1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đường cao tốc Việt Nam không đắt nhất thế giới

(Dân trí) - Kết quả so sánh và phân tích về suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam cho thấy rẻ hơn nhiều so với Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Âu và Mỹ. Bộ Xây dựng khẳng định, đường cao tốc Việt Nam không đắt nhất thế giới.

Việt Nam bắt đầu triển khai xây dựng đường cao tốc từ năm 2005, theo kế hoạch đến năm 2015 sẽ xây dựng được 600km đường cao tốc. Hiện việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn xuất phát điểm và sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn 2015 - 2020.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ về suất đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam cho thấy, các tuyến cao tốc ở Việt Nam có suất đầu tư cụ thể như sau: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: 8.55 triệu UDS/km; cao tốc Nội Bài - Lào Cai: 6,9 triệu USD/km; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 12.48 triệu USD/km; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tính trung bình là 17.83 triệu USD/km, trong đó đoạn từ Km0 - Km23+900 là 28.49 triệu USD/km, đoạn từ Km23+900 - Km54+982 là 9.93 triệu USD/km.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành có suất đầu tư trung bình là 25.76 triệu USD/km, trong đó đoạn từ Km21+744 - Km 32+450 là 60.75 triệu USD/km, đoạn từ Km0 - Km21+744 và 32+450-57+700 là 17.84 triệu USD/km; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là 11,27 triệu USD/km; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là 4,19 triệu USD/km.

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245km, nhưng suất đầu tư xây dựng chỉ 6,9 triệu USD/km
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245km, nhưng suất đầu tư xây dựng chỉ 6,9 triệu USD/km

Trong khi đó, kết quả so sánh với 4 tuyến đường cao tốc tại Hàn Quốc cho thấy, suất đầu tư của đường cao tốc của nước này tại tuyến số 600 ở Busan là 38.8 triệu USD/km; Tuyến Sangjoo - Yeongduk có suất đầu tư là 21.8 triệu USD/km; Tuyến Sangjoo - Yeongduk đoạn số 13 suất đầu tư lên tới 62.5 triệu USD/km và tuyến nối số 2 tại Busan - PPP là 23.0 triệu USD/km.

Còn ở Trung Quốc, đường cao tốc Thanh hải - Lan Châu - Thiểm Tây có suất đâu tư 7.6 triệu USD/km; Đường cao tốc An kang đến Xi'an của tỉnh Shanxi được đầu tư xây dựng với giá 14.3 triệu USD/km.

Tại Nhật Bản, suất đầu tư xây dựng đường cao tốc Tomei (tỉnh Ibaraki) là 39.6 triệu US/km; Đường cao tốc Bắc Kanto, tỉnh Guma - tỉnh Tochigi có suất đầu tư là 65.0 triệu USD/km.

Ở các nước châu Âu, điển hình là Tây Ban Nha, theo báo cáo của Báo cáo của Getinsa Ingenieria S.L, đường cao tốc R-3 Expressway Madrid-Arganda del Rey and R-5 Expressway Madrid-Navalcarnero and M-50 between A-6 and M-409. Province of Madrid có suất đầu tư là 11.1 triệu USD/km; Barcelona's Orbital Expressway. Section: Abrera - Olesa de Montserrat. Province of Barcelona có suất đầu tư là 23.0 triệu USD/km.

Tại Hoa Kỳ, theo báo cáo của Cục đường bộ Liên Bang - Hoa Kỳ (FHWA)-2006 đường cao tốc áp dụng theo khu vực đồng bằng, xây dựng mới khu vực đồng bằng là 17.4 triệu USD/km và xây dựng mới khu vực đô thị có suất đầu tư là 34.8 triệu USD/km.

Chiểu theo những tính toán trên cho thấy, suất đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam không cao. Ở trong khu vực châu Á thì suất đầu tư của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc và Nhật Bản; với khu vực châu Âu và Mỹ thì suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam cũng mức tương đương và thấp hơn.

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho biết, đường cao tốc ở Việt Nam có đặc điểm chung là thường có chiều dài không lớn, ngoại trừ cao tốc Nội Bài - Lào Cài (dài 245km) thì các tuyến còn lại chủ yếu dưới 100km; Điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp nên phải xây dựng nhiều công trình cầu, cống và phải xử lý nên đất yếu, sụt trượt, kiên cố hóa công trình với khối lượng lớn;

Khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ nên thời gian xây dựng dự án kéo dài gây phát sinh chi phí dẫn tới tăng tổng mức đầu tư và chịu ảnh hưởng của biến động giá, trượt giá; Các dự án có tổng mức đầu tư lớn thường huy động vốn vay ODA, OCR, vay thương mại nên phải chịu lãi vay và các điều kiện vay…

Theo Bộ Xây dựng, để so sánh được suất đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung thì cần phải có những dự án tương đồng về điều kiện địa hình, địa chất và các tiêu chuẩn thiết kế… Nhưng thực tế không thể thu thập được những dự án có điều kiện tương đồng theo các cơ sở này để thực hiện so sánh chuẩn mực.

Châu Như Quỳnh