Gần 3000 tỉ đồng cho dự án vệ tinh VINASAT
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định đầu tư hơn 182,3 triệu USD để Bộ Bưu chính Viễn thông sớm đưa vệ tinh VINASAT lên quỹ đạo. Chủ đầu tư là Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ đầu tư 20% vốn tự có, 80% còn lại huy động vốn vay nước ngoài.
Theo Quyết định số 1104 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành ngày 18/10, tổng mức đầu tư chưa có thuế giá trị gia tăng cho dự án này là: 2.885 tỉ đồng (tương đương 182,3 triệu USD). Trong đó, chi phí xây lắp chiếm 11,3 tỉ đồng, mua sắm vật tư thiết bị 19,5 tỉ đồng và hơn 153 triệu USD, các chi phí khác là 5,2 tỉ đồng và hơn 5 triệu USD.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam phải phóng một quả vệ tinh vào vị trí 132oE đã được đăng ký trên quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh trong thời gian sớm nhất; xây lắp tại Việt Nam 2 trạm điều khiển vệ tinh (1 trạm chính và 1 trạm dự phòng); đưa hệ thống vệ tinh VINASAT vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu các dịch vụ trong và ngoài nước.
Vệ tinh địa tĩnh của Việt Nam (VINASAT) được chế tạo với kích cỡ trung bình, có dung lượng 20 bộ phát đáp băng C và băng Ku. Các trạm điều khiển vệ tinh gồm: thiết bị đồng bộ trạm điều khiển chính và trạm điều khiển dự phòng.
Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu quả vệ tinh và các trạm điều khiển phải có trình độ công nghệ tiên tiến ngang tầm trình độ của khu vực và quốc tế giai đoạn 2010 - 2020. Tuổi thọ quả vệ tinh là 15 năm.
Vệ tinh VINASAT phải đáp ứng được các loại hình dịch vụ đã đăng ký, đảm bảo các chỉ tiêu về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, không gây can nhiễu đến các hệ thống thông tin khác trong quá trình khai thác, kiểm soát và điều khiển quả vệ tinh ổn định, luôn đúng ở vị trí quỹ đạo đã được xác định.
Dự kiến khi vệ tinh được đưa lên quỹ đạo sẽ có vùng phủ sóng băng C gồm: Nhật Bản, Triều Tiên, một phần Trung Quốc, các nước ASEAN và đông Australia; vùng phủ sóng băng Ku gồm: Đông Dương, Biển Đông và các vùng lân cận.
Dự án này sẽ triển khai trong giai đoạn 2005-2008, dự kiến đến quý II năm 2008 sẽ đưa vệ tinh vào hoạt động trên quỹ đạo.
Trần Đức