1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông:

“Game online “cũng tốt” nếu chơi vừa đủ”

(Dân trí) - Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp vướng không ít câu hỏi khó. Quản lý internet, game online, thuê bao di động trả trước đều là những vấn đề đang rất cần Bộ giải quyết.

Quản lý Game online, cần vai trò của gia đình và nhà trường

Vấn đề nóng nhất phiên chất vấn Bộ trưởng Lê Doãn Hợp là thực trạng quản lý Internet và Game online. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào “phản ứng” với giải pháp kêu gọi vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội... đưa ra trong báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông. Ông Đào đòi hỏi các biện pháp về mặt kỹ thuật, hành chính của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực của Game online. “Nói gia đình, xã hội vào cuộc nhưng vào cách nào khi mà kỹ thuật thì Bộ nắm?” - đại biểu đặt câu hỏi.
 
Ông Hợp cho rằng, những trò chơi game tại gia đình phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp trẻ rèn phản xạ nhanh và bồi dưỡng trí não, sự sáng tạo; tiếp cận thông tin văn hóa xã hội rộng... Tuy nhiên, 2 biểu hiện tiêu cực cũng được ông Hợp thừa nhận, đó là Game online quá hấp dẫn khiến nhiều trẻ không làm chủ được thời gian, ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt, sa đà trong thế giới ảo. Trò chơi cũng tạo ra nhiều dịch vụ tác hại khác như khiêu dâm, bạo lực…
 
“Game online “cũng tốt” nếu chơi vừa đủ” - 1

“Cái gì cũng có 2 mặt. Nếu mỗi ngày các cháu chơi 1-2h là rất tốt nhưng nếu quá thì là vấn đề. Gia đình phải có sự kiểm soát thời gian của con em. Nếu gia đình không làm được việc này thì rất khó” - ông Hợp nói.

Đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị người đứng đầu ngành Thông tin - Truyền thông đưa ra các giải pháp cụ thể để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của trò chơi này. “Bộ Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa ban hành thông tư 60 từ năm 2006 để quản lý Game online và hiện đang soạn thảo văn bản mới để thay thế thông tư này”, ông Hợp trả lời.

Ngành thông tin - truyền thông “làm ăn”...  rất khá

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nêu con số năm 2008 doanh thu của ngành viễn thông là 95.000 tỷ đồng (bằng 4% GDP), trong đó lĩnh vực thông tin di động là 60.000 tỷ. Ông Đào đặt câu hỏi: Bộ chủ quản đã chi khoản đầu tư ngân sách bao nhiêu để thu được con số 4% GPD ấy?

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tự hào “khoe”, nhà nước chỉ đầu tư ban đầu thiết bị cho các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động. Tất cả hiệu quả tạo được là do các doanh nghiệp viễn thông làm ra. Bộ trưởng khẳng định, viễn thông là một ngành phát triển mạnh, đóng góp khá cho ngân sách nhà nước. “Năm 2008, ngành thông tin truyền thông đã đem về cho ngân sách hơn 16.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD”, ông Hợp cung cấp thông tin. 

Đại biểu Lê Danh Liêm thì yêu cầu cho biết tỷ lệ thu cho ngân sách từ việc kinh doanh các kênh truyền hình có trả tiền. Bộ trưởng Hợp cho biết, mỗi kênh truyền hình có thu tiền thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Các đài truyền hình, theo ông Hợp cũng “nộp ngân sách rất khá”, như VTV mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng, Truyền hình TPHCM cũng gần 3.000 tỷ đồng…

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) băn khoăn về tính khả thi của phương án quản lý thuê bao di động trả trước đang gây tranh cãi hiện nay, đó là mỗi chứng minh thư nhân dân thì được mua tối đa 3 sim của một mạng di động.

Bộ trưởng Hợp thừa nhận quản lý thuê bao trả trước là vấn đề “đau đầu” của Bộ. “Hạn chế mua nhiều sim quả thật cũng không khả thi. Công tác quản lý so với mong muốn đúng là chưa đạt. Nếu hiệu quả chưa tốt thì chúng tôi xin nhận để khắc phục”, ông Hợp nói.

P.Thảo