Thanh Hóa:
Được đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa, đường xuống cấp nhanh chóng
(Dân trí) - Mặc dù mới được đầu tư 2,6 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp, thế nhưng tuyến đường giao thông Thanh Bình- Sơn Thủy thuộc xã Tân Bình huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) đã xuống cấp dù mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu.
Công trình sửa chữa tuyến đường giao thông Thanh Bình - Sơn Thủy với mục tiêu đảm bảo thuận lợi giao thông đi lại cho nhân dân trong địa bàn, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Công trình được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường GTNT loại B, điểm đầu tại Km0+00 thôn Thanh Bình, điểm cuối Km 1+19,54 tại thôn Sơn Thủy.
Dự án có tổng mức đầu tư 2,6 tỷ đồng, nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước theo Quyết định 4776/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phân bổ kinh phí Trung ương hỗ trợ cho tỉnh để thực hiện nhiệm vụ của địa phương, nguồn trong dự toán ngân sách 2015. Công trình được giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Như Xuân làm chủ đầu tư thực hiện.
Theo Quyết định số 1155/QĐ-UBND ngày 18/6/2015 về việc phê duyệt báo cáo KTKT, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình thì thì đây là tuyến đường GTNT loại B theo tiêu chuẩn 22TCN210-92 có tổng chiều dài 1.720m; chiều rộng nền đường 4 mét; chiều rộng mặt đường 3m, lề đường rộng 2x0,5m.
Kết cấu đường gồm có 4 lớp: lớp 1: Mặt đường láng nhựa dày 2,5 cm; lớp 2: cấp phối đá dăm TC loại I dày 16 cm, độ chặt K98; lớp 3: cấp phối đá dăm tiêu chuẩn loại II dày 18 cm, độ chặt K98; lớp 4: nền đất cấp III, độ chặt K95. Công trình thoát nước dọc bằng chảy tỏa và rãnh dọc hình thang trong những đoạn nền đường đào không gia cố; thoát nước ngang bằng 2 cống đệm móng bằng đá dăm 4x6 dày 10 cm.
Theo ghi nhận của PV, tuyến đường dù mới được thi công sửa chữa lại nhưng nhiều điểm mặt đường bong tróc, nhiều điểm lề đường bị nước xói mòn kết cấu không đảm bảo theo quy định. Kết cấu mặt đường láng nhựa mỏng, phía taluy âm, taluy dương khu vực đầu tuyến, hệ thống thoát nước nơi có, nơi không.
Một số người dân sống ở đây nhận định, nếu hệ thống cống, rãnh thoát nước khu vực này không được gia cố đảm bảo thì khi có mưa lớn kéo dài, nước từ trên triền dốc đổ xuống sẽ gây xói mòn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến kết cấu đường.
Ông Lê Hữu Đồng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, công trình đường giao thông Thanh Bình - Sơn Thủy ngoài phục vụ trực tiếp cho 51 hộ với 221 nhân khẩu thôn Sơn Thủy còn phục vụ cho toàn dân trong xã.
“Khu vực đầu tuyến có độ dốc cao, năm 2016 từng hai lần xảy ra sạt lở. Chính quyền xã hàng năm phải 2-3 lần huy động nhân dân khơi thông cống rãnh để ngăn chặn lở. Địa phương có phản ánh lên đơn vị thi công về việc tại sao không xây dựng hệ thống thoát nước kiên cố hai bên taluy đường để ngăn chặn sạt lở thì được biết hạng mục không có trong thiết kế. Trận mưa lớn kéo dài hồi tháng 10/2016 khu vực này đã xảy ra sạt lở, nước xói mòn ăn sâu vào tâm đường. Địa phương có phản ánh lên huyện và nhà thầu thì họ mới xuống kiểm tra để khắc phục lại” – ông Đồng cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Hà Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Như Xuân khẳng định: “Trong quá trình thi công, Ban thường xuyên cử 1 cán bộ phụ trách kỹ thuật để giám sát. Thiết kế như thế nào thì nhà thầu sẽ phải thực hiện như thế ấy”.
“Trước khi bàn giao cho xã quản lý, khu vực này cũng đã bị sạt lở, Ban đã yêu cầu đơn vị thi công xuống khắc phục sự cố. Công trình hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng hồi đầu tháng 1/2016, đến tháng 12/2016 thì hết hạn bảo hành. Khi hết bảo hành thì bàn giao cho xã quản lý sử dụng, xã chịu trách nhiệm” – ông Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn thì hiện tại, Thanh tra nhà nước đang tiến hành thanh tra 23 công trình xây dựng trên địa bàn huyện, công trình này cũng nằm trong số đó và chưa có kết luận.
Bình Minh