1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần 40 năm bị voi rừng quấy phá, lão nông Quảng Nam vẫn quyết bảo vệ voi

Ngô Linh

(Dân trí) - Bị voi rừng nhiều lần phá hỏng nhà cửa, tài sản trong gần 40 năm qua, nhưng lão nông Nguyễn Văn Bình không ghét bỏ loài voi mà vẫn nỗ lực bảo vệ chúng.

"Nặng nợ" với đàn voi rừng quý hiếm

Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Bình (69 tuổi) nằm dưới chân núi Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn, thôn Phước Hội (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam). Ông đã phải 4 lần dời nhà để tránh đàn voi rừng về phá, ông dọn đến đâu voi tới "thăm" đến đó nên nhiều người bảo chắc có lẽ ông "nặng nợ" với chúng.

Gần 40 năm bị voi rừng quấy phá, lão nông Quảng Nam vẫn quyết bảo vệ voi - 1

Hình ảnh voi được ghi lại từ bẫy ảnh (Ảnh do Khu bảo tồn cung cấp).

Ông Bình kể, lần đầu tiên ông phải dời nhà là vào năm 1984. Thuở đó để mưu sinh vợ chồng ông vào khu vực Sầm Nưa, giữa cánh rừng tự nhiên sinh sống. Vợ chồng mất 4 năm để gây dựng nương rẫy trồng lúa, sắn, cây trái. Hoa màu chuẩn bị thu hoạch thì đàn voi hơn 10 con kéo về quậy phá, dẫm đạp.

Gần đây nhất là cuối năm 2018, khi gia đình đã dời nhà lần 4 ra khu vực bìa rừng đông dân cư Cấm La, đàn voi vẫn tiếp tục về khu vực gần nhà dẫm đạp, quật ngã hơn 100 gốc chuối, rẫy ngô, hơn 1.000 mét ống nước.

"Từ Sầm Nưa, Hồn Nứa, Cán Dù rồi ra tận bìa rừng khu vực Cấm La voi cũng tìm đến. Bốn lần dời nhà dù mệt mỏi nhưng cũng chịu thôi. Có lẽ mình xâm phạm lãnh địa nên voi "giận". Bởi vậy, nên tôi chưa bao giờ thù oán gì", ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Gần 40 năm bị voi rừng quấy phá, lão nông Quảng Nam vẫn quyết bảo vệ voi - 2

Ông Nguyễn Văn Bình, lão nông "nặng nợ" với voi.

Gia đình ông Bình đều cho rằng của cải làm ra bị voi phá rất xót, nhưng đành chấp nhận, có giận cũng chẳng làm được gì. Gia đình luôn ý thức sao cho tránh làm tổn hại đến đàn voi rừng quý hiếm.

Vì ý thức bảo vệ đàn voi, ông Bình được Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn tin tưởng cấp cho một kẻng báo động lớn và máy ảnh kỹ thuật số để chụp ảnh đàn voi khi phát hiện.

"Tôi đã nhiều lần chụp được ảnh voi khi ở khu vực gần rẫy gia đình, sau đó cung cấp cho bên bảo tồn. Kẻng báo động dùng để thông báo cho người dân voi về để mọi người kịp thời tránh xa, bên cạnh đó mỗi nhà dân cũng được cấp kẻng nhỏ để khi voi đến thì đánh kẻng xua đuổi voi vào rừng, tránh vào khu dân cư. Dân ở đây ai cũng ý thức bảo vệ voi cả, chúng tôi đồng hành cùng các kiểm lâm viên giữ gìn môi trường an toàn cho voi sinh sống", ông Bình cho hay.

Gần 40 năm bị voi rừng quấy phá, lão nông Quảng Nam vẫn quyết bảo vệ voi - 3

Chiếc máy ảnh được hỗ trợ đã giúp ông Bình chụp được nhiều hình ảnh quý về voi cung cấp cho khu bảo tồn.

Nỗ lực bảo vệ đàn voi

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn thành lập vào cuối năm 2017 với lực lượng gần 30 người quản lý, bảo vệ rừng và đàn voi, luân phiên tuần tra mỗi ngày.

Đàn voi sinh sống trong gần 19.000ha rừng tự nhiên, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 13.000ha thuộc hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn. Ngoài ra, voi có thể di chuyển trong vùng rừng đệm rộng 25.000ha thuộc 9 xã của 5 huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn và Hiệp Đức.

Gần 40 năm bị voi rừng quấy phá, lão nông Quảng Nam vẫn quyết bảo vệ voi - 4

Mỗi gia đình tại xung quanh khu vực bảo tồn voi đều được tập huấn tránh xung đột với voi, được cấp một kẻng nhỏ để hỗ trợ xua đuổi voi về rừng khi chúng vào khu dân cư.

Ông Mai Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn cho biết, Ban đã xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ đàn voi là ưu tiên hàng đầu. "Từ khi lập khu bảo tồn, đàn voi rất ít bị tác động bởi con người. Sinh cảnh sống của voi được đảm bảo, nguồn thức ăn ổn định", ông Dưỡng chia sẻ.

Ngoài việc giữ rừng cho voi, khu bảo tồn được các tổ chức hỗ trợ nhiều đợt tuyên truyền để người dân tránh xung đột với voi. Nhiều đợt tập huấn kỹ năng ứng phó khi đàn voi ra rẫy của dân tìm thức ăn, hỗ trợ dân kẻng để khi voi về làng thì đánh để xua đuổi chúng về rừng.

Theo kế hoạch năm 2022, Ban quản lý Khu bảo tồn sẽ trồng 30.000 cây gỗ lớn các loại để phục hồi rừng ở các khu vực bị sạt lở do mở đường, cháy rừng… nhằm nâng độ che phủ rừng trong lâm phận khu bảo tồn.

Trong khi đó, với người dân làng Cấm La, hàng chục năm nay chẳng lạ gì đàn voi. Hồi trước, họ thường gặp chúng ra tận bìa rừng để tìm thức ăn, tắm mát…

Gần 40 năm bị voi rừng quấy phá, lão nông Quảng Nam vẫn quyết bảo vệ voi - 5

Chiếc kẻng lớn được đặt ở bìa rừng làng Cấm La, ông Nguyễn Văn Bình thường dùng nó báo động cho dân làng khi có voi ra rẫy.

Đàn voi sinh trưởng tốt, ngoài bảo vệ chuyên trách của kiểm lâm viên khu bảo tồn thì dân làng cũng góp phần. Tránh xung đột, ảnh hưởng đến đàn voi, không gây bất lợi cho voi… là câu cửa miệng của người dân, và họ cũng là tai mắt của cơ quan chức năng. Bất cứ kẻ lạ nào vào rừng voi sinh sống đều khó qua mắt dân và họ báo ngay cho lực lượng chức năng ngăn chặn.

Anh Trần Viết Pháp - Trưởng thôn Phước Hội cho hay voi là tài sản thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây. Vì thế trong các cuộc họp, thôn luôn tuyên truyền cho dân bảo vệ và tránh xung đột với voi.

"Bây giờ không có lâm tặc nào dám vào rừng phá hoại, khi phát hiện người lạ mặt xuất hiện dân sẽ báo ngay cho chính quyền và bên kiểm lâm. Từ ngày thành lập Ban bảo tồn voi, người dân cũng yên tâm hơn vì voi ít về quậy phá, họ sẵn sàng phối hợp với lực lượng kiểm lâm bảo vệ bình yên cánh rừng bạt ngàn này", anh Pháp cho hay.

Giữa tháng 3/2022, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn phối hợp với UBND xã Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Trung (huyện Nông Sơn) thành lập 3 nhóm bảo tồn cộng đồng từ nguồn hỗ trợ của Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các nhóm bảo tồn cộng đồng này được thành lập trên cơ sở kiện toàn, tái lập nhóm bảo tồn cộng đồng do Dự án Trường Sơn Xanh - USAID tài trợ thành lập năm 2019. Các nhóm tái cấu trúc từ 25 thành viên còn 15 thành viên, gồm các ban ngành của xã (đoàn thanh niên, hội nông dân…), trưởng thôn một số thôn vùng đệm.

Nhiệm vụ chính là tuyên truyền cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển sinh kế; chung tay cùng các cấp chính quyền quản lý, bảo tồn hiệu quả tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong và xung quanh Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.