành lập. Huyện nói thôi cái này để huyện tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh để bổ sung thì nó mới chậm. Mặt trận xã cũng giải trình chậm là nguyên nhân do Ủy Ban mặt trận huyện chưa bổ sung tiền 7 hộ đó mỗi hộ 500.000 đồng”.
Tuy nhiên, mới đây, ngành chức năng huyện Sa Thầy lại khẳng định: trong hai ngày 14 và 17 tháng 2, tức ngày 26 và 29 Tết, ông Ngô Văn Thuy và bà Vũ Thị Yến – cán bộ Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sa Thầy đã trực tiếp giao cho ông A Díu, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Rờ Kơi đủ số tiền hỗ trợ đón Tết cho 38 hộ nghèo và cận nghèo làng Đăk Tang. Mức hỗ trợ với hộ nghèo là 500 nghìn đồng và cận nghèo 200 nghìn đồng. Danh sách ký nhận tiền mà UBMTTQ Việt Nam xã Rờ Kơi gửi về UBMTTQ Việt Nam huyện sau đó để tổng hợp quyết toán cũng thể hiện đủ 38 hộ đã nhận tiền.
Trong lúc đúng, sai, trách nhiệm thuộc về ai và cấp nào còn chưa ngã ngũ, một số người dân trong nhóm 7 hộ nghèo mới được nhận tiền Tết ngày 26/9 khẳng định, chữ ký của họ hoặc người thân thể hiện ở danh sách sau Tết xã tổng hợp gửi về huyện thanh toán là chữ ký giả. Chị Lường Thị Phong, vợ anh Xa Văn Nguyện cho biết: “Anh đâu có biết ký. Ngày trước đi vay ngân hàng lăn tay chứ nhưng mà lại có chữ ký ở đấy không biết ai ký? Vừa nhận tháng trước này thôi. Họ bảo lúc đó gần Tết quá không kịp phát được”.
Việc tiền hỗ trợ đón Tết chậm đến tay hộ nghèo không những đi ngược lại chỉ đạo của tỉnh Kon Tum mà còn gây dư luận không tốt đối với chính quyền cơ sở. Nghi kị cũng nảy sinh giữa các hộ nghèo với Ban đại diện thôn, nhất là với cá nhân thôn trưởng và thôn phó.
Tình trạng chế độ của Nhà nước đối với hộ nghèo thực hiện thiếu minh bạch đã xảy ra ngay từ thời điểm làng Đăk Tang thành lập vào cuối năm ngoái. Việc bình xét hộ nghèo thiếu dân chủ, không tuân thủ quy định; đưa vào danh sách cả con gái trưởng thôn và một vài hộ nữa, như Ngô Văn Chung, Nguyễn Văn Viết có điều kiện kinh tế khá hơn nhiều hộ khác vẫn được xét hộ nghèo, khiến người dân bất bình. Hậu quả là khiếu kiện xảy ra, tình làng nghĩa xóm sứt mẻ.
Ông Đinh Cao Thế, thôn phó thừa nhận: “Vì thời gian rà soát hộ nghèo quá gấp trọn vẹn hai ngày dẫn đến có một số sai lầm thiếu sót của thôn. Chỉ có trưởng thôn với Ban chỉ đạo của xã là đi các hộ đó. Sau về không họp thôn chỉ thông qua trong các ban, ngành Ban mặt trận”.
Cho biết quan điểm của UBND huyện Sa Thầy trước những thiếu sót, sai phạm của một số cán bộ cơ sở trong thực hiện chính sách đối với hộ nghèo xảy ra tại làng Đăk Tang, xã Rờ Kơi, ông Trần Đình Huân, Chánh văn phòng UBND huyện khẳng định: "Sau khi nghe thông tin, huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra, tiếp đến là Đoàn thanh tra kiên quyết làm rõ những nội dung sai phạm. Quan điểm của huyện Sa Thầy sẽ xử lý nghiêm các sai phạm nhằm lấy lại niềm tin của người dân với chính quyền cơ sở và để các chế độ của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh đến với hộ nghèo đúng, đủ, kịp thời".
Theo Khoa Điềm
VOV