1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đường hiện đại - phố “nhà quê”

Trên 800 tỷ đồng cho 1.000 m đường, đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hà Nội) được coi như con đường đắt nhất hành tinh. Vậy mà, sau khi đường hoàn thành, một tuyến phố “chẳng giống ai” đã hình thành.

Tuyến phố “lẩu thập cẩm”

 

Tháng 5/2007, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa hoàn thành và đưa vào đưa vào sử dụng. Tâm trạng buồn vui đan xen đến với nhiều người khi con đường hoàn tất. Có trên 1.000 hộ trong diện giải phóng mặt bằng dự án (khoảng 5,6 ha đất), với số tiền GPMB lên đến trên 600 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị xây lắp của 1km đường vào khoảng 100 tỷ đồng.

 

Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có mặt cắt 50m với 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ được coi là con đường hiện đại nhất Hà Nội. Con đường hoàn thành và cũng có gần 1.000 hộ từ ngõ ngách không tên bỗng trở thành mặt tiền phố lớn. Giá đất của khu vực tăng đột biến. Có những vị trí trước khi làm đường, giá 1m2 đất chỉ 40 triệu đồng thì nay đã được đẩy lên trên 100 triệu đồng.

 

Sơ bộ, giá trị đất của khu vực tăng lên sau khi có đường cũng bằng đủ số tiền xây dựng tuyến đường. Khoản lợi này rơi vào tay những hộ dân may mắn,  Nhà nước không thu được một xu.

 

Tuyến phố hiện như một nồi “lẩu thập cẩm”. Những ngôi nhà đủ các hình dạng nham nhở (tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình bình hành, hình thang...) mọc lên. Và cũng đủ kích thước, rộng vài chục mét vuông, cả trăm mét vuông hay hai chục mét vuông cũng có.

 

Đặc biệt, trên tuyến phố có dải đất dài 18m (rộng một đầu 30cm, một đầu khoảng 1m) đã được chia làm 4 ô lắp mái tôn cửa khung nhôm kính. Đoạn phố còn là nơi thể hiện của hàng loạt kiểu dáng kiến trúc “đông - tây, kim - cổ” kết hợp, đủ màu sắc.

 

Hơn thế, con đường mới không phải là con đường cũ mở rộng mà chạy song song với con đường cũ. Vậy là khoảng cách giữa hai con đường đã tạo thành một dãy phố. Tuyến phố bám con đường đắt nhất hành tinh có một diện mạo chẳng giống ai!

 

Vì sao lại có tuyến phố lộn xộn như vậy?

 

Trước đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng tuyến phố hai bên con đường này. Có nghĩa là mỗi bên đường được mở rộng thêm 50m, tạo thành quỹ đất khoảng 11ha. Diện tích đất này sẽ được xây dựng những chung cư cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ tái định cư tại chỗ và tạo nguồn kinh phí đầu tư cho con đường.

 

Đặc biệt, sau khi tuyến đường hoàn thành Hà Nội sẽ có được một tuyến phố văn minh, hiện đại. Rất tiếc, điều này đã không thực hiện được!

 

Lại thêm những tuyến phố nham nhở?!

 

Hiện thành phố Hà Nội đang giao Ban Quản lý các dự án trọng điểm (Ban trọng điểm) chuẩn bị đầu tư đường vành đai 1 (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Voi Phục). Tuyến đường có chiều dài 2,7km. Ba phương án được chủ đầu tư đưa ra.

 

Phương án 1: Đường có quy hoạch 50m (theo quy định 1998), giống như đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Trong đó khoảng 1,5km tuyến chạy song song với đường La Thành, chiều dài còn lại chạy trùng với đường La Thành.

 

Phương án 2: Mặt cắt đường thu hẹp còn 32m nhưng sẽ được xây dựng thêm đường bê tông trên cao nằm đúng tim đường quy hoạch.

 

Phương án 3: Tận dụng đường La Thành, xây dựng đường mới và đường bê tông trên cao.

 

Tổng mức đầu tư lần lượt cho 3 phương án là: gần 2.500 tỷ đồng; gần 2.700 tỷ đồng và hơn 3.000 tỷ đồng.

 

Trong các văn bản góp ý kiến cho việc xây dựng tuyến đường này, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Sở GTCC Hà Nội, Sở QHKT... đều ngả theo phương án 1. Các cơ sở để đưa ra định hướng là phương án 1 đảm bảo quy hoạch được duyệt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ trên toàn tuyến, khai thác đơn giản, đảm bảo mỹ quan đô thị (!?)...

 

Tuy nhiên, cũng như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, phương án quy hoạch và xây dựng tuyến phố hai bên đường không được tính đến. Dự kiến có khoảng gần 3.000 hộ dân trong diện phải GPMB. Số tiền dành GPMB (theo phương án 1) dự kiến đắt gấp 8,3 lần số tiền xây lắp đường.

 

Để làm con đường này, Hà Nội vẫn phải dùng vốn vay và vốn đối ứng trong khi đó, phương án phát  triển quỹ đất tạo vốn xây dựng đường, tạo khu tái định cư tại chỗ cho dân lại bị “bỏ quên”.

 

Điều hiển nhiên là nếu thực hiện phương án 1, Hà Nội lại có thêm những tuyến phố với hàng ngàn ngôi nhà lộn xộn, nham nhở mọc lên. Phải chăng Hà Nội quá nhiều tiền nên không tính đến việc tạo vốn từ quỹ đất hai bên đường?

 

Nếu không thay đổi tư duy về việc phát triển đường gắn chỉnh trang, xây dựng tuyến phố, không biết đến bao giờ Hà Nội mới có được những tuyến phố văn minh, hiện đại xứng đáng với tầm vóc Thủ đô.

 

Theo Phùng Sưởng

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm