1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đường sắt cao tốc là… tư duy ngược!

(Dân trí) - Tranh luận với Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng về cơ sở pháp lý để tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Bộ trưởng đừng kéo Quốc hội vào việc này, đừng nói Quốc hội đã cho phép nghiên cứu”

Phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã thực sự “nóng” khi vấn đề được xoáy sâu là Vinashin, đường sắt cao tốc, bô xít…

Nhà nước không trả nợ cho Vinashin

Về con số nợ của Vinashin, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) không đồng tình với trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Giao thông vận tải khi trả lời này cho rằng, “con số nợ trên dưới 100.000 tỷ đồng là không chính xác”.

Theo ông Thuyết, nếu dựa vào con số của Chính phủ cộng lãi phải trả với các phương án 16% hay 19%, con số nợ hiện nay sẽ lên đến trên 100.000 tỷ đồng (mỗi ngày phải gánh 30 tỷ tiền lãi). “Số tiền trên còn hay mất, có thua lỗ hay không?’ ông Thuyết chất vấn.
 
Đường sắt cao tốc là… tư duy ngược! - 1
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Không ai đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ Vinashin (Ảnh: Việt Hưng) 
 
Đáp lại, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đưa ra con số tổng tài sản của Vinashin là 104.000 tỷ đồng và nợ 86.000 tỷ đồng. Thừa nhận việc Vinashin vay nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 11 lần là quá lớn và có khả năng phá sản, nhưng ông Dũng khẳng định, số nợ này không phải số lỗ.

Theo ông Dũng, số nợ này nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin và doanh nghiệp sẽ trả nợ, không phải nhà nước trả. “Qua tái cơ cấu, cộng với việc kinh tế thế giới, thị trường thế giới đang phục hồi, Vinashin có thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có thể trả được số nợ này”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng nhắc lại, năm 2009 qua kiểm toán, Vinashin lỗ 1.600 tỷ, năm 2010 sẽ tiếp tục lỗ, nhưng không có chuyện lỗ 100.000 tỷ.

“Đã vỡ nợ rồi, nhà cửa tài sản bị chia năm sẻ bảy rồi, người bị khởi tố rồi, mà vẫn nói chưa thua… tôi không hiểu”, đại biểu Thuyết “vặn” lại.

Chưa hết, theo đại biểu Thuyết, nhân dân đã giao cho Chính phủ tài sản như vậy tại Vinashin, nhưng trong gần cả một ngày chất vấn vẫn không có ai đứng ra chịu trách nhiệm. “Bộ trưởng có thể trả lời, có thể không trả lời, nhưng trong thâm tâm chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc và đừng để xảy ra chuyện như thế này”, ông Thuyết tiếp.

Bộ trưởng Dũng không “hồi âm” trực tiếp những phát biểu của đại biểu Thuyết, không đề cập vấn đề trách nhiệm, chỉ cho rằng, Vinashin “đang có những tín hiệu mừng”, kể cả dự án tập đoàn này chuyển giao, kể cả dự án tập đoàn đang làm.

“Tôi không lạc quan quá mức, nhưng tôi tin Vinashin đang phục hồi trở lại”, ông Dũng nói.

Đường sắt cao tốc… là tư duy ngược!

Chuyển sang vấn đề đường sắt cao tốc, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tiếp tục đặt câu hỏi về căn cứ pháp lý để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam?

Bộ trưởng Dũng cho rằng, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc nên Thủ tướng không chỉ đạo đầu tư dự án này. Nhưng vừa qua, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc và theo ông Dũng, đây là việc được phép thực hiện.

Ông Dũng cho biết, đường sắt cao tốc đang nghiên cứu dưới dạng báo cáo khả thi nhằm giải quyết các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại kỳ họp trước và phục vụ lập quy hoạch giao thông vận tải, trong đó có tuyến Bắc Nam.

