1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Gần 4.000 hộ dân lo lắng vì đê ngăn lũ hư hỏng không được nâng cấp

(Dân trí) - Hàng ngàn hộ dân nằm sau đê Tân Long dài gần 20 km bảo vệ 6 xã vùng hạ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang hết sức bất an khi tuyến đê xung yếu này đã xuống cấp nặng nề, nguy cơ vỡ đê, đe dọa tính mạng, tài sản luôn thường trực.

Đê Tân Long (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có tổng chiều dài gần 20 km, được xây dựng từ những năm đầu thập kỷ 70. Hàng chục năm qua, tuyến đê như một vòng tay vững chãi che chở an toàn cho gần 4.000 hộ dân thuộc 6 xã vùng hạ huyện Hương Sơn.

Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng từ lâu, trải qua nhiều đợt mưa lũ, sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng không được đầu tư củng cố, nâng cấp, nên nhiều đoạn đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn quan xã Sơn Châu (từ Km00 – Km03) có chiều dài khoảng 3 km, mặt cắt đê nhỏ hẹp, cao trình thấp, thân đê có nhiều điểm bị sạt lở, xuất hiện tổ mối.

Gần 4.000 hộ dân lo lắng vì đê ngăn lũ hư hỏng không được nâng cấp - 1

Cuộc sống bình yên của hàng ngàn hộ dân xã Sơn Châu và 5 xã nằm ở vùng hạ huyện Hương Sơn có được một phần là nhờ tuyến đê Tân Long bảo vệ.

Tuyến đê có vị trí xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp phía sau đê là hàng trăm hộ dân xã Sơn Châu, hàng chục ha đất sản xuất, nhiều công trình hạ tầng trường học, trạm y tế, trú sở xã...

“Tuyến đê nằm dọc sông Ngàn Phố, có độ dốc lớn, dòng chảy mạnh. Mùa mưa lũ, nước dâng lên mấp mé mặt đê và tạo ra những dòng xoáy uy hiếp thân đê. Đặc biệt, những khi nước lũ dâng cao cộng thêm gió bão, sóng đánh vào thân đê rất nguy hiểm. Cứ mỗi khi nghe dự báo thời tiết có mưa to là người dân chúng tôi lại lo chuẩn bị vật tư bao cát, cọc tre… sẵn sàng cứu đê và “khăn gói” di dân để tự cứu mình” – ông Nguyễn Sỹ Nam, Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Châu cho biết.

Gần 4.000 hộ dân lo lắng vì đê ngăn lũ hư hỏng không được nâng cấp - 2

Tuy nhiên tuyến đê này hiện xuống cấp, nhất là trên suốt chiều dài 3km chạy qua xã Sơn Châu mặt cắt đê nhỏ hẹp, cao trình thấp, thân đê có nhiều điểm bị sạt lở, xuất hiện tổ mối.  Nếu xuất hiện lũ lớn, chảy xiết, tuyến đê khó trụ vững.

Cũng theo ông Nam, tuyến đê Tân Long không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn lũ, mà đây còn là tuyến giao thông quan trọng của nhân dân địa phương để phát triển sản xuất, giao lưu buôn bán. Hàng trăm hộ dân có đất sản xuất phía trong và ngoài đê, hàng ngày phải đi lại trên tuyến đê quá nhỏ hẹp, nhiều điểm sạt lở gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê Tân Long phục vụ công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn cho người và tài sản nhân dân, cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực, tạo điều kiện phát triển kinh tế là hết sức cấp bách.

Mặc dù vậy, theo một ông Nam, tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri các cấp, các địa phương đã có kiến nghị được đầu tư, nâng cấp đoạn đê này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, nhưng các kiến nghị khẩn này vẫn chưa được giải quyết.

Gần 4.000 hộ dân lo lắng vì đê ngăn lũ hư hỏng không được nâng cấp - 3

Tại địa bàn Hà Tĩnh nhũng năm gần đây đã xảy ra không ít vụ lỡ đê gây thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Một lãnh đạo huyện Hương Sơn cho biết, mong mỏi của người dân là hoàn toàn chính đáng, huyện cũng đã có văn bản gửi tỉnh về thực trạng tuyến đê Tân Long, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi được biết lúc này là nguồn vốn đầu tư.

“Nguồn thu của huyện gặp nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào vốn đầu tư của tỉnh và Trung ương. Sắp tới khi làm việc với tỉnh, huyện Hương Sơn sẽ đề xuất đưa tuyến đê này vào dự án đầu tư cấp bách, với hi vọng sớm được bố trí vốn để đầu tư nâng cấp tuyến đê, giảm bất an cho bà con”- vị lãnh đạo huyện cho hay.

Văn Dũng - Sơn Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm