1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

“Dũng mỹ nghệ” và những học viên khuyết tật

(Dân trí) - Sau một thời gian mở lớp dạy nghề miễn phí cho các đối tượng bị tật nguyền, bằng tâm huyết và tình cảm, anh Dũng có thể tự hào rằng những học viên đã có thể sống với nghề theo anh nói là lắm gian nan: “chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp”.

Trong chuyến công tác tại vùng Cùa, huyện Cam Lộ, chúng tôi được nghe câu chuyện “cổ tích” thời hiện đại mà mọi người truyền tai nhau, đó là câu chuyện về người “thầy” trẻ của những số phận kém may mắn. 

Mới nghe qua, thật khó để hình dung được những việc làm thường nhật mà anh Nguyễn Quang Dũng (SN 1976, ở xã Cam Nghĩa) vẫn đang cực công, để "chắp cánh" tương lai cho những mảnh đời không may.

Anh Dũng luôn mong muốn những học viên của mình có thể học và sống được bằng nghề
Anh Dũng luôn mong muốn những học viên của mình có thể học và sống được bằng nghề

Nặng lòng với người khuyết tật

Để có thể hiểu sâu hơn về hoạt động của anh Dũng, cũng như được “mục sở thị” việc làm của các em, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ do anh Dũng làm chủ. Thật khó có thể tượng tượng, từ những gốc cây đơn thuần nhưng qua bàn tay khéo léo, và tâm hồn giàu trí tưởng tượng, đã biến thành những bức tượng độc đáo, có hồn. Điều đặc biệt hơn, những bức tượng nói trên lại được chế tác bởi các bạn học viên tật nguyền.

Không để khách ngạc nhiên, anh Dũng giải thích: “Đôi tay của các em đã trở nên dẻo dai và thành thạo hơn so với những ngày đầu về trung tâm - Các anh nhìn cũng thấy đấy. Hiện các em đã có thể chế tác được những sản phẩm phức tạp, tinh xảo và yêu cầu về tính nghệ thuật cao hơn rồi”.

Những học viên tại Trung tâm của anh Dũng chủ yếu là các bạn thanh niên tật nguyền. Thậm chí, có em còn bị thiểu năng trí tuệ, em bị dị tật chân… Nhưng cả thầy và trò đều giống nhau ở một điểm là có niềm đam mê với đồ gỗ mỹ nghệ.

Anh Dũng luôn mong muốn những học viên của mình có thể học và sống được bằng nghề

Anh Dũng cho biết, việc chạm khắc những gốc, thân cây thành những bức tượng đủ hình hài, được thị trường chấp nhận không hề đơn giản chút nào. Ban đầu là khâu lựa chọn những gốc cây nào có thể chế tác, chất lượng gỗ thế nào cho đạt? Tiếp đó là cách quan sát và sự sáng tạo của người chế tác, chỉ sơ suất chút thôi là gốc cây đẹp bị hỏng ngay. Người chế tác phải có đôi mắt tinh tường mới tạo được những bức tượng đẹp. Công việc chế tác theo như anh Dũng nói là người thợ phải “hóa thân, thổi hồn” vào từng thớ gỗ.

Từng có thời gian hoạt động trong ngành xây dựng, nhưng với niềm đam mê chế tác mộc mỹ nghệ từ nhỏ, Dũng đã bỏ ngang công việc đang làm để vào Huế xin học nghề. Sau hơn 3 năm theo học, anh trở về quê và bắt tay vào việc mở xưởng gỗ như hiện nay. Ban đầu, do kinh phí hạn hẹp, nhờ vay mượn người thân, bạn bè nên chỉ đủ cho anh mua vật liệu và một số máy móc. Khi mọi việc đã đi vào ổn định, anh mới quyết định đầu tư thêm một số máy tiện để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình.

Sau khi đã tạo được nền tảng cơ bản cho cơ sở, Dũng đã nghĩ ngay đến việc truyền nghề cho người khác nhằm đưa nghề mộc mỹ nghệ phát triển hơn nữa tại vùng đất “đầy rẫy sự chết chóc” vì bom đạn này. Và điều khiến mọi người bất ngờ, anh không chọn đào tạo những người có thể chất hoàn thiện mà hướng đến những số phận kém may mắn hơn. “Sỡ dĩ mình chọn những đối tượng bị tật nguyền và đưa về đào tạo là muốn giúp đỡ các em có được một công việc phù hợp, có thể sống được bằng đôi tay và khối óc của mình. Lỡ sau này ra đời, các em có thể kiếm được tiền nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình” – anh Dũng bày tỏ.

Những học viên tại Trung tâm đều nhận được sự chỉ bảo, uốn nắn tận tình bởi người thầy tâm huyết
Những học viên tại Trung tâm đều nhận được sự chỉ bảo, uốn nắn tận tình bởi người thầy tâm huyết

Ý tưởng nói trên của anh Dũng cũng xuất phát từ tình thương, sự đồng cảm với những người kém may mắn hơn. Bởi, chính anh cũng có anh trai và em gái bị tật nguyền và được cộng đồng giúp đỡ. Bây giờ họ đã sống được bằng chính sức lao động của mình nên hơn ai hết anh thấu hiểu được điều đó, thông cảm với những thiệt thòi của họ.

Ban đầu anh làm việc với chính quyền xã về ý tưởng mở Trung tâm dạy nghề mộc mỹ nghệ, và được chính quyền các địa phương đồng tình. Cá nhân anh nghĩ, nghề mộc mỹ nghệ sẽ phù hợp hơn đối với sức khỏe và khả năng của các em. Dù rất nhiều nơi đã phát triển nghề mộc, nhưng tại địa bàn Quảng Trị thì nghề này còn khá mới mẻ với nhiều người.

Khi đã có trong tay danh sách về các em, anh đi đến từng gia đình để thuyết phục người thân cho con theo anh học nghề. Nghe qua câu chuyện, ai nấy đều vui vẻ khi có người hướng nghiệp cho con mình. Tuy nhiên, ban đầu anh chỉ nhận khoảng 10 em về đào tạo dù trong danh sách được anh liệt kê khá cặn kẽ về tên tuổi, hoàn cảnh gia đình của trên 30 em, thuộc địa bàn 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa (thuộc huyện Cam Lộ).

“Tôi dự định đầu năm 2015 sẽ nhận thêm khoảng 10 em nữa về đây học nghề. Bản thân tôi luôn trằn trọc suy nghĩ rằng làm sao để có thể dành thời gian hướng dẫn cho các em, làm sao để các em có thể học được, làm được nghề. Chất lượng mới là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải số lượng học viên nhiều hay ít” – anh Dũng chia sẻ.

Người “thầy” cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Vốn là những thanh niên không nghề nghiệp, việc học hành dở dang, hay mặc cảm về bản thân, phần lại do hoàn cảnh khó khăn nên hầu hết các học viên trong xưởng mỹ nghệ của anh Dũng đều không có điều kiện để học nghề. Và chỉ đến khi được "đặt chân" vào  trung tâm dạy nghề của anh Dũng, các em mới vượt qua được mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, để rồi dần ý thức hơn về trách nhiệm và cuộc sống của chính mình.

Trong số các học viên đang học việc ở đây, có đến 5 em bị khiếm khuyết, bị thiểu năng trí tuệ,…nhưng qua một thời gian học việc, các em đã làm được những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ của tư duy và khối óc. Chỉ cho chúng tôi xem các bức tượng phật quan âm, phật di lặc, quan công, ngũ đồng, tam đa…được làm khá bắt mắt, anh Dũng nói: “Những sản phẩm tinh xảo như vậy nhưng các em đã làm được rồi đấy. Chỉ một thời gian nữa thôi các em sẽ hoàn thiện hơn và có thể tự mình sáng tạo những sản phẩm khác mà không nhất thiết phải có sự chỉ bảo của ai nữa”.

Từ ngày về trung tâm học nghề, Trình đã quên đi sự mặc cảm, tự ti để cố gắng trong công việc
Từ ngày về trung tâm học nghề, Trình đã quên đi sự mặc cảm, tự ti để cố gắng trong công việc

Ngoài việc truyền nghề miễn phí cho các em khuyết tật, anh Dũng còn nuôi cơm cho tất cả các học viên. Nếu em nào ở xa và muốn lưu lại trung tâm, anh đều bố trí cho chỗ nghỉ ngơi. Để tạo điều kiện cho các em hăng say học nghề, anh khuyến khích các học viên tạo ra sản phẩm. Nếu sản phẩm nào đạt chất lượng và được thị trường chấp nhận thì sẽ bán lấy tiền, trừ chi phí vật liệu thì dư bao nhiêu, coi như đó là khoản “lương” dành cho các em.

Những sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo của người thợ
Những sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo của người thợ

Nói về người thầy đã truyền nghề cho mình, em Nguyễn Văn Tình (SN 1996, ở Phương An 2, Cam Nghĩa) bày tỏ: “Từ khi về trung tâm học việc, chúng em được thầy Dũng truyền nghề, nuôi cơm miễn phí. Thầy giúp đỡ, uốn nắn các em từng chi tiết, khơi gợi trí sáng tạo để làm sao tạo được những sản phẩm gỗ phù hợp, đẹp mắt. Ban đầu các em còn bỡ ngỡ, nhưng bây giờ thì đã tự mình khắc chạm được rồi”.

Em Tình bị thiểu năng trí tuệ, gia đình khó khăn, lại đông anh em nên chỉ học hết lớp 5 là nghỉ học. Lúc về trung tâm học nghề đến nay, Tình luôn tỏ ra là học viên chăm ngoan, chịu khó học hỏi từ thầy và các anh đi trước. Hiện em đã tự mình chế tác được các tình tiết phức tạp, tạo hồn cho bức tượng.

Tại trung tâm của anh Dũng, không khi nào ngớt tiếng đục đẽo, tiếng máy khoan. Hàng ngày các em hóa thân vào những bức tượng và thỏa sức sáng tạo ra sản phẩm. Trong môi trường như vậy, các em đều chăm chỉ và luôn quyết tâm thay đổi số phận của mình. Hơn hết, công việc đã giúp các em quên đi những khiếm khuyết, sự mặc cảm, tự ti để hòa hợp với cộng đồng xã hội.

Em Anh đã chế tác được những chi tiết phức tạp, tạo hồn cho bức tượng
Em Anh đã chế tác được những chi tiết phức tạp, tạo hồn cho bức tượng

Em Cao Hữu Anh (ở xã Cam Nghĩa) nói: “Trước đây em hay bị mặc cảm trước mọi người vì nghĩ rằng bản thân mình không làm được việc gì có ích, thạm chí là gánh nặng cho gia đình. Nhưng nhờ thầy Dũng cưu mang, truyền nghề miễn phí nên giờ đây em đã thích nghi được với cuộc sống, hiểu được giá trị của lao động, và hơn hết là em đã biết chế tác được những sản phẩm nhờ sự chỉ bảo tận tình của anh Dũng”.

Việc tạo lập được cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ phát triển như hiện nay và nhận giúp đỡ dạy nghề cho những cảnh đời kém may mắn trong xã hội, coi như đã đạt được một phần nguyện vọng của bản thân. Tuy nhiên, anh Dũng vẫn luôn mong muốn được tiếp cận một nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư mua vật liệu và một số thiết bị phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo nghề. Anh luôn mong muốn sản phẩm của cơ sở mình, của các em làm ra sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khắp mọi miền chứ không chỉ dừng lại ở vài địa bàn như hiện nay.

Đăng Đức