Dũng "kiều" rửa tiền ngay tại Việt Nam?
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) cho biết, trong <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/4/113966.vip"> vụ án Dũng "kiều"</a>, có nhiều dấu hiệu những khoản tiền thu lợi bất chính của các "ông chủ" thực sự ở nước ngoài được "rửa" ngay tại Việt Nam, bằng cách đầu tư vào bất động sản.
Xin Thiếu tướng cho biết, đến nay đã xác định được những đối tượng nào tham gia đường dây cá độ bóng đá của Dũng "kiều"?
Cũng như đường dây cá độ bóng đá quốc tế của Bùi Quang Hưng, các cơ quan kỹ thuật của ngành cũng phải mất khoảng nửa tháng để lần ra các đối tượng, các địa chỉ tham gia cá độ được lưu giữ trong các ổ CPU của Hưng. Do đó, với Dũng "kiều" cũng vậy, chúng tôi cũng đang chờ kết quả của lực lượng chuyên môn.
Nhưng chắc chắn một điều, chỉ có những người rất nhiều tiền mới đủ khả năng để tham gia đường dây cá độ bóng đá quốc tế với số tiền rất lớn này (tiền luân chuyển trung bình trong mỗi trận lên đến trên 1,5 triệu USD).
Theo Thiếu tướng, chúng ta có sơ hở gì không, khi một đối tượng bị truy nã về tội giết người (giết bạn tù) có thể quay lại nhập cảnh vào Việt Nam hơn 30 lần mà không bị phát hiện?
Theo ảnh truy nã cách đây hơn chục năm, đối tượng này rất gầy và nay thì đã khác nhiều. Do đó, khi nhập cảnh, lực lượng chức năng chỉ có thể phát hiện nhờ dấu vân tay, nhưng việc này chỉ thực hiện khi có sự nghi vấn nào đó.
Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài được quy định rất chặt, vậy các đối tượng chuyển tiền theo con đường nào?
Đây là vấn đề chúng tôi cũng đang đấu tranh để làm rõ. Tuy nhiên, với Dũng "kiều" chẳng hạn, có nhiều dấu hiệu những khoản tiền thu lợi bất chính của các "ông chủ" thực sự ở nước ngoài được "rửa" ngay tại Việt Nam, bằng cách đầu tư vào bất động sản.
Cụ thể, Dũng "kiều" đã mua một số biệt thự, toà nhà lớn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng với mỗi dinh thự giá hàng triệu USD. Tất nhiên, những toà nhà này không đứng tên Dũng "kiều".
Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến có nhận, đưa hối lộ?
Thưa Thiếu tướng, đến nay, hai đối tượng cộm cán nhất là Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng đã khai nhận gì về tội đưa và nhận hối lộ?
Đây là các đối tượng có hiểu biết pháp luật, nên việc đấu tranh để họ nhận tội là không đơn giản. Tuy nhiên, với khối tài sản lớn của các đối tượng và cách vung tiền ăn chơi kiểu "đại gia" này, chúng tôi tiếp tục tìm nhiều chứng cứ khác để làm rõ họ đã nhận hối lộ của những ai và dưới hình thức nào.
Còn việc đưa hối lộ thế nào, thưa ông?
Là những người có chức quyền, các đối tượng rất biết, việc thừa nhận đã đưa hay nhận hối lộ chỉ càng làm nặng tội thêm. Do đó, việc khai báo của các đối tượng rất nhỏ giọt, nhằm tỏ ra thành khẩn. Chẳng hạn, bước đầu Bùi Tiến Dũng khai đưa hối lộ cho ông Viên (Trương Tấn Viên - Vụ trưởng Vụ KHĐT, Bộ GTVT- PV) 50 triệu đồng. Nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Viên không thừa nhận.
Ngoài ra, Dũng cũng khai đã hối lộ cho một số người khác với số tiền ít hơn, nên chúng tôi cũng chưa triệu tập để xác minh. Tất nhiên, những người bị khai đó nếu có nhận tiền cũng không dễ gì tự thừa nhận, vì việc đó đồng nghĩa với mất chức quyền và có thể bị xử lý hình sự. Do đó, chúng tôi cũng phải có những biện pháp nghiệp vụ khác để chứng minh.
Xin cảm ơn ông.
Theo Vương Hà
Lao Động