1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Phước:

Dựng mái ấm cho những mái đầu bạc neo đơn

(Dân trí) – Tôn tạo ngôi Phật tự hoang phế hơn 20 năm, xây hơn 10 nhà tình thương, băng mình đến vùng sâu cứu trợ các gia đình khốn khó, xây dựng nhà dưỡng lão đầu tiên của tỉnh… là công việc thầm lặng của thầy Thích Chơn Lý, chùa Chưởng Phước (Bình Long).

Từ những chuyến lặn lội vùng sâu

Nói về cơ duyên đưa mình về vùng đất khô cằn Bình Long (Bình Phước), thầy Chơn Lý (37 tuổi, quê ở Đồng Nai, xuất gia từ năm 12 tuổi) vẫn ghi nhớ lời dạy của một vị cao tăng: “Quý thầy trẻ tuổi nên đến các vùng sâu xa…”

Thế là năm 2004, thầy về tiếp quản chùa Chưởng Phước. Bấy giờ, chùa chỉ có ngôi chính điện, gần như hoang phế hơn 20 năm. Trông coi chùa là một sư cô ngoài 70, mắt đã lòa, may nhờ có Phật tử ở gần hằng ngày lui tới đút cơm. Vậy nên, từ cái ly, cái chén, mùng mền… thầy Chơn Lý đều phải tự đi mua.

Bước đầu tiên trên con đường hoằng pháp, thầy truyền đạt lời dạy của đức Phật cho mọi người thấu hiểu. Từ đó, họ biết sống hướng thiện hơn. Mưa dầm thấm đất. Dần dần, Phật tử ngày càng đông và chung tay giúp thầy xây lại ngôi chùa.

Dựng mái ấm cho những mái đầu bạc neo đơn  - 1
 
 Bằng khen của chính quyền vì sự cống hiến của thầy xếp thành hàng dài
 
6 năm đến vùng đất lạ, thầy đã làm được nhiều việc mà đôi khi cả đời người chưa làm được. Dựng lại ngôi chùa, xây nhà tình thương, tổ chức khám bệnh, phát thuốc, lặn lội vào vùng sâu vùng xa thăm và tặng quà cho hàng ngàn hộ nghèo. Mỗi năm trôi qua, danh sách nhà tình thương do thầy vận động xây dựng ngày càng dài thêm...
 
Nhận ngôi nhà tình thương như một phép màu, cô Nguyễn Thị Lan, ở số 36, tổ 2, ấp Phú Lạc, Bình Long vô cùng cảm kích: “Nhà có 3 đứa con, phải lo việc ăn học tụi nhỏ cũng đủ tối tăm mặt mũi rồi, đành ở trong cái nhà dột nát. Đến khi chùa cho tiền xây nhà mà tôi cứ tưởng là nằm mơ. Từ nay yên tâm làm ăn, cũng đỡ lo cho sức khỏe tụi nhỏ. Thầy Thích Chơn Lý về đây giúp nhiều nhà lắm. Dân làng này ơn thầy nhiều lắm”.

Rồi cùng với chiếc xe hơi – tài sản quý giá duy nhất và cũng là kỷ vật của thân mẫu để lại, thầy Chơn Lý rong ruổi vào tận những chốn thâm sơn cùng cốc, khi thì hướng đạo cho các đoàn hảo tâm, khi thì tự mình đem gạo muối, thuốc thang chia sẻ cho những gia đình khốn khó.

Dựng mái ấm cho những mái đầu bạc neo đơn  - 2
Lãnh đạo địa phương rất hào hứng đến đặt viên đá đầu tiên xây nhà dưỡng lão
 
Dựng mái ấm cho những mái đầu bạc neo đơn  - 3
Chăm chút từng công đoạn xây nhà dưỡng lão
 
Có đến tận nơi mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của bà con ở vùng sâu vùng xa, đường sá hiểm trở khiến xe không vào được, điều kiện sinh hoạt và y tế rất thiếu thốn. Lúc đó, thầy đau đáu nghĩ về một ngôi nhà dưỡng lão, để các cụ neo đơn có được mái ấm  tuổi xế chiều.

Nhà dưỡng lão đầu tiên của tỉnh Bình Phước

Nhân duyên hội đủ năm 2009, khi một Phật tử hiến cúng cho chùa gần 2000 m2 đất, rồi thầy kêu gọi những người có tâm đạo phụ giúp, mua thêm 5000 m2. Dự kiến giai đoạn 1, nhà dưỡng lão có 6 phòng 40m2 và 12 phòng 20m2, trước mắt sẽ nhận 20 - 30 cụ.  
 
Không quản ngày đêm, thầy một mình đi từng nhà vận động để người dân vui vẻ hiến đất mở lộ, làm đường vào khu đất xây nhà dưỡng lão. 
 
Phật tử vùng quê nghèo, kẻ góp chút gạch, người phụ bao xi măng... ngôi nhà dưỡng lão mọc lên từ những tấm chân tình như thế đấy. Đến nay, nhà đã xây xong tầng trệt.
 
Mục tiêu đề ra là đảm bảo việc ăn uống, trị bệnh và nâng đỡ tinh thần cho các cụ. Đến khi họ mãn phần thì sẽ được chôn cất miễn phí. Hiện cũng đã có các bác sĩ tình nguyện sẽ đến làm việc tại trung tâm dưỡng lão.
 
Dựng mái ấm cho những mái đầu bạc neo đơn  - 4
 
Hiện có 3 cụ tạm thời ở trước, trong đó có cụ Nguyễn Thị Dách (74 tuổi) không ai nuôi dưỡng...

Chính quyền địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ, bởi đây là việc làm hết sức thiết thực khi cả tỉnh Bình Phước chưa có nhà dưỡng lão. Mặc dù nhà chưa xây xong nhưng Phòng LĐ-TB-XH và Hội Chữ thập đỏ đã đăng ký gửi các cụ vào.

Tuy nhiên, niềm mong mỏi của những mái đầu bạc neo đơn ở Bình Phước vẫn đang dở dang với một dãy phòng ngang 13m, dài 24m. Chi phí dự kiến ban đầu là 500 triệu nhưng hiện tại tăng lên khoảng 700 triệu đồng.
 
Dựng mái ấm cho những mái đầu bạc neo đơn  - 5
Bảng vật tư còn thiếu, cần sự chung tay, góp sức để mái nhà của các cụ già neo đơn sớm hoàn thành
 
Tâm nguyện của thầy Chơn Lý là nếu được mọi người ủng hộ, sẽ có thêm phòng ăn, phòng y tế, có sân tập dưỡng, công viên, khu trồng rau… để các cụ cảm thấy "ấm áp như ở nhà".

Nhưng để có đủ kinh phí vẫn là bài toán nan giải với thầy Thích Chơn Lý, bởi Bình Phước là tỉnh vùng sâu vùng xa, sự phát tâm cúng dường của quý Phật tử còn eo hẹp. Hơn nữa, cơ sở lại ở nơi hẻo lánh, ít người biết đến. Thầy chỉ lo việc xây dựng không như mong muốn, càng kéo dài nỗi chờ mong của các cụ già neo đơn.

Lê Phương - Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm