Không chỉ những người trực tiếp bán mình cho đá phải đối mặt với cái chết ở khu khai thác Hồng Lĩnh, hàng trăm hộ dân ở đây cũng đang “sống dở, chết dở” vì đủ thứ bệnh tật, vì ô nhiễm bụi đá và vì cuộc sống quá bất ổn.
Những tiếng kêu cứu vô vọng…
Tình cờ gặp chị Đặng Thị Hà, một phu đá đang làm việc tại HTX Tân Hồng - nơi Dân trí phản ánh hàng trăm con người đang đối mặt với cái chết - chị khẩn thiết nhờ chúng tôi lên tiếng bởi cuộc sống của cả trăm hộ gia đình ở xóm 6 xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân) và khối 8 (xã Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) chịu cảnh khốn đốn suốt nhiều năm qua vì hệ lụy của nổ mìn phá đá. “Chắc ít có nơi nào khổ như ở đây. Cuộc sống bị bủa vây bởi khói đá, mùi thuốc mìn, nhà cửa nứt nẻ, hư hỏng như thời chiến tranh, bom đạn”, chị Hà buồn bã bảo.
Anh Hiếu với lỗ thủng do đá xán từ khu mỏ đá của Doanh nghiệp Trường Lâm (ảnh: Văn Dũng)
Nhìn ngôi nhà cấp 4 của chị Hà, đâu cũng thấy hệ lụy đáng sợ từ khu khai thác đá nằm cách nhà chỉ vài chục bước chân. Cây cối quanh vườn cằn cỗi, xác xơ, lá phủ một màu trắng của bụi đá. Những bức tường nứt nẻ do đất rung khi mìn nổ. Mái nhà loang lổ, ngói mới chen ngói cũ vì phải lợp lại do nạn đá rơi. Lúc tôi đến, cháu Đặng Thị Ngọc, con đầu của vợ chồng chị Hà mở cửa ló ra ngoài, bảo: Chú vào ngay để cháu đóng cửa kẻo bụi!.
Ngay cạnh nhà chị Hà là nhà vợ chồng anh Bùi Văn Hiếu. Nghe nhắc đến chuyện mìn và đá, anh Hiếu buồn bã chỉ tập lá đơn kêu cứu dày cộp rồi thở dài cho biết, cứ như con kiến kiện củ khoai. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà, anh Hiếu đưa tay chỉ những chứng tích còn lại sau những trận mưa đá ập xuống nhà anh mỗi khi mìn nổ. Mái nhà lợp bằng phi-brô xing măng còn nguyên một lỗ thủng đút lọt cả một thanh gỗ lớn. Chiếc bàn đặt máy vi tính của đứa con lớn cũng vướng nạn đá rơi, thủng một lỗ. “May mà hôm ấy đứa con trai đầu vừa rời khỏi bàn vi tính, nếu không đá đã lấy mạng của nó rồi”, anh Hiếu run run nhắc lại.
Những lá đơn cầu cứu trong vô vọng của anh Hiếu (ảnh: Văn Dũng)
Chỉ mới đây thôi, hôm 16/6, nhà anh Hiếu cũng suýt bị đá san phẳng. Anh Hiếu kể, do kỹ thuật yếu và liều lượng thuốc quá mức cho phéo nên khi mìn nổ, đá bay khắp nơi khiến nhà anh bị hư hỏng nhiều chỗ. Anh Hiếu mời chính quyền đến lập biên bản và gửi đơn tới cơ quan chức năng của huyện Nghi Xuân và Hồng Lĩnh nhưng không không hiểu vì sao mọi việc đều rơi vào im lặng.
Đứt bữa vì mìn
Nghe lời anh Hiếu, chị Hà, tôi quyết nán lại tới cuối giờ chiều để tận mắt chứng kiến cảnh tượng rùng rợn từ các bãi mìn phá đá gây ra.
Chị Hà dẫn tôi đứng khuất sau bức tường nhà và chỉ cho tôi khu vực đặt mìn. Khi cánh tay chị vừa giơ lên, chưa kịp nói hết câu bỗng một một tiếng nổ chát chúa vang lên. Nền đất rung bần bật, mái tôn phía trước nhà rung chuyển lách cách. Chị Hà nói như gào khi tiếng vọng của mìn chưa dứt: “nhiều hôm mìn như muốn hất tung cả ngôi nhà lên khỏi mặt đất. Khủng khiếp lắm”.
Chị Hà chỉ tay bãi đổ mìn của mỏ đá nằm ngay vách sau nhà (ảnh: Văn Dũng)
Tôi thật sự sửng sốt với những gì diễn ra ngay sau đó. Cả một khu rừng xanh bỗng chốc chìm ngỉm trong làn khói đá. Nhà chị Hà anh Hiếu cũng nhanh chóng bị bao phủ một lớp “sương” dày đặc. Khói đá, mùi thuốc mìn bốc khét lẹt. Không chịu được, tôi phải cởi phăng chiếc áo đang mặc, quấn ngang mặt thay khẩu trang. “Nhiều khi mìn nổ, đất đá rơi rào rào, khói bụi bao quanh, đành bỏ dở bữa cơm vì không nhai nổi”, chị Hà ta thán.
Nhìn hai đứa con thơ, chị Hà tâm sự: “Những lúc như thế trông con mà thương đứt ruột. Vợ chồng tôi sợ môi trường ở đây sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của của các cháu sau này”.
(Còn tiếp)
Văn Dũng - Minh San