DMagazine

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô

(Dân trí) - "Tôi muốn nhấn mạnh rằng kể cả khi danh xưng "công dân thủ đô" trở nên có lợi về mặt vật chất, danh dự, thì có rất nhiều tham số để hình thành nó chứ không chỉ là mấy m2 nhà ở", KTS Trần Huy Ánh nói.

25 năm kể từ khi Hà Nội lên ý tưởng về đề án giãn dân nội đô và 10 năm từ khi đề án được phê duyệt để đi vào thực tiễn, mật độ dân số tại khu vực phố cổ vẫn ở ngưỡng quá cao so với nhiều đô thị trên thế giới (823 người/ha). 

Gần đây nhất, với mục tiêu hạn chế sự tăng dân số cơ học ở nội thành thông qua việc thi hành chính sách, Hà Nội dự kiến quy định diện tích tối thiểu để người dân đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành là 15m2 sàn/người và ngoại thành là 8m2 sàn/người. 

Dù vậy, bài học nhãn tiền là đề án giãn dân phố cổ thất bại sau 10 năm thực hiện cho thấy Hà Nội cần nhiều hơn những chính sách thực tiễn thay vì chỉ đơn giản đưa ra những mệnh lệnh hành chính "đánh đố người dân". Thành phố đứng trước bài toán nan giải về việc làm thế nào để "hút" dân ra khỏi nội thành. 

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 1

Theo sát quá trình phát triển đô thị của Hà Nội kể từ khi thành phố ban hành chương trình nhà ở vào năm 2000, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội KTS Hà Nội, có cái nhìn tổng quan về những vấn đề chính quyền thành phố gặp phải trong quá trình ban hành chính sách giãn dân qua các thời kỳ.

Với đề án gần nhất là giãn dân phố cổ và sắp tới là quy định diện tích tối thiểu, ông Ánh cho rằng cả hai chính sách đều thiếu tính khả thi do chưa tính đến nhiều cơ chế khác, trong đó có bài toán sinh kế của người dân.

Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh để làm rõ hơn câu chuyện này.

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 3

Hà Nội đang lấy ý kiến về diện tích tối thiểu để người dân đủ điều kiện đăng ký thường trú là 15m2 sàn/người ở nội thành và 8m2 sàn/người ở ngoại thành. Ông đánh giá thế nào về tính khoa học và khả thi của dự thảo này?

- Để nói về dự thảo về quy định diện tích tối thiểu đăng ký thường trú, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo phải có biện giải, lập luận, trong đó làm rõ cơ sở để đưa ra mức 15m2 sàn/người. Định mức này rất quan trọng vì nó là dân sinh, dân kế, thể hiện quản trị xã hội; có thể làm thay đổi cả một thế hệ công dân và nằm trong tổng thể phát triển chung của đô thị.

Khi xây dựng chính sách, bất kỳ cơ quan quản lý nào cũng phải có mục tiêu chính trị, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có yếu tố thực tiễn, không thể viển vông. Người đưa ra định mức này cần phải biện giải là tại sao đặt ra định mức ấy, xuất phát từ điều gì.

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 5

Còn nếu lập luận là phải có diện tích tối thiểu như vậy để đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh nhà ổ chuột, thì chúng ta thử nhìn sang Nhật Bản. Ở Nhật, nhiều ngôi nhà chỉ đảm bảo diện tích 6-7m2/người trong thành phố, ngay cả những khu đô thị mới có những căn hộ 30-45m2 cho gia đình 4 người, tương đương khoảng 10m2/người.

Vậy thì tại sao với một đất nước đang phát triển như Việt Nam và cụ thể với một thành phố như Hà Nội, diện tích tối thiểu phải là 15m2/người?

Nói nôm na, Hà Nội đang muốn quy định tiêu chí để người dân trở thành người dân thủ đô là phải có 8-15m2 sàn/người. Trong khi với tiêu chí đó, ngay cả một quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng không thể đạt được.

Cụ thể hơn, ngoài mục tiêu và cơ sở khoa học chưa rõ ràng, ông cho rằng dự thảo quy định trên còn những vướng mắc gì?

- Tôi cho rằng về bản chất, quy định diện tích như vậy cũng không thể giúp biện giải cho hai vấn đề.

Thứ nhất, tại sao người dân lại cố gắng để trở thành công dân thủ đô? Đó là vì họ muốn được tiếp cận hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bao gồm an ninh chính trị, an sinh, y tế, giáo dục, việc làm. Rõ ràng Hà Nội là cực hút phát triển kinh tế, những người đến thành phố sẽ là thành phần không thể tách rời để tham gia vào công cuộc phát triển, tức là họ cũng có cả quyền lợi và nghĩa vụ.

Tóm lại, dù người dân có ở trong căn nhà 5-10 m2/người thì cũng đều có quyền được thụ hưởng những dịch vụ cơ bản nhất và chính quyền đô thị phải đảm bảo được những hạ tầng đó cho người dân.

Mặt thứ hai, người dân đến Hà Nội sinh sống đã đóng góp gì cho sự phát triển của thủ đô? Đây mới là câu hỏi mà các nhà quản lý cần đặt ra để xác định ai xứng đáng trở thành công dân thủ đô.

Nếu chỉ quan tâm đến chuyện nhà cửa thì sẽ xảy ra tình huống người có căn hộ 150-1.500m2 nhưng làm nghề buôn lậu, làm hàng giả, trốn thuế hay những việc phi pháp để trở thành công dân thủ đô thì không thể ưu tiên hơn những người chỉ có vài mét vuông sinh sống nhưng làm ăn buôn bán lương thiện, đóng thuế đầy đủ.

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 7

Tôi chỉ lấy ví dụ một giáo viên dạy toán mấy chục năm làm công ăn lương cũng không thể mua nổi cái nhà, phải đi ở trọ trong căn phòng mấy mét vuông, nhưng chính người đó giúp cho bao nhiêu trẻ em Hà Nội được học hành tử tế. Một người như thế lại không xứng đáng làm công dân thủ đô hay sao? Hay những thầy thuốc tận tâm, tài năng, cứu sống bao người; những nghệ sĩ trí thức đóng góp vào công trình tác phẩm làm giàu vốn văn hóa thủ đô… Họ quá xứng đáng là công dân thủ đô mà không cần biết sở hữu mét vuông nhà ở.

Nói vậy vì tôi muốn nhấn mạnh rằng kể cả khi danh xưng "công dân thủ đô" trở nên có lợi về mặt vật chất, danh dự, phẩm giá, thì có rất nhiều tham số để hình thành nên nó chứ không chỉ là mấy m2 nhà ở.

Vì vậy, tôi cũng không muốn bình luận nhiều đến chuyện 8m2 hay 15m2, vì tiền đề đặt ra sai ngay từ đầu khi quy định m2 sàn nhà để đăng ký thường trú.

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 9

Vậy nhìn lại thực trạng phát triển nhà ở tại Hà Nội trong vòng 10 năm qua, ông có suy nghĩ gì?

- Không chỉ tôi mà chắc hẳn ai cũng thấy rằng trong vòng 10 năm qua, bất động sản ở Hà Nội có sức phát triển vô cùng lớn. Năm 2000, chúng tôi tham gia chương trình nhà ở Hà Nội do Thành ủy chỉ đạo và các sở ngành thủ đô cùng phối hợp, mục tiêu là phấn đấu đưa từ 2,5-4m2/người lên 8m2/người vào năm 2020. Khi đó, tổng quỹ nhà ở toàn thành phố là 12 triệu m2.

Trong suốt 100 năm lịch sử đô thị hóa (1900-2000), Hà Nội đưa vào sử dụng 12 triệu m2 nhà ở, chia bình quân là 4-6 m2/người. Nhưng sau khi sáp nhập Hà Tây, mở rộng Hà Nội giai đoạn 2011-2020, hàng nghìn dự án mới hàng năm xây dựng mới thêm 10-12 triệu m2 sàn nhà ở. Trong một năm, Hà Nội có thể xây dựng số m2 sàn nhà ở bằng 100 năm trước đây.

Nhưng đây không phải miếng bánh được chia đều cho tất cả mọi người. Chỉ cần bước ra khỏi vành đai 3, đi về 4 phương 8 hướng, chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn những khu đô thị đêm tối đen như mực, còn ngày thì hoang phế. Những khu đô thị ma với nhà không cửa, tường không trát, sàn không lát, cỏ mọc um tùm… Đó chỉ là hàng hóa mua đi bán lại, khó có thể định dạng đây là nhà ở để mọi người dân thành phố sinh sống.

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 11

Đấy là chúng ta chưa nói đến những khu đô thị được vẽ ra trong quy hoạch để người dân giao đất. Ví dụ Hòa Lạc rộng hơn 1.500ha, đầu tư hàng tỷ USD, dự định thu hút 600.000 người đến sinh sống… Nhưng cố gắng điều sinh viên vài trường đại học lên, nhiều năm nữa vẫn chưa tới 30.000 người tới đó thì mới đạt 5%, con số này không đáng kể.

Không thể phủ nhận rằng người dân vẫn tích tụ tại nội đô Hà Nội. Nhiều nơi khác vẫn dịch chuyển về Hà Nội sinh sống trong những diện tích nhỏ hẹp, đôi khi không tiện nghi nhưng phù hợp với thu nhập, gắn kết sinh kế hiện tại và tương lai, cộng đồng hòa hợp. Vậy thì tại sao họ phải đi?

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 13

Như ông nói, dân số đang tích tụ ngày một nhiều ở nội đô, và Hà Nội kỳ vọng Nghị quyết quy định diện tích tối thiểu gián tiếp tác động đến quá trình di dân từ nội đô ra ngoại thành. Kỳ vọng này theo ông có quá viển vông, nhất là Hà Nội đã có bài học nhãn tiền là sự thất bại của đề án giãn dân phố cổ?

- Tôi khẳng định việc quy định diện tích tối thiểu sẽ không thể tác động đến quá trình đi khỏi nội đô của người dân. Thực tế, người dân có nhiều cách để sống, tồn tại mà không cần đến hộ khẩu thường trú. Nhất là khi đối tượng chịu tác động của chính sách này là nhóm người nghèo, thu nhập thấp thì có thể họ lại càng không có nhu cầu về việc đăng ký thường trú tại Hà Nội.

Phóng viên có nhắc đến đề án giãn dân phố cổ, đây đúng là một đề án thất bại. Trong vòng 20 năm trở lại đây, dân phố cổ tăng từ 1 triệu người lên đến 4 triệu người. Nếu quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú, 3 triệu người sẽ không có giấy đăng ký thường trú nhưng họ vẫn đang sống rất bình thường, giàu có rất nhanh. Như vậy, phải nhìn nhận rằng chính sách của Hà Nội cũng không ảnh hưởng nhiều lắm.

Nói một cách thẳng thắn, giãn dân không phụ thuộc vào ý chí chủ quan mà hoàn toàn vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Giãn dân phố cổ là đề án thất bại vì nếu không muốn đưa người dân ra khỏi khu vực họ đang sinh sống, buôn bán thì nơi ở mới bắt buộc phải có điều kiện tương tự hoặc tốt hơn.

Sự tốt hơn này không chỉ là tham số diện tích và chất lượng nhà ở mà bao gồm chất lượng sống: môi trường, văn hóa, lịch sử, cơ hội sinh kế… Tổng hợp lại là giá trị quy đổi: Một mét vuông trung tâm Hà Nội cũ có giá vài trăm triệu đồng, quy đổi thành vài chục mét vuông nhà ở ngoại ô có giá vài chục triệu đồng.

Như vậy ông cho rằng đề án giãn dân phố cổ thất bại là vì chính quyền chưa đảm bảo điều kiện đủ tốt cho người dân ở khu tái định cư?

- Thực tế, dân phố cổ gốc bây giờ giảm gần một nửa, chủ yếu là những người dân ở nơi khác đến thuê lại nhà ở để tiện buôn bán, kinh doanh. Còn những người có hộ khẩu ở đó, họ có điều kiện thì đã đi từ lâu rồi.

Vì vậy, tôi cho rằng ý tưởng của đề án này vốn là ý muốn chủ quan của nhà quản lý vốn quen với tư duy đơn giản, thô sơ của thời mệnh lệnh, bao cấp đã có từ hàng chục năm trước.

Người dân không muốn đi vì trong Luật Nhà ở quy định chỗ ở mới phải có điều kiện tốt hơn. Bảo đảm sinh kế là một chuyện, còn phải tính đến xung quanh khu nhà ở đó có được đảm bảo hạ tầng xã hội đầy đủ không, có chợ không, rồi các dịch vụ chăm sóc y tế, trường học, công viên, an ninh có không? Tại sao mới chỉ được xây một cái nhà lên mà đã bắt người dân phải đến ở, trong khi họ phải bỏ lại bao nhiêu thứ khác?

