1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

“Dứt khoát cấm hàng rong ở những phố lớn”

(Dân trí) - Mọi kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, kể cả bán hàng rong, rửa xe máy... sẽ phải thôi hoạt động để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Những bãi giữ xe máy, ô tô tuy chưa thể “xóa” ngay nhưng cũng không thể choán toàn bộ vỉa hè.

>> “Quy hoạch lại chứ đừng cấm hàng rong!”

 

>> Cấm hàng rong: “Bỏ đói” những nhu cầu bình dân

 

>>

 

Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về chủ trương cấm bán hàng rong, cấm kinh doanh trên vỉa hè của thành phố, thông qua việc sửa đổi quyết định 227, hiện là vấn đề được dư luận quan tâm.

 

Phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ

 

Xin ông cho biết tinh thần của thành phố trong việc sửa quyết định 227 về quản lí vỉa hè, đường phố?

 

Quan điểm của thành phố lần này là mọi kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, kể cả bán hàng rong, rửa xe máy... sẽ phải thôi hoạt động để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Còn bãi giữ xe máy, ô tô do chưa có đủ bãi đỗ xe tĩnh nên nếu nghiêm cấm sẽ rất khó, nhưng sẽ có quy hoạch chi tiết từng đoạn phố để đảm bảo vẫn có chỗ trông giữ xe mà người đi bộ vẫn có vỉa hè để đi.

 

Chủ trương cấm bán hàng rong của thành phố vừa qua đã là chủ đề khá nóng của dư luận. Là Chủ tịch UBND thành phố, ông có thể nói gì về vấn đề này?

 

Thực ra, phải có cầu mới có cung, mới có sự tồn tại của hàng rong; nhưng hiện nay, vẫn không qui định điểm bán cho người bán hàng rong nên người ta buộc phải gánh rong đi bán.

 

Trong cuộc họp Thành uỷ vừa qua, cũng đã có ý kiến cho rằng để thực thi việc cấm hàng rong cần thiết phải có qui định mở ra những điểm chợ cóc. Những điểm này sẽ qui tụ những hàng rong, để hoạt động này có trật tự.

 

Tất nhiên, phải qui định các điểm này ở những nơi không làm mất cảnh quan đô thị. Cụ thể, phải đặt ở những ngõ, phố không tên để cho bà con vào đó, bán và mua. Còn những đường phố chính, đường phố văn minh đô thị, đường phố lớn, dứt khoát nghiêm cấm bán hàng rong.

 

Với các xe thồ, xe đẩy đi dọc đường, dọc phố đợt này thành phố cũng phải cho thôi hoạt động vì thực ra việc bán này có cầu không lớn. Giả sử không có kiểu cung này, người dân cũng có thể đi bộ mấy chục mét hoặc đi bộ bao nhiêu đó đến cửa hàng, cửa hiệu để mua.

Thực hiện những biện pháp trên cũng phải kết hợp với các biện pháp hành chính, kết hợp giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân để mọi người chịu khó đi bộ đến nơi mua hàng - những mặt hàng nhỏ.

Nhưng nếu cứ đẩy bán hàng rong vào những ngõ, phố không tên, liệu có dẫn đến sự quá tải, nhếch nhác ở các ngõ, phố này không?

Đó cũng là một vấn đề. Không phải chúng ta chỉ đẩy hàng rong vào những ngõ, phố đó mà phải tìm những góc, những quỹ đất để chúng ta có thể tạo thành các chợ cóc. Mà hiện nay chợ cóc cũng chỉ xuất hiện ở trong chính những phố đó thôi, không phải ở những phố chính.

Không so sánh với vỉa hè của các nước được

Có ý kiến cho rằng, nếu cấm hàng rong sẽ làm mất đi một nét văn hoá kinh kỳ?

Ta bảo tồn những gì truyền thống, những nét đẹp, đồng thời phải mang lại được hiệu quả về kinh tế, xã hội và phải đáp ứng được thẩm mỹ. Ở đây không có nghĩa những cái bảo thủ, lạc hậu chúng ta phải giữ lại.

 

“Dứt khoát cấm hàng rong ở những phố lớn” - 1
 

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chia

 sẻ quan điểm về việc cấm hàng rong.

 

Sau này ta tiến tới những điều kiện tốt, ví dụ các phố cổ (36 phố phường) chỉ là những phố đi bộ thì hình ảnh hàng rong có thể để lại. Còn bây giờ, kinh doanh buôn bán bằng gồng gánh đi trên đường phố mà mật độ giao thông quá tải như thế sẽ cản trở giao thông.

Tôi đã chứng kiến buổi sáng, người bán hàng rong phải để quang gánh lên xe đạp, đến điểm bán rong mới hạ xuống, gửi xe và gánh đi bán. Hình ảnh đó chắc chắn chúng ta không nên bảo tồn.
 
Giải quyết vấn đề việc làm đối với người lao động sau cấm hàng rong là rất phức tạp, thưa ông?

Nếu chỉ nghĩ đơn thuần về hành chính, về đô thị thì việc quyết định cấm hàng rong sẽ dễ, nhưng đây là cả một vấn đề xã hội mà chúng ta lại là Thủ đô của cả nước.

Trước kia, chúng ta đã có những biện pháp dài hạn như đầu tư những nhà máy, xí nghiệp bên ngoài để thu hút người lao động vào. Giải pháp này về mặt lý thuyết là rất dễ, nhưng để thực hiện không đơn giản bởi vào nhà máy phải có nghề nghiệp, phải được đào tạo.

Giờ đây, đồng thời phát triển công nghệ cao vẫn phải phát triển những ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Nhưng cũng không có nghĩa là tất cả mọi nơi đều như thế được. Như Hà Nội chẳng hạn, bây giờ xây dựng nhà máy để giải quyết việc làm cho người lao động cho các tỉnh khác thì về đất đai cũng khó khăn. Chúng ta đều biết, công nghiệp này chiếm đất rất nhiều, khác hẳn với công nghệ cao.

Chúng ta cần cùng các tỉnh thành quy hoạch mở rộng và phát triển các khu công nghiệp giải quyết việc làm nhiều cho người lao động, lúc đó sẽ giữ chân được những người lao động ở nơi đó lại. Nhưng cũng phải xét đến khía cạnh, nhiều người bán hàng rong không còn ở độ tuổi lao động tuyển vào những nhà máy công nghiệp được nữa. Đó là khó khăn, bất cập trong giải quyết vấn đề.

Để thực thi việc cấm, thành phố sẽ phải có một lộ trình?

Chắc chắn như vậy. Trong sửa đổi 227 lần này qui định chung thôi. Tiếp đó sẽ giao cho các ngành, các quận huyện nghiên cứu và đề xuất một lộ trình để trước khi thực hiện có một thời gian chuẩn bị. Bản thân những người bán hàng rong chủ yếu ở ngoại ô vào nên họ cũng phải chuẩn bị một điều kiện, tinh thần trước khi thực hiện.

Trở lại với việc cấm kinh doanh trên vỉa hè. Những thủ đô rất lớn trên thế giới như Paris, New york, Tokyo... họ vẫn duy trì những quầy bán báo, bán cà phê, bán đồ ăn nhanh và đó chính là một hình thức của kinh tế dân sinh?

Nhưng người ta quy định có nơi có chốn. Phần lớn những điểm này nằm ở những phố đi bộ hoặc những phố không có mật độ giao thông lớn. Thứ hai, chỉ ở những nơi có khoảng hè rất rộng lớn họ mới cho phép kinh doanh như vậy. Hè của họ rộng tới 80m, trong khi hè của ta nếu cho phép kinh doanh, có những nơi sẽ không còn chỗ để đi.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường