1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Bình:

Gần 40 năm "khát" nước sạch

(Dân trí) - Gần 40 năm nay, người dân ở các bản Rôông, Ka Uynh, ông Tú... thuộc xã miền núi Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) luôn sống trong cảnh "khát" nước sạch trầm trọng. Người dân phải chấp nhận xuống sông lấy nước nhiễm bẩn về dùng.

Biết là ô nhiễm nhưng cũng phải dùng!

Sau cơn mưa chiều tầm tả, nguồn nước từ thượng nguồn dòng Gianh đổ về đục ngầu, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến cảnh người dân ở xã Trọng Hóa đang xuống sông gánh nước về nấu ăn và sinh hoạt. Em Hồ Thị Hoàn, học sinh lớp 6 trường TH&THCS xã Trọng Hóa, đang hì hục với can nước 20 lít, cho biết: "Mỗi ngày em phải đi lấy nước khoảng 3 lần để về cho mẹ rửa rau, nấu cơm, mỗi lần ít nhất cũng vài chục lít. Còn mọi chuyện sinh hoạt cá nhân như tắm giặt thì cả nhà đều ra sông ra suối thôi".

Ngày ngày em Hồ Thị Hoàn phải xuống sông gánh hàng chục lít nước về cho gia đình nấu ăn, sinh hoạt
Ngày ngày em Hồ Thị Hoàn phải xuống sông gánh hàng chục lít nước về cho gia đình nấu ăn, sinh hoạt

Bản Rôông có 25 hộ dân với 167 nhân khẩu nằm "cô đơn" bên kia sông Gianh. Để giao lưu với thế giới bên ngoài, chỉ có một con đường độc đạo là chiếc thuyền gỗ độc mộc ngày ngày vượt dòng sông Gianh dữ tợn. Đã thế, hàng chục năm qua, bà con nơi đây còn phải lấy nguồn nước bị nhiễm bẩn từ chính con sông này về nấu ăn và sinh hoạt. "Không có nước sạch nên bà con ở đây đành phải dùng nguồn nước nhiễm bẩn ở sông thôi. Nước ở đây bẩn lắm, nhất là mỗi khi mưa lũ về, nguồn nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu, và kèm theo nhiều rác thải độc hại. Biết là ô nhiễm, độc hại như rứa nhưng không dùng thì biết lấy nước mô mà nấu ăn, sinh hoạt hả chú?", Hồ Voong, than phiền. 

Bản Rôông cô đơn giữa đại ngàn
Bản Rôông "cô đơn" giữa đại ngàn

Nhà Hồ Voong có hơn 10 người con, chưa kể đến cháu, chắt nội ngoại. Vì thế, mỗi ngày gia đình ông phải xuống sông gánh nước hàng chục lần, tương đương khoảng 300 đến 400 lít nước. Ông Voong ngán ngẩm bảo, chỉ riêng cái chuyện xuống sông gánh nước mỗi ngày cũng đủ làm cho gia đình ông quá khổ sở! Không riêng gì gia đình ông Voong mà đó cũng là tình cảnh chung của hàng chục hộ dân ở bản Rôông.

Việc người dân ở bản Rôông và nhiều bản khác sống dọc hai bên sông Gianh hàng chục năm nay sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn để sinh hoạt đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Theo Hồ Voong, về mùa mưa trẻ em và người già trong bản thường mắc phải các chứng bệnh về đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy và các bệnh ngoài da... Nguyên nhân chính được nhận định là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Bản Rôông cô đơn giữa đại ngàn
Hồ Voong và mọi người ở bản Rôông biết nguồn nước ở sông Gianh bị ô nhiễm nhưng cũng đành chấp nhận vì nếu không họ sẽ chết khát! 

"Dài cổ" chờ ngày nước sạch về với thôn bản

Xã miền núi Trọng Hóa có tất cả 18 bản nhưng hiện nay mới chỉ có 6 bản được dùng nước sạch. Nói là nước sạch nhưng đó cũng chỉ là nguồn nước được bà con lấy từ trong lòng đất ở các khe suối, còn lại bà con ở nhiều bản như Rôông, Ka Uynh, ông Tú, bản Dô, bản Sung, bản Ka Oóc... vẫn sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn lấy từ thượng nguồn sông Gianh, theo hai hướng từ cửa khẩu Cha Lo và khe Dọi chảy về.

Trước thực trạng đáng báo động trên, năm 2006, UBND huyện Minh Hóa đã cử cán bộ về khảo sát thực địa, tìm phương án xây dựng hệ thống dẫn nước sạch về cho bà con nhưng do kinh phí quá lớn nên đến nay người dân ở xã Trọng Hóa vẫn "dài cổ" chờ ngày có nước sạch sinh hoạt. 

Bản Rôông cô đơn giữa đại ngàn
"Dài cổ" chờ nước sạch sinh hoạt, nhiều hộ dân ở Trọng Hóa đành phải dùng nguồn nước nhiễm bẩn ở sông Gianh và hứng nước mưa, rất độc hại

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Mi, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, hiện nay nước sạch sinh hoạt cho bà con đang là vấn đề hết sức cấp bách. Hầu hết các bản đều thiếu nước sạch sinh hoạt. Vừa qua, xã cũng đã họp bàn và lên phương án lắp hệ thống ống nhựa dẫn nước từ khe Ra Mai về cho bà con bản Rôông, nhưng để dẫn được nguồn nước từ khe này về bản Rôông hết khoảng 2.500m ống nhựa, 2 bể chứa nước, ước tính tổng mức kinh phí trên 20 triệu đồng. Hiện tại xã chưa có điều kiện để làm nên đang phải chờ nguồn vốn từ cấp trên. 

"Do địa hình đồi núi phức tạp, nguồn nước nước sạch đầu nguồn khan hiếm, chi phí để đào giếng, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sạch rất lớn nên huyện đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, xét về mặt cơ bản hiện nay vấn đề nước sạch sinh hoạt cũng đã được huyện cố gắng đáp ứng khá đầy đủ cho bà con, chỉ riêng một số bản xa xôi hẻo lánh ở các xã vùng cao là chưa có nước sạch", ông Đinh Hồng Hộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, nói.

"Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để cho bà con không còn phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn ở sông Gianh. Còn về lâu dài chúng tôi cũng mong rằng, các cấp ban ngành cần có sự quan tâm hơn nữa để bà con xã nghèo Trọng Hóa không còn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng như hiện nay", ông Mi trăn trở.

Bản Rôông cô đơn giữa đại ngàn
Biết đến bao giờ bà con ở bản Rôông và nhiều bản khác nữa ở xã miền núi Trọng Hóa mới có nước sạch sinh hoạt? 

Biết đến bao giờ bà con ở xã miền núi Trọng Hóa không còn phải sống trong cảnh "khát" nước sạch (?!)

Đặng Tài - Đăng Đức