1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đường sá TPHCM xuống cấp, kinh phí sửa chữa chỉ đáp ứng một nửa

Phương Nhi

(Dân trí) - Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, kinh phí bảo trì, duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông của Sở chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, các quận huyện và TP Thủ Đức là 40%.

Sáng 9/4, tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật", cử tri thành phố đã đặt ra nhiều vấn đề với các sở ngành, cơ quan chức năng, xoay quanh việc đường sá, vỉa hè xuống cấp, hư hỏng, tìm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Viện Xây dựng Đại học GTVT TPHCM, đặt câu hỏi, hiện có nhiều tuyến hư hỏng, xuống cấp, ngập úng nhưng chưa được sửa chữa, gây mất an toàn giao thông. Công tác bảo trì, sửa chữa, duy tu hạ tầng giao thông đang được cơ quan chức năng thực hiện ra sao?

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin, các công trình hạ tầng giao thông được phân cấp quản lý, duy tu, bảo trì cho nhiều đơn vị. Trong đó có Sở GTVT; các đơn vị quận, huyện, TP Thủ Đức; Ban Quản lý các khu đô thị; chủ đầu tư các dự án đang thực hiện.

Đường sá TPHCM xuống cấp, kinh phí sửa chữa chỉ đáp ứng một nửa - 1

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT (Ảnh chụp màn hình).

Cụ thể, Sở GTVT đang quản lý trên 1.500km đường, chủ yếu là các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, tiếp giáp, liên thông các đường trục và toàn bộ hệ thống cầu, đường hầm... Kinh phí UBND TP cấp cho việc duy tu, bảo trì của Sở là 1.600 tỷ đồng/năm.

UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ yếu quản lý các tuyến đường nội quận, với kinh phí duy tu, bảo trì 800 tỷ đồng/năm. Chủ đầu tư các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Tây Bắc... quản lý đường sá nội khu; chủ đầu tư đang thực hiện các dự án trong các khu dân cư, khu đô thị quản lý đường theo dự án đầu tư.

Đường sá TPHCM xuống cấp, kinh phí sửa chữa chỉ đáp ứng một nửa - 2

Vỉa hè hư hỏng tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Sở GTVT tổ chức thực hiện công tác theo hình thức duy tu, bảo trì, sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch từng năm và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để sửa chữa như một dự án đầu tư xây dựng. Sở GTVT đánh giá, kinh phí cho công tác này đã được TP quan tâm hơn, mang lại một số kết quả nhất định.

"Tuy nhiên, vẫn có những thời điểm, khu vực chưa đảm bảo chất lượng, chưa kịp thời. Có tình trạng đường sá ở các dự án đầu tư sau khi thực hiện thì công tác bảo trì, sửa chữa chưa được quan tâm, hoặc chủ đầu tư giải thể nên không tiếp tục quản lý dự án... gây bức xúc dư luận", Phó Giám đốc Sở GTVT nói.

Theo Sở GTVT, nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc trên là kinh phí đầu tư. Với Sở GTVT, kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Trước đây con số này còn thấp hơn. Trong khi đó, kinh phí cho các quận, huyện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. "Đôi khi có tuyến đường cần duy tu, bảo trì thì gặp khó khăn về kinh phí nên chưa kịp thực hiện", ông Hưng nói.

Nhiều cử tri cũng chỉ ra các bất cập như đường số 6 và số 7 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) nham nhở; đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, TP Thủ Đức) xuống cấp trầm trọng; vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) bong tróc; nguy cơ mất an toàn cho thực khách ngồi ăn tại phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3)... Đại diện các sở, ngành, địa phương cho biết đã tiếp nhận những phản ánh của cử tri và sẽ triển khai giải quyết.

Người dân khi phát hiện các sự cố liên quan hư hỏng cầu, đường, đèn tín hiệu giao thông có thể gọi tổng đài 1022 hoặc đường dây nóng 0388.247.247 của Sở GTVT để phản ánh. Sau khi tiếp nhận ý kiến, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định trách nhiệm quản lý và tiến hành sửa chữa, khắc phục.