1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

EVN trình đề án tăng giá điện

(Dân trí) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Bộ Công Thương đề án “Giá điện theo cơ chế thị trường” dự kiến thực hiện từ 1/1/2009. Theo đó, có hai phương án tăng giá điện sinh hoạt được đề xuất, và giá bán điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5%.

Hỗ trợ chênh lệch giá cho người nghèo sử dụng dưới 50kWh

Theo EVN, giá điện được xác lập trên cơ sở nhằm bù đắp các chi phí vận hành cũng như đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý cho ngành điện lực. Trong đề án trình Bộ Công thương, EVN đã đưa ra hai phương án tăng giá bán điện cho sinh hoạt.

Phương án 1: Bao gồm 6 nấc thang như hiện nay, dự kiến tăng bình quân mỗi nấc thang là 16% so với giá hiện hành, riêng nấc thang đầu tiên với 100 kWh đầu tăng 36% so với hiện hành.

Phương án 2: Chia đôi nấc thang đầu tiên, mỗi nấc thang 50 kWh thành 7 nấc thang. Trong đó nấc thang 1 tăng 27%, nấc thang 2 tăng 63%, các nấc thang còn lại tăng 12% so với hiện hành.

Đối với giá điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5% so với giá hiện hành. Giá bán điện cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dự kiến tăng bình quân 16%. Giá điện cho đối tượng kinh doanh dịch vụ dự kiến tăng 16% so với hiện hành.

Việc hỗ trợ mức chênh lệch giá điện so với hiện nay sẽ được áp dụng cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội cho mỗi hộ sử dụng 50 kWh/tháng trở xuống. Nhưng nếu cộng ba tháng liên tiếp mà bình quân mỗi tháng dưới 50kWh, sẽ được hỗ trợ cả ba tháng. Ước tính, hiện có hơn 2,3 triệu hộ sử dụng điện dưới 50kWh/tháng.

Tự động điều chỉnh giá

EVN kiến nghị Thủ tướng phê duyệt cơ chế điều chỉnh giá tự động khi các yếu tố đầu vào thay đổi theo mức tăng giá nhiên liệu, giá mua điện, mức lạm phát và chênh lệch tỷ giá.

Cứ 6 tháng một lần, EVN đề xuất giá bán điện lên Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh giá điện biến động theo các yếu tố đầu vào hình thành giá, nếu tăng sẽ tăng theo và ngược lại.

Đối với mức tăng giá điện đã đề xuất như trên, trường hợp sau khi trình một tháng, Bộ Công thương không có ý kiến gì coi như đồng ý và EVN được phép thi hành, áp dụng từ 1/1/2009 trên cơ sở biểu giá bán điện của Chính phủ.

EVN cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương ban hành giá bán lẻ điện sinh hoạt thống nhất toàn quốc năm 2010, khung bán lẻ điện năm 2011, 2012. Và từ năm 2011 trở đi, thực hiện giá theo vùng, các công ty điện lực tự định giá trong khung do Bộ Công thương ban hành.

Theo tính toán của EVN, giá bán điện dự kiến tăng bình quân các năm như sau: năm 2009 sẽ là 1.017 đồng/kWh; năm 2010 và 2011 là 1.088 đồng/kWh, và năm 2012 là 1.146 đồng/kWh.

 

Trong đó, sở dĩ giá năm 2011 không thay đổi nhiều so với năm 2010 là do có một số nguồn thủy điện mới vào như: Sơn La, Bản Chát, Nậm Chiến, Cửa Đạt, Đồng Nai 4… làm tăng đáng kể sản lượng năm 2010.

Lan Hương