Đường mới “sạch… kinh hoàng”

(Dân trí) - Hà Nội từng được bình chọn là một trong 10 đô thị sạch nhất Việt Nam. Có dịp qua đường Khuất Duy Tiến đang được thi công mở rộng, chúng tôi ghi lại được những hình ảnh về một con đường “sạch… kinh hoàng”.

Chúng tôi gần như bị nghẹt thở khi dừng lại ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, ghi lại cảnh bụi bay mù trời trên đoạn đường này. Mặt đường được láng nhựa một phần, phần còn lại lổn nhổn đá dăm nên mỗi lúc xe tải, xe con, xe máy chạy qua, bụi cuốn theo bánh xe phả dày đặc. 
 
Đường mới “sạch… kinh hoàng”  - 1

Trời hửng nắng nhưng ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi phủ một "màn sương bụi" dày đặc
 
Trời hửng nắng, mặt đường khô ráo càng tạo cơ hội cho cát bụi “lộng hành”, khiến người đi đường khốn khổ. Để vượt qua “màn sương bụi” này, họ gần như phải nín thở. Chị Nguyễn Thị Thanh, một người dân sống trên đường Nguyễn Trãi vừa xịt nước ra đường vừa than thở: “Không xịt nước thì không thở nổi, nhưng xịt rồi cũng chừng nửa tiếng lại y nguyên. Công trình thi công đâu phải một, hai ngày; làm hơn hai tháng rồi vẫn chưa xong, chúng tôi chịu không thấu”.
 
Đường mới “sạch… kinh hoàng”  - 2
 
Đường mới “sạch… kinh hoàng”  - 3
Thi công cả năm mà chủ đầu tư không có phương tiện che chắn, bảo vệ khiến người dân khốn khổ khi qua đoạn đường Khuất Duy Tiến.
 
Đường mới “sạch… kinh hoàng”  - 4

Để lộ ra những hình ảnh xấu xí khi đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần

Bác Nguyễn Đức Tiến, hộ dân ở cạnh, cũng góp ý: “Sao người ta không có các phương án che chắn bụi bặm? Làm mà cứ bươi ra thế khác gì hành dân”.

Đúng như bác Tiến phản ảnh, khi thi công đoạn đường này, chủ đầu tư không hề có các phương án chống ô nhiễm môi trường như luật quy định. Không một tấm bạt, tôn che chắn, không tưới nước mà thậm chí còn để những đống đất cát to lù lù chắn giữa đường, chỉ chờ gió thổi qua là bốc lên mù mịt.
 
Đường mới “sạch… kinh hoàng”  - 5

Chị lao công hì hục quét bụi, cạnh đó xe xúc đất vô tư thả bùn đất lên đoạn đường vừa quét sạch

Trên đường Khuất Duy Tiến, một chị lao công bịt kín từ đầu đến chân, chỉ để hở hai mắt đang cần mẫn quét bụi vương vãi, dày thành từng lớp. Đoạn đường chị quét là một đại công trường ngổn ngang đất đá, cát sỏi, nên công việc của chị giống như “dã tràng xe cát”, đoạn nào vừa sạch chỉ mười phút sau lại bẩn kinh hoàng. “Nhiệm vụ nên tôi phải làm thế thôi, quét lá, dọn rác còn được chứ quét bụi thế này càng khổ người đi đường xung quanh hơn”, chị nói.

 
Theo quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2002/QĐ-UB ngày 27-2-2002 của UBND thành phố Hà Nội), tổ chức, cá nhân thi công công trình phải có phương tiện che chắn an toàn, có hàng rào bảo vệ, không được để nguyên, vật liệu rơi ra ngoài gây mất vệ sinh môi trường và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.
 
Tại chương III trong Quy định về việc thực hiện các biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 2/2005/QĐ-UB ngày 10-1-2005 của UBND thành phố Hà Nội) quy định tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng không có phương tiện che chắn an toàn, không có hàng rào bảo vệ an toàn sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng, buộc thực hiện đúng các quy định về an toàn xây dựng.
 
Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, bụi bẩn đường phố thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả nguyên trạng phần đường, hè đã chiếm dụng trái phép.
 
Bản quy định cũng nêu rõ, các cơ quan có trách nhiệm: UBND xã, phường, thị trấn, UBND quận, huyện, thanh tra xây dựng các quận, huyện tổ chức các lực lượng kiểm tra thường xuyên, phát hiện và đình chỉ kịp thời những trường hợp vi phạm... Tuy nhiên, luật là vậy, nhưng trên thực tế chỉ có những cá nhân nhỏ lẻ mới bị lập biên bản xử phạt. Các công trình của các tổ chức, nhất là công trình mang tính công ích thì chủ đầu tư chẳng mấy khi bị phạt, hoặc mức phạt không đủ sức răn đe.
 
Video do PV Dân trí ghi lại nỗi thống khổ của người dân trên những con đường khổ vì bụi, rác, ô nhiễm.

 
 

Sông Lam