1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gần 30 năm tìm anh, tìm đồng đội...

(Dân trí) - Ở thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) có một cựu chiến binh tên Đào Thiện Sính, gần 30 năm nay lặn lội khắp các chiến trường, hơn 60 nghĩa trang từ Quảng Trị đến Cà Mau, âm thầm tìm anh trai, lặng lẽ báo mộ cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ.

Đến nay, trên hành trình của mình, ông Sính chưa có tung tích gì về người anh trai đã hy sinh. Nhưng ông đã gửi được hơn 5.000 bức thư báo mộ tới các thân nhân gia đình liệt sĩ trên cả nước.
 
Gần 30 năm tìm anh, tìm đồng đội... - 1

Ông Đào Thiện Sính bên đống tư liệu sau một đợt vừa đi tìm kiếm đồng đội ở Đồng Nai

 

Ba lô làm gối. Đêm khuya ngả lưng bên đồng đội

 

Ông Sính sinh ra và lớn lên ở huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, rồi ông được biên chế vào Đoàn 4, Bộ Tư lệnh Thông tin, trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, Đông Nam bộ, chiến trường Lào và Campuchia.

 

Năm 1973, do có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông Sính được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được điều về B28, Phòng Thông tin Trung ương Cục miền Nam (một đơn vị trực tiếp nhận và truyền các thông tin tuyệt mật từ Bộ Chỉ huy đến các đơn vị tác chiến).

 

Năm 1979, ông tiếp tục tái ngũ và chiến đấu ở mặt trận Tây Nam rồi xuất ngũ về địa phương năm 1983. Trong số 5 anh chị em của ông có 2 anh em cùng vào Nam gần như cùng lúc nhưng người anh trai đã không trở về.

 

Từ đó, ông Sính bắt đầu cuộc hành trình tìm anh.

 

Trên bước đường tìm kiếm, ông đã gặp nhiều bà mẹ có chồng con hy sinh trong chiến tranh, rất nhiều người cũng chưa tìm được phần mộ người thân của mình. Như thấu hiểu nỗi đau của những gia đình cùng cảnh ngộ, đã bao đêm ông nằm đặt tay lên trán và nghĩ về cái “trách nhiệm” của mình: cần làm điều gì đó để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những đồng đội đã ngã xuống. Trên từng bước đường tìm người thân, ông cũng trở thành người báo mộ cho các gia đình liệt sĩ.

 

Mỗi lần nghe ở đâu có các cuộc quy tập mộ liệt sĩ, ông lại đến để ghi chép tỉ mỉ những thông tin, hy vọng tìm được anh trai và đồng đội. Rồi những chuyến đi tìm đồng đội cứ thế nối tiếp nhau. Chưa tìm được anh trai, nhưng đồng đội được trở về với gia đình cũng khiến ông hạnh phúc.

 

Năm 1988, gia đình ông Sính chuyển vào Khánh Hòa, ông công tác tại Bưu điện huyện Diên Khánh nên việc tìm mộ đồng đội thuận tiện hơn. Đến giờ, ông Sính không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi. Ông chỉ nhớ là đã đến hơn 60 nghĩa trang từ Quảng Trị đến Cà Mau.

 

Trước mỗi chuyến đi, ông Sính phải tự tiết kiệm kinh phí, khi nào thấy đủ là lập tức lên đường. Ông nói: “Mỗi lần tôi đi, chủ yếu là vài bộ quần áo bỏ vào ba lô. Đi đến đâu, ăn uống ở đó. Mua thêm vài gói mì dữ trự. Tối đến, ngủ ở nghĩa trang là chuyện bình thường. Nhưng cũng khó ngủ, cứ thao thức mãi”.

 

Cứ thế, gần 30 năm nay, đã không biết bao nhiêu lần ông Sính lặn lội đi tìm đồng đội. Ngày tìm. Tối đến gối đầu lên chiếc ba lô, ngả lưng trong các nghĩa trang, bên những bia mộ của đồng đội. Ngày mai lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình…
 
Gần 30 năm tìm anh, tìm đồng đội... - 2
Ông Sính bên phần mộ liệt sĩ Vũ Đức Xít tại nghĩa trang Long Khánh (Đồng Nai). Sau chuyến đi này, thông qua ông mà gia đình liệt sĩ đã biết được phần mộ người thân mình

 

Còn sống còn đi tìm anh, tìm đồng đội

 

Ông Sính tâm sự: “Trước đây còn đi làm nên mỗi lần đi cũng phải sắp xếp công việc và chọn những ngày nghỉ. Từ năm 2007, được nghỉ hưu, tha hồ mà đi rồi”.

