1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gần 200 học sinh trường Hà Nội - Amsterdam mệt mỏi bất thường

(Dân trí) - Trong hai ngày 27 và 28/3, gần 200 học sinh trường Hà Nội - Amsterdam có chung biểu hiện: Chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi. Nguyên nhân ban đầu được cho là do các em uống nước tại trường nên có thể bị ngộ độc. Trước đó, nước trong trường bị cặn bẩn và có mùi hôi tanh.

Nghỉ học do phản ứng dây chuyền?

 

Nhằm sáng tỏ sự việc, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Lê Trọng Tuấn, phó hiệu trưởng trường Hà Nội - Amsterdam, ông Tuấn xác nhận sự việc trên và cho biết cụ thể:

 

Sáng 28/3 có 10 học sinh lớp 7D xin phép nghỉ học để xuống khám tại trạm y tế với cùng một triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi. Đến ngày 29/3, thêm một số học sinh lớp 6C, 6D, 7C, 9A, 9D và lớp 10 nghỉ học với các triệu chứng như trên với tổng số hơn 190 em nghỉ học. Đây là những học sinh bán trú và không bán trú. Nhà trường có gọi điện hỏi một số phụ huynh thì được biết các cháu có hiện tượng mệt mỏi, sốt từ hôm trước nhưng do có bài kiểm tra nên hôm sau các cháu vẫn đi học…

 

Ngay sau đó, đoàn thanh tra bao gồm đại diện Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Bệnh viện Xanh-pôn... đã có buổi làm việc với đại diện nhà trường.

 

Sau buổi làm việc hành chính, bác sĩ Nguyễn Thị Y Nhi đã tổ chức khám lại cho 8 học sinh chọn ngẫu nhiên trong số các em đã nghỉ học trong ngày 29/3 và đã đưa ra kết luận: các hiện tượng trên không liên quan đến yếu tố dịch tễ học.

 

Tuy nhiên, hiện tượng gần 200 học sinh có cùng một biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buôn nôn… có thể là phản ứng tâm lý dây chuyền. Thầy Tuấn cũng khẳng định: cho đến thời điểm này, nhà trường chưa cho học sinh nghỉ học một buổi nào.

 

Chưa có kết luận chính thức

 

Về thông tin nước trong trường bị bẩn và có mùi hôi ông Tuấn giải trình: Lâu nay, nhà trường vẫn có 2 hệ thống nước do Công ty kinh doanh nước sạch quận Ba Đình cấp. Một hệ thống (có thêm bình lọc) dùng để nấu nướng và cung cấp nước uống phục vụ học sinh bán trú, đặt tại khu vực gần sân chơi. Nguồn nước còn lại dùng trong khu nhà khu vệ sinh.

 

Đầu năm 2007, Công ty kinh doanh nước sạch quận Ba Đình thông báo sẽ chuyển đổi hệ thống cung cấp nước ở khu vực nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do không được báo trước nên ngày 24/3 nhà trường vẫn tiến hành bơm nước và phát hiện có mùi hôi, nước đục. Sau đó, nhà trường đã ngừng khóa nguồn nước này và báo cho Công ty cung cấp nước nhưng đến thứ 3 (27/3), đại diện công ty mới đến và giải thích rõ nguyên nhân và khắc phục sự cố.

 

Cũng theo thầy Tuấn thì sau khi có sự việc trên, nhà trường đã thông báo cho học sinh không sử dụng nước qua hệ thống lọc trực tiếp (nguồn nước thứ hai) tại khu vực sân chơi mà chỉ sử dụng nước uống đóng bình đặt sẵn trong các lớp học. Nguồn nước qua hệ thống lọc bây giờ chỉ cung cấp cho bếp ăn bán trú.

 

Theo biên bản kiểm tra của đoàn thanh tra về hệ thống lọc nước của nhà trường: Khu vực bếp ăn tập thể không có giá kệ đựng dụng cụ,vẫn còn sử dụng một số dụng cụ bằng nhựa màu. Nhà trường chưa xuất trình được hồ sơ tiếp nhận nước uống đóng bình (CACIA) và chưa có xét nghiệm định kỳ mẫu nước (năm 2006, 2007); Không có phiếu xét nghiệm nước qua hệ thống lọc uống trực tiếp.

 

Theo đó đoàn đã lấy các mẫu nước ở bể chứa chưa xử lý; Nước bể chứa nhà C khu văn phòng;  Nước qua lọc uống ngay và nước trước khi lọc; Nước đóng bình...

 

Lý giải về việc cho đến thời điểm này, nhà trường vẫn cho học sinh dùng nước đóng bình ACACIA, thầy Tuấn cho biết: Nhà trường có hồ sơ công bố chất lượng của công ty trên. Do vậy, khi đoàn yêu cầu dừng sử dụng vì Sở Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nước đóng bình ACACIA thì nhà trường cũng đã yêu cầu. Phía công ty hứa sẽ cung cấp trong ngày 4/4.

 

Qua tìm hiểu phiếu trả kết quả xét nghiệm nước của nhà trường ngày 18/10/2006 do Trung tâm phát triển công nghệ cao (Viện Khao học Vật liệu) cung cấp, lại có sự mâu thuẫn: Chỉ tiêu Asen của mẫu nước ở mức 0,01 (tức là ở mức trần cho phép về tỷ lệ Asen trong đơn vị mg/l (0,01)). Tuy nhiên, trong phần kết luận lại ghi: Mẫu nước trên có chỉ tiêu Asen không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành theo quy định?!

 

Trước khi có kết luận về sinh hóa lý những mẫu trên, đoàn yêu cầu nhà trường ngừng sử dụng hệ thống nước uống qua lọc và nước đóng bình ACACIA đồng thời giao cho Trung tâm Y tế dự phòng quận phun thuốc khử trùng khu vực xung quanh trường và làm sạch hệ thống đường nước của nhà trường.

 

Những thắc mắc cũng như nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều học sinh đồng loạt cảm thấy mệt mỏi, buôn nôn chỉ có thể được lý giải khi Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố công bố kết quả xét nghiệm các mẫu được lấy trước đó.

 

Thầy Tuấn cũng khẳng định: Nhà trường chỉ cho phép học sinh sử dụng nguồn nước lọc trực tiếp trở lại khi có kết luận chính xác của cơ quan chức năng.

 

Đại diện Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình cho rằng: Nước do xí nghiệp cung cấp cho toàn bộ khu vực quận Ba Đình và một phần quận Đống Đa trong đó có trường Hà Nội - Amstecdam được lấy từ nhà máy nước Yên Phụ hoàn toàn đảm bảo về mặt hóa lý, vi sinh.

 

Tuy nhiên, qua trực quan khảo sát tại bể chứa nước của nhà trường thì thấy bể nước rất bẩn. Các thiết bị lọc nước của trường cũng chưa được kiểm định. Bởi vậy, Trung tâm Y tế dự phòng của Hà Nội đã đình chỉ việc sử dụng các thiết bị lọc nước và lấy mẫu nước về xét nghiệm.

 

Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Những mẫu nước của trường Hà Nội - Amstecdam đang được tiến hành xét nghiệm và sẽ có kết quả trong hai, ba hôm tới. Nếu dựa theo những triệu chứng lâm sàng thì việc các em học sinh ốm hàng loạt có thể nghĩ tới khả năng do thời tiết.

 

Phạm Thanh