Gần 1.000 dân di dời khẩn cấp: Xây bếp ở tạm để tránh lũ
(Dân trí) - Sáng 11/7, UBND tỉnh Kon Tum cùng chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Đrinh đã tổ chức họp báo về các vấn đề liên quan đến việc di dân tái định cư, định canh cho 217 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu nằm trong vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ban đầu liên doanh của Công ty cổ phần thuỷ điện Đăk Đrinh trong quá trình làm việc, các cổ đông đã không tìm được tiếng nói chung nên triển khai việc xây khu tái định cư chậm, cho đến năm 2010 khi Tập đoàn Dầu khí nắm quyền chi phối với 93% số vốn thì mọi việc mới được triển khai thuận lợi, đồng thời bố trí được nguồn vốn.
Đại diện UBND huyện Kon Plông và chủ đầu tư đều khẳng định sẽ nhanh chóng đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân khi di chuyển lên nơi ở mới, biện pháp trước mắt là hỗ trợ 30 kg gạo/người/tháng cùng chất đốt, vật nuôi, giống cây trồng theo quy hoạch của địa phương, trong thời gian 48 tháng liên tiếp.
Hiện tại có 3/4 khu tái định cư đã kéo được nước tự chảy về cho bà con sinh hoạt, riêng 1 với khoảng hơn 30 hộ dân chưa có nước sinh hoạt huyện Kon Plông sẽ cung cấp 20 bồn inox (loại 1.000 lít) để bà con có nước sinh hoạt.
Về điện sinh hoạt đã kéo đường trục chính, hiện nay đang triển khai kéo điện vào từng hộ dân khi về ở tạm. Riêng về đường tránh ngập, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành thông tuyến trong 10 ngày tới, nếu gặp tình huống xấu khi xảy ra mưa lũ, đơn vị thi công phải bố trí người, phương tiện 24/24 giờ để xử lý các tình huống khẩn cấp…tại khu tái định cư.
Trước mắt để bố trí ăn ở cho bà con, các nhà thầu đang tập trung xây dựng các nhà bếp (rộng 20 mét vuông/mỗi căn) để giúp dân có chỗ ở tạm, các nhà cũ khi dời lên sẽ dựng ngay cạnh nhà bếp này. Tại khu tái định cư mỗi hộ dân sẽ được cấp nhà mới với diện tích 60m2 với hộ có 5 khẩu và 80m2 với 6 khẩu trở lên. Dự kiến việc dời người dân và nhà tạm sẽ hoàn thành trước ngày 31/7.
Công trình thủy điện Đăk Đring do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đring, làm chủ đầu tư với công suất 125MW. Công trình được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 5.000 tỷ đồng (trong đó Tổng công ty Điện lực dầu khí góp hơn 90% vốn). Theo dự kiến ngày 31/8 công trình tích nước và đến cuối tháng 9 sẽ phát điện. Tuy nhiên, đến nay công tác di dân, tái định canh, định cư cho gần 1.000 nhân khẩu của 217 hộ dân nằm trong lòng hồ thủy điện thuộc 7/10 làng của xã Đăk Nên, thuộc huyện Kon Plông nằm trong khu vực lòng hồ mới tiến hành di dời từ ngày 8/7.
Hoàng Thanh