 

Đến nghĩa trang nào ông Sính cũng đều đi dò tìm từng phần mộ một. Sau đó, ông ghi đầy đủ thông tin tìm được, bỏ vào những phong thư tự làm bằng tay rồi liên lạc với chính quyền địa phương nhờ thông báo rộng rãi những phần mộ mà mình đã thu thập được.

 

Đến nay, ông đã ghi tên và gửi hơn 5.000 bức thư thông báo địa chỉ có mộ liệt sĩ đi khắp cả nước. Và ông cũng đã nhận được gần 3.000 bức thư hồi âm từ thân nhân các liệt sĩ.

 

Trong cuốn sách ghi chép của ông dày đặc tên các liệt sĩ ông đã báo tin. Ông ước chừng có khoảng 30% số gia đình liệt sĩ, đến khi nhận được thư của ông họ mới biết liệt sĩ đó đang ở đâu. Như liệt sĩ Phạm Văn Vịnh (Nguyên Giáp, Tứ Kỳ, Hải Dương), ông gửi thư đi được vài ngày thì nhận được điện thoại của gia đình liệt sĩ, gọi cảm ơn rồi ông và khóc vì quá xúc động. Họ vào ngay nghĩa trang Long Thành (Đồng Nai) để thăm lại người thân đã hy sinh, lưu lạc bao nhiêu năm nay.

 

Có rất nhiều gia đình ngỡ rằng sẽ không bao giờ tìm được mộ người thân, nhờ thư của ông mà ước mơ thành hiện thực. Không ít gia đình đòi gặp ông cảm ơn cho bằng được, nhưng ông đều từ chối.

 

Ông chia sẻ: “Mình làm vì trách nhiệm đối với đồng đội đã ngã xuống. Không gặp được những người thân của đồng đội mà mình đã báo tin, phần vì không có thời gian, phần vì chỉ muốn lặng lẽ làm thôi”.

 

Những ngày đầu phải mò mẫm ghi chép từng người vào sổ, giờ  đây người con trai đã tặng cho ông một chiếc máy  ảnh, ông chỉ cần chụp ảnh các phần mộ  rồi về tập hợp lại.

 

Ông cho biết: “Có máy ảnh nên làm nhanh hơn, nhưng cũng có nhiều phần mộ tên bị mờ nhòe, có mộ chỉ ghi tên, không ghi họ, hoặc chỉ ghi địa chỉ xã, không huyện, hay ghi huyện, không ghi tỉnh, rồi viết tắt… nên vẫn phải ghi lại cẩn thận, rồi về “giải mã” sau”.

 

Ông còn mua thêm một chiếc kính lúp để “soi” cho rõ những dòng chữ đã bị phai mờ theo thời gian.

 

Đã nhiều lần thư ông gửi đi bị bưu điện trả lại. Đó là bởi địa chỉ ghi trên bia mộ không rõ ràng. Rút kinh nghiệm ông tra trong cuốn sách cũ mà giờ ông coi là một “báu vật”, trong đó có ghi tất cả các xã, huyện, tỉnh của cả nước. Nếu nhiều tỉnh có trùng tên huyện/xã thì gửi thư đến tất cả các tỉnh đó.
 
Gần 30 năm tìm anh, tìm đồng đội... - 3
Một trong nhiều khung treo các loại bằng khen, giấy khen trong căn nhà nhỏ của người cựu chiến binh nặng nghĩa tình.

 

Ông tâm sự: “Mỗi lần nhận được thư hồi âm hay điện thoại của người thân các liệt sĩ, tự nhiên thấy lòng mình nhiều cảm xúc lắm. Có những gia đình, khi tôi báo tin, thì họ đã tìm được phần mộ trước đó rồi nên chỉ cảm ơn. Nhưng có nhiều gia đình bấy lâu nay chưa tìm thấy, khi nhận được tin thì họ gọi điện cho tôi rồi xúc động, họ khóc… Tôi cũng nhiều lần khóc theo. Tôi vui vì đã góp phần nhỏ sức mình làm được điều gì đó tri ân đến các đồng đội, những người đã ngã xuống”.

 

Năm nay đã hơn 63 tuổi, ông Sính vẫn còn nhiều dự định trên hành trình đi tìm anh trai, đồng đội. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ông đã thực hiện gần 10 chuyến đi. Và sắp tới ông sẽ còn tiếp tục…

 

Ông nói: “Vẫn chưa thấy anh thì vẫn tìm nữa. Mình được cái may mắn hơn bao đồng đội khác là còn sống đến ngày nay. Ngày nào còn sống thì còn đi tìm anh, tìm đồng đội”.

 

Nguyễn Thành Chung