1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đường Láng - Hòa Lạc trở thành đại lộ Thăng Long

(Dân trí) - Sau nhiều phát biểu sôi nổi, các đại biểu HĐND TP đã đồng thuận “bác” việc đặt tên đường Láng - Hoà Lạc là đại lộ nghìn năm, đồng thời biểu quyết đặt tên đường này là đại lộ Thăng Long với sự nhất trí cao (117/121 phiếu tán thành).

 
Đường Láng - Hòa Lạc trở thành đại lộ Thăng Long - 1

Đường Láng - Hòa Lạc là tuyến cao tốc trọng điểm nối trung tâm Hà Nội với chuỗi đô thị phía Tây (Ảnh: HNM)

 

Việc đặt tên cho đường Láng - Hoà Lạc là vấn đề tạo nhiều tranh luận nhất trong buổi họp chiều 14/7 của HĐND TP Hà Nội.

 

Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình về đặt tên đường, phố, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội của HĐND TP, Nguyễn Đức Toàn cho biết, đa số đại biểu của ban này đồng ý gọi đường Láng - Hoà Lạc là đại lộ vì con đường này hiện đại bậc nhất, có ý nghĩa với phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai, hoàn toàn tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện Thăng Long - Hà Nội tròn một nghìn năm tuổi…

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong ban đề nghị, đặt đại lộ Thăng Long hoặc đại lộ Thăng Long- Hà Nội, thay vì đại lộ nghìn năm như đề xuất của UBND TP. Theo đó, đặt đại lộ Thăng Long hoặc đại lộ Thăng Long - Hà Nội có sự biểu cảm, gắn với kỷ niệm 1000 năm, đồng thời có tính cụ thể và khái quát hơn.

 

Trong phần thảo luận, đại biểu Trần Trọng Hanh không ủng hộ phương án của UBND TP, nhưng cũng chỉ ủng hộ “một nửa” phương án của ban Văn hoá - Xã hội. Theo ông Hanh, đại lộ là đường phố lớn, trong khi đây chỉ là đường. Thêm nữa, tên nghìn năm cũng “có gì đó” trống trải, không giống tên đường… Từ phân tích đó, ông Hanh đề nghị đặt tên đường Thăng Long hoặc đường Thăng Long - Hà Nội.

 

Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng cũng đề nghị đặt là đường Thăng Long hay đường Láng - Hoà Lạc. Về dấu ấn nghìn năm theo ông Thắng chỉ cần dựng viên đá khắc tên là công trình nghìn năm.

 

Hàng loạt các đại biểu khác cũng không đồng tình với tên đại lộ nghìn năm và ủng hộ đặt tên đường Thăng Long hoặc đại lộ Thăng Long.

 

Đại diện cho phía cơ quan trình, Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, ông Phạm Quang Long cho rằng, gọi đại lộ không hề sai theo quy định và đặt tên đại lộ nghìn năm để ghi dấu ấn chúng ta kỷ niệm nghìn năm.

 

Về chữ nghìn năm theo ông Long không chỉ có nghĩa là “ngàn thu” mà còn mang nghĩa trường tồn, lâu dài. Với việc có đặt tên đại lộ nghìn năm hay không, ông Long cho rằng, tuỳ thuộc vào quyết định của các đại biểu.

 

Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ ủng hộ phương án “đại lộ” vì theo ông, như vậy “oách hơn, hoành tráng hơn”. Ông Nhuệ cũng tán đồng đặt tên Thăng Long để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long.

 

Về mối lo ngại đặt tên Thăng Long sẽ trùng với trục Thăng Long trong đồ án quy hoạch chung Hà Nội, ông Nhuệ cho rằng, đến  lúc này chưa quyết trục Thăng Long và khi chưa có trục này không thể bàn tên của nó. 

 

Vẫn chưa thông với cách gọi đại lộ, đại biểu Trần  Trọng Hanh cho rằng, việc giải thích chữ đại lộ theo nghĩa đường to như một số đại biểu nên lên là quá nôm na, dân dã. Theo ông Hanh, đại lộ có nghĩa đường phố lớn, có vỉa hè, nhà hai bên.

 

Tuy nhiên, ông Lê Quang Nhuệ lại cho rằng, không nên bắt bẻ quá về chữ nghĩa, khái niệm đường hay đại lộ cũng mang tính tương đối. Chẳng hạn hiện nay gọi đường Nguyễn Trãi, nhưng thực tế lúc này hai bên đã kín nhà… 

 

Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành cho rằng, đường Láng - Hoà Lạc là con đường lớn nhất hiện nay, hai bên có nhiều đô thị đẹp, có cây xanh mặt nước, xứng đáng là đại lộ. Về tên của đại lộ này, theo ông Thành, đặt đại lộ nghìn năm gắn với thời khắc chúng ta đang sống, nhưng đặt đại lộ Thăng Long gần gũi, thân thương hơn.

 

Trước những ý kiến khác nhau, Chủ toạ phiên họp đã quyết định đưa phương án đặt tên đại lộ Thăng Long ra biểu quyết. Kết quả, dù chỉ có 121/154 đại biểu có mặt, nhưng có tới 117 đại biểu tán thành phương án này (chiếm 74,5%).

 

Cấn Cường

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm