Cà Mau:
Đường giao thông vùng ngọt hóa bị sụt lún: Vì sao chưa thể khắc phục ngay?
(Dân trí) - Chỉ trong nửa tháng, một tuyến đường giao thông vùng ngọt hóa ở Cà Mau 3 lần bị sụt lún nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc khắc phục ngay sụt lún được cho là không khả thi.
Liên tiếp sụt lún nghiêm trọng...
Tuyến đường Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc là một trong những tuyến giao thông quan trọng qua vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Tuyến đường kết cấu láng nhựa mặt đường, rộng 4,5m, được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 2006.
Vào ngày 15/3, một đoạn trên tuyến đường này (giữa cầu Cơi 5 và cầu Nông Trường) xảy ra sụt lún làm hư hỏng nền, mặt đường hoàn toàn với chiều dài khoảng 35m, sâu gần 3m.
7 ngày sau, đoạn giữa cầu Co Xáng và Cơi 5 lại xảy ra sụt lún nghiêm trọng làm hư hỏng nền, mặt đường với chiều dài khoảng 50m, chiều sâu từ 2,5m - 3m.
Một tuần sau đó (29/3), đoạn đi qua ấp Cơi 5A tiếp tục xảy ra sụt lún chiều dài 20m, rộng khoảng 6m, độ sâu so với hiện trạng hơn 2,5m; điểm sụt lún này cách vị trí xảy ra sụt lún ngày 15/3 khoảng 30m về hướng chợ Cơi 5.
Theo chính quyền địa phương, các vụ sụt lún rất may không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, giao thông hầu như bị chia cắt hoàn toàn khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do hiện nay đang vào mùa khô hạn, đoạn tuyến đi qua khu vực ngọt hóa, mực nước kênh Cơi 5 đã cạn, trong khi lòng kênh sâu, đất bị co ngót, nền đất yếu dẫn đến mất ổn định nền đường gây ra sụt lún.
Khó vận chuyển vật tư đến điểm sụt lún để sửa chữa
Với tình trạng khô hạn còn tiếp diễn như hiện nay, một trong những vấn đề lo ngại của địa phương là tình trạng sụt lún vẫn còn nguy cơ xảy ra rất cao. Qua khảo sát của Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho thấy, nhiều đoạn trên tuyến đường này mặt đường có hiện tượng nứt dọc rất dài, rộng từ 0,5-3cm, có đoạn 5-10cm...
Trong khi đó, với những điểm sụt lún thì chưa thể khắc phục được ngay để đảm bảo an toàn, cũng như việc đi lại cho người dân. Theo Sở GTVT Cà Mau, nguyên nhân là thiết bị thi công, vật tư không thể vận chuyển được đến các điểm sụt lún bằng đường bộ (xe không vào được) và đường thủy (khô cạn) .
Do đó, Sở GTVT Cà Mau đã đề xuất UBND tỉnh này tạm thời chưa tiến hành ngay việc khắc phục, mà chờ khi vào mùa mưa, nền đường ổn định trở lại và xe máy, vật tư có thể vận chuyển đến chân công trình bằng đường thủy, lúc này sẽ khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay cũng chưa biết khi nào sẽ đến.
UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất với đề xuất của Sở GTVT. Bên cạnh đó, đề nghị Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, theo dõi và chủ động thực hiện ngay việc khắc phục sụt lún khi đảm bảo điều kiện thi công an toàn, để giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Đồng thời, trong thời gian chờ thi công khắc phục các vị trí sụt lún, giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp rào chắn, cảnh báo cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực sụt lún được thuận lợi.
Hơn 1.000 điểm sụt lún
Qua thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tính đến đầu tháng 4/2020, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý có 7 điểm sụt lún, với chiều dài khoảng 200m (trong đó, tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có 4 điểm, dài 95m tuyến Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc có 3 điểm, dài hon 100m, cùng nhiều vết rạn nứt).
Tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới) sụt lún với chiều dài 240m (trong đó, trượt sâu từ 2-3m là 210m, từ 0,8-1m là 30m) và nguy cơ sụt lún thêm 4.000m.
Đối với lộ giao thông nông thôn có 1.136 điểm sụt lún với chiều dài gần 25.000m. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 1.109 điểm (712 điểm sụt lún lộ bê tông, dài hơn 13.200m và gần 400 điểm sụt lún lộ đất đen, dài 10.000m); TP Cà Mau có 15 điểm sụt lún, dài 750m huyện U Minh có 12 điểm sụt lún, dài hơn 600m.
Huỳnh Hải