1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Được chạm vào con sau gần một năm cầu cứu, mẹ tiếp tục phải bế con đi trốn

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Hành trình gần một năm viết đơn cầu cứu, đòi con của chị Cấn Thị Thùy Dương (Bắc Ninh) đã kết thúc bằng cuộc đoàn tụ đầy nước mắt, ngày 16/5.

Chiều 16/5, đoàn công tác gồm Công an TP Bắc Ninh, cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh, Hội Phụ nữ… đã đến nhà riêng của anh Đàm Truyền Khải chứng kiến và làm thủ tục bàn giao bé Đ.G.T. (20 tháng tuổi) cho chị Thùy Dương (33 tuổi, vợ cũ anh Khải, trú TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Mẹ được ôm con sau 10 tháng viết đơn cầu cứu

Cuộc hội ngộ này là cái kết có hậu sau hành trình gần một năm chị Dương viết đơn thư cầu cứu đòi con sau ngày tòa đưa ra phán quyết ly hôn giữa chị và anh Khải.

Được chạm vào con sau gần một năm cầu cứu, mẹ tiếp tục phải bế con đi trốn - 1

Cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh làm thủ tục bàn giao cháu T. cho chị Dương (Ảnh: Danh Trọng).

Giây phút gặp lại con trai, chị Dương rơi nước mắt vì cuối cùng chị đã được "chạm vào người con".

"Em đây rồi, mẹ nhớ em lắm. Em có nhớ mẹ không. Mẹ ôm em này!", chị Dương vừa nói vừa khóc sau 10 tháng xa con.

Bàn giao con cho vợ cũ, anh Khải cho hay cháu T. ở với bố rất khỏe mạnh, được chăm sóc chu đáo. Người bố bày tỏ, nếu con không được mẹ nuôi dưỡng đảm bảo, anh sẽ đòi lại quyền nuôi dưỡng.

"Tôi không phản đối vợ nuôi con, chỉ lo lắng cháu không được chăm sóc tốt. Đừng nghĩ được nuôi con rồi sau đó bỏ bê", anh Khải nói.

Được chạm vào con sau gần một năm cầu cứu, mẹ tiếp tục phải bế con đi trốn - 2

Chị Dương hạnh phúc khi được "chạm vào con" sau 10 tháng gửi đơn cầu cứu (Ảnh: Danh Trọng).

Trước trao đổi của anh Khải, đại diện Chi cục Thi hành án TP Bắc Ninh giải thích, cháu T. là con chung, được pháp luật giao cho mẹ chăm sóc. Thời điểm anh chị ly hôn, cháu T. còn nhỏ nên pháp luật giao cho chị Dương chăm sóc.

"Quá trình nuôi dưỡng, nếu chị Dương cản trở người cha thăm gặp hay ngược đãi con, anh Khải có quyền đề nghị tòa thay đổi quyền nuôi con và giao cho anh chăm sóc", đại diện Chi cục thi hành án TP Bắc Ninh nói.

Cảm ơn sự nhận thức của anh Khải và tinh thần trách nhiệm của chị Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiếu - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Bắc Ninh nhắc nhở, pháp luật trao quyền nuôi dưỡng cho chị Dương đi liền với việc chị có trách nhiệm nuôi dưỡng con chu đáo.

"Khải và Dương tìm hiểu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Một ngày ở cùng nhau cũng nên nghĩa vợ chồng. Cả hai hãy cố gắng gạt bỏ những mâu thuẫn để ứng xử với nhau tốt hơn, có tình người hơn, vì tương lai của con", ông Hiếu khuyên.

Cuộc chiến của đôi vợ chồng và tiếng khóc trẻ thơ

Sau buổi bàn giao, chị Dương ôm con ra xe định về nhà bố mẹ đẻ thì anh Khải bất ngờ chạy lại ôm lấy con nói "con sợ vì chưa quen mẹ, để tôi đưa con về nhà vợ cũ". Vừa nói anh vừa bế con lên xe của cán bộ Chi cục Thi hành án về nhà chị Dương.

Đưa cháu bé về nhà chị Dương an toàn, đoàn công tác ra về còn anh Khải vẫn tiếp tục ở lại. Thấy chị Dương bế con nhưng con khóc, người bố vừa giằng lại vừa nói "tôi bế nó mới ngoan". Sau đó, hai người lớn tiếng, còn cháu T. khóc lớn.

Được chạm vào con sau gần một năm cầu cứu, mẹ tiếp tục phải bế con đi trốn - 3

Đoàn công tác nhiều lần làm việc, thuyết phục anh Khải (áo tím) bàn giao con cho vợ cũ nhưng đến nay mới có kết quả (Ảnh: Danh Trọng).

Trước tình thế này, gia đình chị Dương liền gọi điện nhờ công an đến hỗ trợ. Khoảng 10 phút sau, ông Nguyễn Mạnh Hiếu tiếp tục quay lại nhà chị Dương để hòa giải, khuyên anh Khải về nhà. Trong khi đó, anh Khải cho rằng vợ cũ không cho anh thăm gặp con.

"Tôi có quyền thăm nuôi con. Pháp luật đã cho phép, giờ tôi sẽ ở luôn đây để theo dõi, không ai được cấm cản. Tôi sẵn sàng nghỉ việc, thuê nhà bên cạnh để theo dõi con", anh Khải nói.

Anh Khải sau đó chạy tới giằng con từ tay vợ cũ khiến cháu bé khóc thét. Sợ chồng cũ lại mang con đi, chị Dương vội bế con lên xe taxi đến nhà một người họ hàng ở tạm. Còn anh Khải tiếp tục đứng trước cửa nhà chị lớn tiếng và kiên quyết không về.

Theo lời chị Dương, sáng nay (17/5), anh Khải lại 2 lần đến nơi hai mẹ con chị đang ở nhờ, chị phải tránh mặt vì sợ không có cơ quan chức năng ở đó chồng cũ lại bế con đi.

"Mấy hôm nữa đợi ổn định hai mẹ con tôi sẽ về nhà chứ không thể đi ở nhờ mãi được", chị Dương nói.