Về căn cứ tiếp tục nghiên cứu dự án, ông Dũng cho biết, dựa vào… biên bản tổng hợp thảo luận tại Hội trường của Quốc hội ngày 19/6/2010. Theo ông Dũng, mặc dù Quốc hội chưa thông qua nhưng không kết luận là không cho nghiên cứu mà cho phép tiếp tục nghiên cứu.

“Phát biểu của lãnh đạo Quốc hội hay biên bản cuộc họp không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Nói việc nghiên cứu là quyền của Chính phủ, chúng tôi nhất trí, nhưng Bộ trưởng đừng lôi Quốc hội vào đây, đừng nói Quốc hội đã thống nhất”, ông Thuyết gay gắt.
Đường sắt cao tốc là… tư duy ngược! - 2
Đại biểu Dương Trung Quốc: phải chọn phương án đường sắt cho số đông (Ảnh: Việt Hưng)

Tiếp đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn, nước ta còn nghèo, tại sao không ưu tiên cải tạo đường sắt Bắc Nam hoặc xây dựng tuyến đường sắt khổ 1m435 mà lại lựa chọn đường sắt cao tốc?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đường sắt 1m đã có từ 130 năm nay, hành lang bị xâm phạm nghiêm trọng nên việc hiện đại hoá để làm 1m435 trên tuyến này không khả thi. Thêm nữa, dừng tuyến đường sắt này vài ba năm để mở rộng sẽ khiến giao thông đường sắt bị tê liệt.

Vì thế, Chính phủ chủ trương nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và làm một tuyến Bắc - Nam mới. “Chúng ta theo hướng đã làm thì đi ngay vào hiện đại, bởi người ta đã có đường sắt cao tốc 300 - 400km/h, thậm chí 600 km/h, chẳng nhẽ ta đi sau mãi”, ông Dũng phân tích

Đại biểu Dương Trung Quốc nói thẳng, ông không hài lòng với câu trả lời, bởi theo ông, “cần phải nhìn xuống mặt đất”. Ta luôn thiếu vốn, trình độ quản lý hạn chế mà lại chọn ưu tiên đường sắt cao tốc, trong khi đường sắt khá phổ biến của thế giới là đường sắt 1m435.

“Đó là tư duy ngược vì đường sắt cao tốc chỉ dành cho một số người có tiền, trong khi đường sắt 1m435 cho tất cả số số đông, cho các nhu cầu phát triển. Lẽ ra điều cần thiết cho nền kinh tế, cho người dân phải có trước rồi mới đến hiện đại, theo kịp thế giới”, ông Quốc nói

Bộ trưởng Dũng đã “xuống nước” khi cho rằng quyết định đường sắt cao tốc hay đường nào sẽ được cân nhắc.

Đừng sử dụng đường cũ nát vận chuyển bô xít

Trước câu hỏi về việc vận chuyển sản phẩm cho dự án bô xít của đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, trước mắt việc vận chuyển sẽ sử dụng đường bộ, còn lâu dài doanh nghiệp cùng nhà nước xây dựng đường sắt và phương án 3 là đường ống.

“Dự án lớn mà chúng ta lại sử dụng đường cũ và đã nát rồi. Bộ trưởng đã đi đường 20 qua Đồng Nai chưa, đường chưa được cải thiện giờ lại thêm cường độ đi lại như thế sẽ ra sao. Phải xem lại tư duy của  mình, nếu không chúng ta hoàn toàn bị động”, ông Quốc không hài lòng.

Trước bức xúc của của đại biểu, Bộ trưởng Dũng cho rằng, hiện Bộ đang mở rộng đường 14 và đang lập dự án mở rộng đường 20 đoạn qua Đồng Nai.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc bổ sung thêm, việc vận chuyển cho nhà máy Tân Rai  từ Bảo Lộc xuống trước mắt theo đường bộ và với khối lượng 2.000 tấn/ngày, bằng 200 xe, đường 20 đảm bảo được.

Cấn Cường