1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ga Hà Nội xoá cảnh bắt khách đội mưa, dãi nắng

(Dân trí) - Với việc khánh thành công trình ke ga, mái che hơn 65 tỷ đồng sáng nay (19/10), ga Hà Nội như được khoác thêm “áo mới” làm thay đổi diện mạo. Từ nay, hành khách sẽ không còn phải đội mưa đội nắng và nơp nướp lo mất an toàn vì tàu đến, tàu đi.

Ga Hà Nội thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là ga hành khách lớn nhất cả nước, là ga đầu mối các tuyến đường sắt khu vực phía Bắc, mỗi năm ga Hà Nội đón tiếp khoảng 4 triệu lượt hành khách. Mặc dù đã được đầu tư nhưng công tác đón tiễn hành khách lên xuống tàu tại ga Hà Nội vẫn chưa được thuận lợi và chưa được an toàn.

Thực tế, hệ thống ke ga phục vụ hành khách thấp đã gây ra nhiều khó khăn cho hành khách khi lên xuống, chưa có mái che kết nối hoàn toàn từ cửa phòng đợi tàu đến cửa toa xe gây bất lợi cho hành khách khi thời tiết thay đổi, hành khách thường phải đội nắng đội mưa để đi từ nha ga ra các toa xe và lên/xuống tàu.

Xuất phát từ yêu cầu dịch vụ ngày càng cao phục vụ hành khách đi tàu, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo của cải tạo hệ thống ke ga, mái ché khu vực ga Hà Nội, sơn, sửa, chỉnh trang sạch sẽ khu vực nội ngoại thất để tương xứng với một nhà ga lớn nằm giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại buổi khánh thành công trình ke ga, mái che tại ga Hà Nội.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại buổi khánh thành công trình ke ga, mái che tại ga Hà Nội.

Với tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng, công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ke ga hành khách Hà Nội (giai đoạn 1) đã hoàn thành sau 3 tháng thi công. Toàn hệ thống ke ga, mái che tại ga Hà Nội được đưa vào khai thác và phục vụ hành khách kể từ ngày hôm nay (19/10) như khoác thêm chiếc “áo mới” cho gà Hà Nội, làm thay đổi diện mạo cũ kỹ lâu nay và tạo ra một không khí mới, dịch vụ mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hành khách đi tàu.

Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận nỗ lực đổi mới của ga Hà Nội nói riêng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nói chung. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, giá trị công trình tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn khi thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành đường sắt, nằm trong tổng thể các giải pháp trước mắt và lâu dài để đổi mới ngành đường sắt.

“Đây là công trình rất thiết thực phục vụ tốt hơn nhu cầu đi tàu của hành khách, làm hành khách đi tàu cảm nhận được sự thay đổi của ngành và cảm thấy hài lòng hơn trước. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của hành khách thì đây chỉ là sự đổi mới rất nhỏ. Vậy nên ngành đường sắt cần phải nỗ lực hơn nữa để đổi mới toàn diện. Ngành đường sắt phải thay đổi tư duy trước đây là lấy tiền ngân sách để đổi lấy hạ tầng sang tư duy tân tiến là dùng hạ tầng nuôi hạ tầng thì mới phát triển được” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, với đường sắt thì an toàn và đúng giờ là yêu cầu số 1. Trước đây người đi tàu phải khổ sở với cung cách phục vụ kiểu “qua sông phải lụy đò”, nhưng nay hành khách có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình. Vậy nên ngành đường sắt phải phục vụ tốt hơn và không để người dân có suy nghĩ buộc phải đi tàu mà là được đi tàu, làm sao để mỗi chuyến tàu là một hành trình vui, là một trải nghiệm thú vị đối với hành khách.

Châu Như Quỳnh