Ga Hà Nội sẽ thế nào sau khi di dời hạ tầng đường sắt?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Sau khi di dời hạ tầng đường sắt quốc gia, ga Hà Nội sẽ trở thành trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội đang lên phương án di dời tạm thời hạ tầng ga Hà Nội về ga Thường Tín để làm tổ hợp ga Ngọc Hồi và ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; phân định trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Ga Hà Nội sẽ thế nào sau khi di dời hạ tầng đường sắt? - 1

Hình ảnh ga Hà Nội hiện tại (Ảnh: N.T).

Trong đó, Bộ GTVT sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập tàu (có nhiệm vụ chủ yếu là lập các đoàn tàu để gửi đi và giải tỏa các đoàn tàu đến) của đường sắt quốc gia. UBND TP Hà Nội đầu tư các hạng mục khu depot thuộc Dự án đường sắt đô thị (metro) Yên Viên - Ngọc Hồi.

Thời gian tới, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan sẽ phối hợp, chỉ đạo di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như các ga Hà Nội, Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội thực hiện Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi.

Theo kế hoạch, trong thời gian thực hiện dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi, toàn bộ cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như các ga Hà Nội, Giáp Bát sẽ được di dời tạm thời về ga Thường Tín; cách ga Hà Nội khoảng 20km, nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường sắt quốc gia không xuyên tâm qua ga Hà Nội như hiện tại. Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội thể hiện, sau khi di dời hạ tầng đường sắt quốc gia, ga Hà Nội có diện tích dự kiến khoảng 15ha chỉ lập tàu khách và là ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.

Tổ hợp ga Ngọc Hồi nằm cách ga Hà Nội khoảng 13km, có diện tích khoảng 150ha, là nhà ga lớn nhất Việt Nam, được Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết từ năm 2014. Tàu khách tuyến quốc gia sẽ dừng ở ga này để giảm ách tắc cho nội đô thay vì dừng ở ga Hà Nội như hiện nay.

Tổ hợp ga Ngọc Hồi có chức năng chính là ga khách, ga hàng hóa, xí nghiệp tàu đô thị, xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp toa xe khách, xí nghiệp duy tu bảo dưỡng hạ tầng đường sắt, trạm điện.

Ga này cũng được thiết kế là khu vực trung tâm phục vụ khách đi tàu quốc gia và đường sắt đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc cho toàn bộ tổ hợp ga. Quảng trường trước ga đảm bảo được yếu tố không gian kiến trúc và chức năng giao thông, kết nối với giao thông trong khu vực. Riêng khu vực văn phòng làm việc của các xí nghiệp được thiết kế 3 - 5 tầng.

Trong khi đó, Dự án metro số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, đến năm 2017 được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 80.000 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.280 tỷ đồng thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật của dự án và giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước và chi phí khác.

Được biết, hiện tổ hợp ga Ngọc Hồi đã thu hồi được khoảng 120ha, diện tích còn lại đang còn vướng thủ tục xác định quy mô metro, đường sắt quốc gia.