1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình:

Gần 40 năm “nhặt” xác người chết trên đường

(Dân trí) - Gần 40 năm nay, hễ có người báo tin trên địa bàn xảy ra tai nạn chết người, ông Diễn lại hối hả chạy đến hiện trường làm cái công việc mà ai cũng hãi hùng: "nhặt" xác nạn nhân xấu số để khâm liệm.

Người đàn ông làm công việc chẳng giống ai này là ông Nhâm Bá Diễn, sinh năm 1948, ngụ ở phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
 
Ông Diễn tên thật là Nhâm Văn Ý, sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình. Từ nhỏ ông đã mồ côi cha mẹ nên cuộc sống rất vất vả và thiếu thốn. Để kiếm đủ một ngày 2 bữa ăn, ông phải đi chăn trâu, cắt cỏ thuê cho hết nhà này sang nhà khác.

 Công việc hàng ngày của ông Diễn là đi nhặt đồ phế liệu về bán đồng nát
 Công việc hàng ngày của ông Diễn là đi nhặt đồ phế liệu về bán đồng nát

Sinh ra và lớn lên khi đất nước còn trong thời chiến, nhưng do là đối tượng mồ côi nên ông không có tên trong danh sách tuyển quân. Năm 1970, ông quyết định xin vào đội thanh niên xung phong, vào Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau đó ông tiếp tục đến tỉnh Quảng Trị. 3 năm sau ông tiếp tục sang Lào làm nhiệm vụ.

Năm 1977, ông Diễn về quê lập gia đình với bà Vũ Thị Non (sinh năm 1954), quê ở thị xã Tam Điệp. Ở Thái Bình ông không có người thân thích nên ông và vợ dắt díu nhau về quê ngoại sinh sống.

Lúc về thị xã Tam Điệp, vợ chồng ông Diễn được nhà ngoại dựng cho một ngôi nhà ngay sát cạnh Bệnh viện thị xã Tam Điệp cũ. Nói là nhà cho "oai" chứ thực ra chỉ là một túp lều để tránh mưa, tránh nắng. 

Ở gần bệnh viện ông mới thấy được cái đau, cái xót xa của những hài nhi bị bỏ rơi. Ông nghĩ những hài nhi khi mới sinh ra đã có linh hồn, dù chưa thành hình, thành dáng, chưa được chào đời. 

Ông Diễn đang kể lại về cơ duyên đưa mình đến với cái nghiệp chẳng giống ai
Ông Diễn đang kể lại về cơ duyên đưa mình đến với cái nghiệp chẳng giống ai

Nghĩ vậy nên mỗi khi nghe có xác hài nhi ở bệnh viện không có người chôn cất là ông lại tới lo hậu sự cho đứa trẻ xấu số. Cũng từ đây cái nghiệp “nhặt xác” khâm liệm cho người chết đã gắn chặt vào ông.

Làm lâu dần, ông thấy lòng mình thanh thản. Từ nhặt xác hài nhi, những lần đi trên đường gặp phải vụ tai nạn giao thông, không may có người chết, thấy nạn nhân nằm dưới đất lạnh lẽo mà chẳng ai dám động vào, ông lại xắn tay vào khâm liệm. Nhiều lần như vậy, sau này có cứ vụ tai nạn giao thông chết người nào là người ta lại báo cho ông Diễn.

Vụ tai nạn mà ông nhớ nhất phải kể đến là vụ tai nạn xảy ra giữa một chiếc xe tải và một chiếc xe chở khách, khiến cả chục người tử nạn. Vị trí vụ tai nạn nằm ở khu Vũng Trám, thị xã Tam Điệp. Lúc nhận được tin báo, ông liền vội vàng chạy đến hiện trường, thấy cảnh tượng vô cùng hãi hùng. Nhưng sau ít phút lấy lại bình tĩnh, ông đã tự tay nhặt nhạnh từng phần thi thể của những nạn nhân xấu số...

Ngoài vụ tai nạn kinh hoàng trên, ông còn nhớ một vụ tai nạn giữa xe ô tô với một người đi xe đạp. Lúc đấy trời đã vào khuya, lại vào giữa mùa đông nên trời lạnh như cắt da cắt thịt. Lúc đi ra hiện trường, ông chỉ khoác vội chiếc áo mỏng. Do chưa xác định được danh tính người bị nạn nên cả đêm ông phải ở lại canh gác xác chết. Trời lạnh, ông phải dùng một mảnh chiếu đắp lên người rồi lại gần xác nạn nhân để canh. Kể từ đó người ta đồn ầm lên là ông thích ngủ với xác chết.

Gần 40 năm nay, vợ ông Diễn cũng đã quen với cảnh chồng đi làm phúc cứu người
Gần 40 năm nay, vợ ông Diễn cũng đã quen với cảnh chồng đi làm phúc cứu người

Ông Diễn thật thà tâm sự: “Lúc ấy là giữa đêm khuya, trời lạnh, lại ở với xác chết, lúc ấy tôi cũng muốn về nhà lắm chứ, ai mà chả muốn về nằm trên giường đắp chăn ấp. Nhưng ai cũng như thế thì để lại nạn nhân họ nằm, không nhang khói thì lạnh lẽo lắm. Nên tôi mới ở lại túc trực… Kệ người ta nói gì thì nói, tôi làm vì tôi thấy thương cho nạn nhân thôi”.

Gần 40 năm qua, ông không nhớ đã tự tay khâm liệm cho bao nhiêu nạn nhân. Gần 40 năm làm việc thiện, làm vì cái tâm, ông tâm sự: “Người ta có thể cho tôi là hâm, là dở, nhưng tôi chỉ làm vì cái tâm của mình, mặc cho ai muốn bàn tán ra vào. Tôi kệ! Mà những việc tôi làm chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ của những nạn nhân không may bị tai nạn chết đi”.

Đức Văn