Đắk Nông:
Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, di tích thành… phế tích (!)
(Dân trí) - Khu căn cứ kháng chiến B4 được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, được đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng, sau đó là tu sửa, cải tạo. Tuy nhiên, sau 6 năm, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí, hạng mục của di tích giờ chỉ còn là… phế tích.
Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV (xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) trong kháng chiến chống Mỹ giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương. Đây là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất tại tỉnh Quảng Đức cũ (nay là tỉnh Đắk Nông), cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cho các vùng khác để cứu đói.
Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam.
Ngày 17/3/2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là di tích cấp Quốc gia. Trên cơ sở đó, tỉnh Đắk Nông cũng đã quyết định đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng, trùng tu các hạng mục: khu công sự, khu văn phòng liên tỉnh IV, phòng làm việc Ban cán sự B4, hội trường, trạm quân y, cầu qua khu căn cứ, đường nội bộ khu căn cứ, khu khánh tiết (nhà lưu niệm, bia tưởng niệm, tượng đài) và trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường ở khu căn cứ cách mạng Nâm Nung.
Năm 2013, công trình này hoàn thành việc xây dựng và đi vào sử dụng. Tuy nhiên, qua 6 năm, tất cả các hạng mục nói trên đã hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều hạng mục không thể sử dụng do mục nát, gãy đổ… Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia bị bỏ không nhiều năm trở nên hoang hóa, lãng phí.
Cụ thể, tại khu vực nhà điều hành chỉ có 1 bảo vệ, toàn bộ các phòng ốc của tòa nhà lớn đều bỏ hoang. Bờ tường của tòa nhà thấm dột, nứt nẻ, nhiều thiết bị điện xuống cấp… Trước đây, khu nhà này được UBND xã Nam Nung mượn tạm để sử dụng trong khi chờ sửa chữa trụ sở, tuy nhiên do thấm dột và quá xuống cấp, nên mượn được một thời gian là xã Nam Nung cũng trả lại, không thể sử dụng được nữa.
Tại cụm tượng đài với chủ đề “Đoàn kết chiến thắng”, từ bệ tượng đến thân tượng nhiều chỗ bị bong nứt, có dấu hiệu hư hỏng. Trong đó, lưỡi lê trên khẩu súng của bức tượng bộ đội bị gãy nhưng chỉ được sửa chữa qua quýt, thiếu thẩm mỹ. Lư hương nằm chỏng chơ, nghiêng ngả, bạc màu rêu phong, một chân bị gãy phải dùng gạch chèn vào và có nguy cơ không còn trụ vững…
Một người dân được thuê trông coi khu vực này cho biết, do không có người sử dụng và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên khu nhà khách và nhà trưng bày đều hư hỏng, hiện không thể sử dụng được. Thi thoảng có người ghé đến đây thăm viếng thì ông mới ra mở cửa chứ không ở đây thường xuyên.
Khu kháng chiến tại Khu di tích này cũng trong tình trạng tương tự. Do nằm cách xa trung tâm, bị người dân xâm chiếm làm đất sản xuất nên tổng thể của khu kháng chiến đã hoang hoá, cỏ mọc rậm rạp. Hiện tại chỉ còn phần nền lán trại này ở trên đất.
Đường giao thông vào khu kháng chiến đã xuống cấp trầm trọng, bảng chỉ dẫn bị gãy đổ, gỉ sắt. Toàn bộ mái của các hạng mục lán trại đều làm bằng tranh tre, nứa nên qua thời gian đã bị sập, mối mọt hết. Đặc biệt, vào mùa mưa một số cây cầu bắc qua suối bị nước cuốn trôi, không thể qua lại được.
Một lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho biết, khu đài tưởng niệm và nhà khánh tiết được xây dựng bằng xi măng, bê tông cốt thép nên dấu hiệu xuống cấp chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các hạng mục làm bằng gỗ, tre… tại khu kháng chiến hầu hết đã bị hư hỏng, mục nát, xập xệ. Nguyên nhân là do sau khi hoàn thành, khu di tích không được quan tâm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên.
“Hiện tại, dù đã đi vào sử dụng hơn 6 năm nhưng công trình vẫn chưa thanh quyết toán xong. Đơn vị quản lý là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông có đề nghị bàn giao về cho huyện quản lý, sử dụng, tuy nhiên trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng như hiện nay thì chúng tôi chưa dám nhận”, một lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho hay.
Trước tình trạng xuống cấp của Khu di tích lịch sử này, ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông đã đến kiểm tra. Ông Diễn đã phê bình nghiêm khắc trách nhiệm của đơn vị quản lý trong việc buông lỏng, dẫn tới di tích bị xuống cấp, làm mất ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như gây lãng phí, phản cảm. Ông Diễn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp, có giải pháp giao cho tổ chức, đơn vị quản lý phù hợp để phát huy giá trị của Khu di tích căn cứ kháng chiến B4.
Dương Phong