1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Gần chục thanh niên có nguy cơ “không được xã hội công nhận”

(Dân trí) - Tưởng rằng việc sở hữu một tấm CMTND là quyền của mỗi công dân trưởng thành. Ấy vậy mà câu chuyện hy hữu về tấm CMT ở Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng lại đang khiến gần chục em đứng trước nguy cơ không được xã hội công nhận.

Băn khoăn nỗi lo không được xã hội công nhận

 

Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng hiện là mái nhà chung của 170 người “không gia đình”. Đa số những người nương náu ở đây đều có cảnh đời bi thương, từ người già cô đơn, người tàn tật, thiểu năng trí tuệ cho tới những trẻ em sống lang thang, ăn xin chuyên nghiệp, được các chiến sĩ Phòng Cảnh sát trật tự cơ động, Công an TP đưa về.

 

Họ đến đây từ 20 tỉnh thành trên cả nước, về đây lao động đủ thứ nghề để mưu sinh. Với các em nhỏ, khi được vào đây được Trung tâm chăm sóc, học hành như những người con trong một đại gia đình thực sự. Nhiều em vào đây từ khi Trung tâm mới thành lập.

 

Tuy vậy, có một điều oái ăm là các em ở đây khi đến tuổi trưởng thành phần lớn đều không được cấp chứng minh thư nhân dân (CMTND).
 
Gần chục thanh niên có nguy cơ “không được xã hội công nhận” - 1

Nhiều em ở trung tâm đã đến tuổi trưởng thành mà vẫn chưa được cấp CMTND

 

Em Trịnh Xuân Thắng (sinh 1992, quê ở Nam Định) đã sống tại Trung tâm 13 năm, tâm sự: “Em nghĩ đã đến lúc mình tự làm nuôi bản thân được rồi, dù không có nghề nghiệp gì nhưng em tin sẽ đủ sức để trang trải cho cuộc sống của mình”. Cũng như Thắng, Hoàng Văn Phụng (sinh 1990, quê Đại Lộc, Quảng Nam) cũng muốn ra đời mưu sinh. Đáp ứng tâm nguyện đó, trung tâm cho các em đi học nghề. Nhưng các em chung một nỗi băn khoăn: Ra nghề rồi liệu có xin được việc khi các em không có CMT? Chưa kể việc đăng ký phương tiện, thuê nhà trọ, tiến hành các thủ tục hành chính cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không muốn nói là không thể.

 

Hoàng Thị Thu may mắn hơn các bạn đồng cảnh khi được đi học đến nơi đến chốn. Năm nay mới lên lớp 10 nhưng em đã nghĩ đến chuyện 2 năm nữa sẽ thi vào đại học. Có điều nỗi lo của em cũng mang tên “CMTND”. Nếu không có CMT, em sẽ không thể tiếp tục đi học.

 

“Mắc” ở đâu?

Cấp CMTND là trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương nơi các em sinh ra. Nhưng vấn đề lớn nhất, theo ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm, là khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc của các em. Khi đến với Trung tâm, mỗi em đều có một hoàn cảnh khác nhau, chính điều này đã gây khó khăn, phức tạp và kéo theo nhiều hệ luỵ trong vấn đề làm Chứng minh thư. “Nhiều em vì bực tức chuyện gia đình mà bỏ đi, có em thì bị bỏ rơi từ bé nên cũng không thể nhớ được cha mẹ, quê quán của mình, hoặc cũng có thể vì một lý do tế nhị nào đó khiến các em mặc cảm, không muốn nói ra”, ông Liên cho hay.

 

Tại công văn số 07/PC113 Công an TP Đà Nẵng về việc giải quyết đăng ký hộ khẩu cho các em thuộc Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố, ban hành ngày 21/05/2004 hướng dẫn thực hiện, với những hoàn cảnh đặc biệt sẽ được tạo điều kiện làm thủ tục đăng ký hộ khẩu và cấp CMTND với hồ sơ 8 điều cơ bản. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại Trung tâm, số em đến tuổi được cấp CMTND tại Trung tâm này chỉ đáp ứng được 2 trong tổng số 8 điều kiện đã nêu, đó là Giấy tiếp nhận trẻ của Trung tâm và biên bản giao nhận trẻ giữa Trung tâm với các cá nhân, tổ chức.

 

Theo trung tá Nguyễn Văn Quân, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an quận Liên Chiểu: “Chúng tôi chỉ tiếp nhận và tiến hành giải quyết theo đúng quy định hiện hành, nếu Trung tâm chưa hoàn tất hồ sơ và thủ tục thì chưa thể tiến hành đăng ký hộ khẩu và cấp CMND cho các em được”.

 

Kể từ ngày thành lập, tại Trung tâm này đã có hơn 4.000 lượt vào Trung tâm, nhưng đến hiện tại chỉ còn 170 người ở lại Trung tâm, chính sự vào ra không ổn định này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xác định và hoàn tất thủ tục cho các em để các em có thể dễ dàng làm CMT, được pháp luật quản lý và công nhận.

 

Để có hướng giải quyết thích hợp, hiện nay Trung tâm đã tiến hành phân loại trẻ có gia đình hoặc không, có địa chỉ hoặc không có địa chỉ và gửi công văn đề nghị lên Công an quận Liên Chiểu giải quyết.

 

Trọng Huy