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 15

Đó là chưa kể, kinh tế thị trường tự vận hành các hoạt động trao đổi mạnh mẽ. Nếu tôi có nhà phố cổ, tôi tự nguyện bán đi có thể được mấy chục tỷ, chia cho các anh em mỗi người mấy tỷ tự mua nhà bên ngoài mà ở. Chẳng cần ai quy hoạch, người dân đã tự thỏa thuận bán đắt cho chủ mới và mua rẻ nhà mới ở xa hơn từ lâu rồi.

Vậy theo ông để khởi động đề án giãn dân phố cổ hay rộng hơn là khu vực nội thành, Hà Nội nên bắt đầu từ đâu?

- Tôi nghĩ nên bắt đầu từ việc đảm bảo sinh kế. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, không phải là khởi động một đề án nào cả vì suốt 20 năm qua, Hà Nội và điển hình là quận Hoàn Kiếm vẫn đang làm một số thứ mà tôi cho là rất tốt.

Bằng chứng là quận đã lấy lại được rất nhiều di sản, kiến trúc ở phố cổ; nhiều người sống xung quanh khu vực xí nghiệp, trường học, đất công cộng cũng đã di dời, nhường lại di sản như 49 Hàng Bài, 22 Hàng Buồm, các nhà trên phố Hàng Bạc, Mã Mây, Đào Duy Từ, Đường Thành, Hàng Hòm…

Trong 10 năm gần đây (2013-2023), năm nào Hoàn Kiếm cũng "lấy lại" được một số di sản để tôn tạo công trình di sản kiến trúc, lịch sử làm không gian văn hóa. Đây đều là kết quả của việc di dân sáng tạo để người dân chấp nhận trả lại mặt bằng cho trường học, di sản kiến trúc, đình chùa nhằm phục hồi lại các giá trị văn hóa. Đó là những điều cần tiếp tục được phát huy và lan tỏa.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng không cần phải khởi động, Hoàn Kiếm có thể vẫn tiếp tục làm những gì mà họ đang làm. Còn người dân phố cổ nếu đi được thì họ cũng đi hết rồi. Hàng ngàn ngôi nhà trên phố cổ đã được bán, mua thoải mái, tương ứng với hàng chục nghìn người đã đi khỏi phố cổ. Đó là chưa kể có người đã rời đi nhưng vẫn để lại không gian nhà cửa ở phố cổ, biến chúng trở thành không gian có chất lượng.

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 17

Tất cả những điều tôi nói ở trên đều do kinh tế thị trường quyết định chứ không phải là giải pháp quan liêu. Tôi cho rằng để đề án giãn dân phố cổ nói riêng và giãn dân nội đô của Hà Nội nói chung đạt được mục tiêu, cơ quan quản lý nên tiếp cận một cách khoa học, thích ứng với thực tế hơn, khảo sát xã hội học một cách thấu đáo.

Dựa trên những phương pháp, số liệu trung thực, cơ quan quản lý của Hà Nội có thể học hỏi các giải pháp đã thành công tại các quốc gia, thành phố khác, đừng quá trông chờ vào những đề xuất chủ quan hay mệnh lệnh hành chính.

Tôi nói ví dụ như dự thảo Nghị quyết quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú, việc phân biệt nội thành và ngoại thành có thể gây ra nhiều tình huống phát sinh sau này. Ví dụ vài tháng tới, Hà Nội có thêm hai quận là Đông Anh và Gia Lâm, vậy thì tiêu chuẩn 15m2 sàn/người tiếp tục được đẩy ra khu vực ngoại thành. Lúc đó thì tính thế nào?

Như vậy, bất kỳ là chính sách gì tác động đến người dân, tôi cho rằng Hà Nội cũng cần có quy trình đánh giá, giám sát chính sách một cách toàn diện về tác động của nó, nhất là với những người chịu ảnh hưởng và ở đây là người nghèo, người thu nhập thấp. Đừng để chính sách cản trở quá trình phát triển!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đừng lấy số m2 sàn nhà để quy định ai là người dân thủ đô - 19

Nội dung: Hà Mỹ

Thiết kế: Thủy Tiên