1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi kinh hoàng dưới chân núi Hồng (kỳ 1):

Những cái chết đã được báo trước

(Dân trí) - Treo mình vào mỏm đá trên độ cao hơn trăm mét, gã thợ cầm chiếc khoan dí thẳng vào mỏm đá gồ ghề. Tiếng khoan đanh đến nhói tai, mũi khoan tóe lửa nổ lách chách. Trong chốc lát, những phiến đá lớn đổ ầm ầm, như muốn xé nát những con người phía dưới.

Dưới chân núi Hồng Lam, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh ấy, hàng trăm thân phận đủ mọi lứa tuổi tính mạng “leo lắt” dưới những ràm đá dựng đứng đến rợn người.

Hồn treo vách đá

 

TX Hồng Lĩnh 3h chiều một ngày đầu tháng 8. Nắng không còn như muốn thiêu sống những cánh rừng trồng ở dãy Lam Hồng, như trước đó ít ngày. Đường 8B rộng bằng phân nửa Quốc lộ 1A nối xã Đậu Liêu đi huyện Nghi Xuân chật cứng đủ chủng loại xe chất đầy đá cát. Người dân Hồng Lĩnh quen gọi những chuyến xe ấy là “tru (trâu) điên”, bởi chúng đua nhau giành đường, vượt ẩu, rơ moóc chở đất, đá vương vãi chắn cả đường đi.

 

Tôi khổ sở vì bụi đá, vì những cái bẫy chết người chắn trên đường, bám theo đoàn “tru điên” đến những khu mỏ đá, nơi cả ngàn con người đang bám đá mưu sinh.
 
Những cái chết đã được báo trước - 1

Đoàn "tru điên" nối đuôi nhau chạy rầm rập suốt ngày đêm

 

Từng có mặt tại hiện trường chết chóc sau thảm hoạ sập núi đá ở đại công trường thuỷ điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) vào tháng 12, rồi Rú Mốc (Thạch Hà, Hà Tĩnh), nhưng tôi vẫn không khỏi rùng mình trước những gì đang diễn ra ở mỏ đá của HTX Tân Hồng.

 

Sau nhiều năm khai thác, cả một quả đồi đá rộng lớn giờ đã loang lổ, vách đá dựng đứng cao bằng toà nhà cỡ vài chục tầng.

 

“Chào đón” chúng tôi là đủ thứ âm thanh: tiếng máy nổ, còi xe, tiếng người và tiếng ầm ầm của những khối đá bằng cả chiếc xe công nông rơi từ trên đỉnh núi xuống. Sau mỗi lần đá rơi, bụi đá toả đặc hơn sương cả một khu vực rộng lớn; những con người xám bạc vì bụi đá, khạc, nhổ tứ tung vì hăng, vì rát.

 

Tôi men tới vách đá ghi vài tấm hình, nhìn thật gần cái vách đá cao thẳng đứng, nứt nẻ, gồ ghề. Cách chỗ tôi đứng khoảng trăm mét, một tảng đá lớn vừa rơi bắn tung tóe những mảnh đá nhỏ, khiến tôi phải tức tốc rời xa vách đá. 

 

Ngẩng đầu nhìn vách đá, một cảnh tượng khiến người lần đầu chứng kiến không khỏi thót tim: Những con người bé xíu “mắc” trên vách đá như những chú chim đang xây tổ.
 
Những cái chết đã được báo trước - 2

Những con người bạc phếch vì đá

 

Thật khó để nhận ra họ nếu không có chi chít những chiếc dây nhỏ như chạc tóc được thả từ trên đỉnh núi, cùng sự khác biệt của màu áo. “Ở mấy cái mỏ quanh đây chuyện thợ đá mất mạng, gãy chân, tay, thương tật suốt đời như cơm bữa ấy mà. Họ - những thợ khoan đá - là những người đối diện với nhiều hiểm nguy nhất ở cái mỏ đá đông đúc người ni”, một người phu đá ái ngại, nói với tôi.

 

Như một diễn viên xiếc, người thợ néo thân mình vào một chiếc dây lèo nhỏ như chạc tóc được thả từ đỉnh núi xuống. Tay bám chặt lấy dây, chân men theo vách đá, cứ thế người thợ khoan đá thoăn thoắt trèo, bám vào những thớ đá nham nhở, sắc nhọn, lung lay.
 
Những cái chết đã được báo trước - 3

Cheo leo như chim làm tổ

 

Sau gần 30 phút leo, người thợ khoan đá dừng lại ở độ cao hơn trăm mét, tay cột chặt dây lèo, “ngoắc” thân mình vào một mỏm đá ngay cạnh. Đặt cược tính mạng vào đá, gã thợ bắt đầu cầm chiếc khoan dí thẳng vào mõm đá gồ ghề. Tiếng khoan đanh đến nhói tai, phát lửa sáng loé choé. Trong chốc lát những phiến đá lớn đổ sầm xuống dưới.

 

Lại rùng mình vì tiếng nổ. Tôi nghĩ dại, nếu dây lèo bị vách đá cắt đứt ắt những thợ đá ấy bị xé thành trăm mảnh. Nhưng chuyện đó may mắn không xảy ra, chí ít cho đến hết những giây phút tôi có mặt ở mỏ đá này.
 

Những cái chết đã được báo trước - 4

 

Thản nhiên đội “tử thần”

 

Giữa cái mỏ đá ngột ngạt, hiểm nguy không chỉ thợ khoan đá đối mặt với cái chết bi thảm mà những “sáng kiến” của chủ mỏ, của đám phu đá cũng góp phần biến mạng sống của họ thành rẻ mạt.
 
Những cái chết đã được báo trước - 5

Náu mình dưới những mỏm đá lởm chởm 

 

Một cái hốc ngoạm vào núi đá, phần đỉnh nhô ra cỡ nửa mét, những tảng đá lởm chởm lộ rõ những đường nứt, lát cắt như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà có đến 3 con người đang thản nhiên nằm nghỉ trong đó. Người thanh niên da ngăm đen, bàn tay chai sạn, mặc chiếc quần jean đã cũ rách, bạc màu phân trần: “Nó (hốc đá) là nơi trú ngụ, tránh nắng của anh em ở đây quanh năm suốt tháng. Trông sợ rứa chứ có chi mô. Mà sống chết có số cả. Nếu đá sập thì nó đã sập từ lâu, nó sập thì chắc mộ đám ni cũng đã xanh cỏ từ lâu chớ có mô mà ngồi đây nữa”.

 

Cách đó không xa, một toán công nhân và phu đá đang ngồi nghỉ sau khi bốc đầy một xe IFA đá. Ngay sau lưng đám đông là những căn chòi - nơi cất giữ đồ đạc và nghỉ ngơi cho công nhân của chủ mỏ. Những căn chòi được dựng lên một cách sơ sài, hai bên bằng đá, phần trần được lợp bằng gỗ tấm, hoặc xi măng. Phía trên những tấm xi măng lâu ngày ấy, đất đá rơi chất đầy khiến chúng nứt nẻ, trông như sắp vỡ vụn.
 
Những cái chết đã được báo trước - 6

Những căn chòi sơ sài
 
Những cái chết đã được báo trước - 7

Với trần xi măng đội đất đá, nứt nẻ

 

Trong chòi, những người phụ nữ thản nhiên ngồi nhấm nháp, tán gẫu, mặc đống đất, đá nặng hàng tấn đang lơ lửng trên đầu, có thể sập xuống chôn vùi thân xác họ bất cứ lúc nào.

 

Rời xa mỏ đá của HTX Tân Hồng để đến nhiều mỏ đá khác ở khu khai thác đá Hồng Lĩnh, đâu đâu cũng là những cảnh hãi hùng tương tự.

 

Tôi tự hỏi, ai cứu lấy những mạng người rẻ mạt dưới núi Hồng Lam?

 

(Còn nữa)

Văn Dũng - Minh San