1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Ngãi:

Gần 1.000 lao động hoang mang trước tin nhà máy đóng tàu Dung Quất có thể phá sản

(Dân trí) - Bộ Công Thương đề xuất xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS theo quy định của pháp luật. Nếu phương án này được thực hiện, gần 1.000 cán bộ, công nhân của nhà máy đóng tàu sẽ đi về đâu?

Mặc dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có nhiều nỗ lực nhằm cứu nhà máy đóng tàu Dung Quất, tuy nhiên hoạt động của nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến mất cân bằng tài chính và không có khả năng thanh toán nợ.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã đưa ra 3 phương án để xem xét xử lý đối với doanh nghiệp này. Trong đó, dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS theo quy định của pháp luật.

Mất việc bây giờ thì về đâu?


Hạng mục ụ tàu số 2 của DQS dang dở nhiều năm liền do làm ăn thua lỗ.

Hạng mục ụ tàu số 2 của DQS dang dở nhiều năm liền do làm ăn thua lỗ.


Nếu phương án phá sản DQS được thực hiện, 1.000 người lao động sẽ đi về đâu?

Nếu phương án phá sản DQS được thực hiện, 1.000 người lao động sẽ đi về đâu?

Dưới lòng ụ tàu khổng lồ đủ sức chứa những con tàu 1.000 tấn, hàng trăm công nhân nhà máy đóng tàu Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn cần mẫn làm việc để hoàn thành 3 con tàu đã được ký kết theo đúng tiến độ.

Có thể đây sẽ là 3 sản phẩm cuối cùng họ thực hiện tại đây trước khi số phận nhà máy đóng tàu Dung Quất được định đoạt.


Công nhân nhà máy đóng tàu Dung Quất nỗ lực hoàn thành 3 con tàu trước khi số phận nhà máy được định đoạt.

Công nhân nhà máy đóng tàu Dung Quất nỗ lực hoàn thành 3 con tàu trước khi số phận nhà máy được định đoạt.

Thông tin về việc nhà máy đóng tàu Dung Quất có thể phải tuyên bố phá sản khiến anh Trương Văn Chánh (37 tuổi, TP Quảng Ngãi) cũng như 1.000 cán bộ, công nhân của nhà máy lo lắng.

Suốt 13 năm gắn bó với nhà máy đóng tàu Dung Quất, anh Chánh là người trải qua hầu hết những cung bậc thăng trầm của doanh nghiệp này. Anh Chánh cười buồn: "Gắn bó với nơi này 13 năm rồi, giờ tuổi cũng đã lớn nên nhà máy mà phá sản thì biết đi về đâu. Cuộc sống sẽ ra sao khi mất việc ở đây?".


Gắn bó với nhà máy 13 năm qua, công nhân Trương Văn Chánh tỏ ra lo lắng khi nghe tin DQS phải phá sản.

Gắn bó với nhà máy 13 năm qua, công nhân Trương Văn Chánh tỏ ra lo lắng khi nghe tin DQS phải phá sản.

Hồi tưởng lại thời kỳ vàng son của DQS, anh Chánh kể, tầm 10 năm trước nhà máy như một "đại công trường" với hơn 1.500 cán bộ, công nhân làm việc hăng say. Mức thu nhập của người lao động cũng xứng đáng với công sức bỏ ra.

"Nhà mình ở trung tâm TP. Quảng Ngãi nên cứ 5h sáng là bắt đầu lên đường đến nhà máy, tối mịt mới về đến nhà. Tính ra phải mất 12 - 13 giờ mỗi ngày cho công việc. Tuy nhiên lúc đó mức lương gần 10 triệu đồng nên cuộc sống rất khá. Còn giờ thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng mà công việc lúc có, lúc không", anh Chánh buồn rầu.

Theo anh Chánh, mấy tháng qua anh em công nhân ai cũng lo lắng trước những thông tin báo chí phản ánh về việc nhà máy có thể phải tuyên bố phá sản vì lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Vì vậy, một số công nhân thu nhập thấp, không có công việc thường xuyên đã xin nghỉ kiếm việc khác. Riêng những người ở lại như anh Chánh luôn mong muốn DQS hồi sinh.

"Mình làm ở đây nhưng cũng phải kiếm việc làm thêm mới đủ lo cho gia đình với 2 con nhỏ. Dù lương thấp, công việc sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng thật lòng ai cũng muốn gắn bó với nơi này. Chỉ mong nhà máy thoát khỏi khó khăn để anh em tiếp tục làm việc. Còn nếu nhà máy phá sản thì cũng chịu thôi nhưng gắn bó 13 năm rồi giờ ra đi cũng chẳng biết đi về đâu", anh Chánh chia sẻ.

Trong số gần 1.000 cán bộ, công nhân còn bám trụ tại DQS, rất nhiều người trong số đó là con em của những gia đình từng nhường đất đai, nhà cửa để xây dựng KKT Dung Quất nói chung và nhà máy đóng tàu Dung Quất nói riêng. Vậy nên, thông tin "con tàu" DQS sắp "chìm" khiến ai cũng cảm thấy tiếc nuối.

32 tuổi với thâm niên 11 năm làm tại bộ phận vận hành ụ tàu số 1, anh Nguyễn Công Tính (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) ngập ngừng khi nói về tương lai.

Là người con của quê hương Bình Sơn, anh Tính cảm nhận rõ nhất sự "mất mát" một khi DQS phải tuyên bố phá sản. Điều đó đồng nghĩa với việc anh Tính mất đi công việc nuôi sống gia đình suốt 11 năm qua, mất đi cơ hội để gắn bó với mảnh đất quê hương.

"Đất sản xuất cũng không còn, mà có làm nghề nông thì ở đây cũng đâu đủ sống. Nhà máy mà phá sản thì mấy anh em trong tổ rủ nhau đi xa để tìm việc. Ai cũng buồn và lo cho tương lai", anh Tính chia sẻ.

Sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi người lao động

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Tấn Thành - Chủ tịch Công đoàn công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, cho biết: thông tin nhà máy đóng tàu Dung Quất phải phá sản khiến cán bộ, người lao động rất lo lắng. Tuy vậy, đến thời điểm này mọi người vẫn nỗ lực làm việc để hoàn thiện 3 con tàu đã ký kết hợp đồng để kịp bàn giao vào cuối năm nay.

Theo ông Thành, vẫn chưa có thông tin chính thức về phương án xử lý đối với nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhưng nếu buộc phải phá sản thì nhà máy sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định.

Hiện các chế độ lương và bảo hiểm của cán bộ, công nhân vẫn được đơn vị thực hiện đầy đủ. Cái khó nhất hiện nay là 1.000 người lao động của công ty sẽ đi về đâu sau khi DQS tuyên bố phá sản?

"Người lao động đã gắn bó với nhà máy ít cũng phải 7 - 8 năm, nhiều người 12 - 13 năm. Phần lớn trong số đó không còn trẻ nên sẽ rất khó để đi xin việc lại vì các doanh nghiệp hiện nay đều mong muốn tuyển lao động trẻ. Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với người lao động nếu nhà máy đóng tàu Dung Quất buộc phải phá sản", ông Thành trăn trở.

Như Dân trí đưa tin trước đó, mặc dù PVN đã có nhiều nỗ lực nhằm cứu Nhà máy đóng tàu Dung Quất nhưng hiện công ty này vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay.

Sau khi được bàn giao từ Vinashin về PVN đến nay, PVN đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.

Trong một báo cáo của Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm ngoái cho biết, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS.

Hà Xuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm