1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đường Láng - Hòa Lạc: Lại thêm một công trình "rùa"

Dự kiến trong vòng 30 tháng kể từ ngày khởi công, dự án xây dựng, mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (nối Hà Nội - Hà Tây) sẽ biến quốc lộ này trở thành đường cao tốc hiện đại nhất VN.

Tuy nhiên, sau gần một năm kể từ ngày khởi công, đến nay nhà đầu tư mới chỉ nhận được 45% “mặt bằng sạch”. Tuyến đường đang phải thi công từng đoạn cầm chừng.

Vướng mặt bằng

Mười một tháng trôi qua nhưng cho đến nay cả tuyến đường Láng - Hòa Lạc vẫn không có không khí của một công trường lớn. Ngoại trừ đoạn 1,1km đang được các đơn vị thi công ròng rã ngày đêm để hoàn thành đồng bộ cùng với Trung tâm hội nghị quốc gia vào tháng 9/2006 theo yêu cầu Chính phủ, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài xe máy thi công từng đoạn.

Tại thời điểm này, 6,35km đường đi qua địa phận Hà Nội mới chỉ giải phóng được 60% mặt bằng. Hơn 2km còn lại đang trong giai đoạn kiểm đếm, kê khai đền bù để bàn giao mặt bằng ngày 30/4. Công việc giải phóng mặt bằng ở đây đang vướng mắc vì chưa thỏa thuận được nơi tái định cư cho 19 hộ dân xã Mễ Trì và một đơn vị bộ đội đóng tại khu vực. Bên cạnh đó, việc di chuyển 3.000 ngôi mộ ở nghĩa trang xã Mễ Trì cũng đang phải chờ vị trí “tái định cư”.

Tương tự, được khởi công từ tháng 12/2001, công trình nút giao thông ngã tư Vọng đến nay vẫn dang dở dù thời gian qui định theo kế hoạch là tháng 7/2005 phải xong. Hạng mục đường hầm dành cho người đi bộ trị giá 11 tỉ đồng vẫn tiếp tục nằm chờ...

Theo thiết kế, đây là một công trình giúp người đi bộ không bị xung đột giao thông trên mặt đường với các phương tiện khác. Nhưng đến nay công trình mới chỉ làm được 40% khối lượng, người dân sống tại khu vực này vẫn phải chịu hít bụi khi trời nắng, lội bùn khi trời mưa. Khu vực thi công còn tạo một ngã rẽ qua đường tàu khiến một số vụ tai nạn đã xảy ra.

"Rùa" vì... không đủ chuyên môn

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó giám đốc ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng dang dở này là do vướng đoạn đường ray mà đường ngầm dự kiến sẽ đi qua. Ông Tường cho biết đơn vị nhận thi công đường ngầm trước đây đã không đủ chuyên môn và kỹ thuật để thực hiện kỹ thuật đào “thi công hở” qua đoạn đường sắt. “Chúng tôi đã phải thay đổi nhà thầu” - ông Tường nói.

Ông Nguyễn Văn Khay, Giám đốc ban quản lý, cho biết nhà thầu mới là Công ty cổ phần Xây dựng đường sắt hiện vẫn chưa thống nhất được việc triển khai thi công bởi chưa biết rõ khối lượng, dự toán công trình. Trong khi đó chủ thầu lại sợ chậm tiến độ nên không muốn phải khảo sát, đánh giá lại công trình. Cuối cùng cả hai bên vẫn chưa thống nhất được khi nào công trình tái khởi công.

Về dự án đường Láng - Hòa Lạc, ông Phí Tất Thắng - Phó giám đốc ban quản lý dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc (Vinaconex) - bức xúc: “Phần lớn chiều dài của tuyến đường này nằm trên địa phận Hà Tây nhưng việc giải phóng mặt bằng ở đây hết sức khó khăn.

Riêng 7,25km đường chạy qua huyện Hoài Đức đã có tới 4,1km nằm ở vùng đất bãi chưa có giá đền bù nên chưa giải tỏa được. 3,15km vùng giáp ranh Hà Nội mới giải tỏa được 50% nhưng diện tích “xôi đỗ” không thi công được chiếm đến 30%.

Tương tự, huyện Quốc Oai có hơn 9km đường đi qua vẫn còn 15% diện tích mặt bằng nằm trong tình trạng “xôi đỗ”. Tại huyện Thạch Thất có 6,4km đường đi qua tới nay cũng chỉ thi công được 25%.

Một trở ngại nữa, còn hơn 20 doanh nghiệp đóng dọc tuyến đường này chưa tiến hành kiểm đếm mặc dù đã được phát tờ khai từ nửa năm nay.

Theo T.Phùng - M.Tuấn
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm