1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dùng flycam rà soát điểm nguy cơ sạt lở trước khi bão Trà Mi đổ bộ

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương sử dụng flycam để rà soát lại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trước khi bão Trà Mi đổ bộ.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi) chiều 25/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định bão Trà Mi là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào miền Trung năm 2024.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuẩn bị phương án ứng phó cao nhất với bão số 6 (Video: Minh Quang).

Do bão quần thảo trên biển và đất liền thời gian dài, bão có thể gây ra lượng mưa lớn 500-700mm và khả năng gây ngập lụt giống năm 2020. 

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, ông Hiệp đề nghị các địa phương thông tin, tuyên truyền đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ nhất.

Những năm qua, khu vực miền Trung có nhiều điểm sạt lở nên cần chủ động trong việc đưa người dân đến nơi an toàn. Các địa phương có thể sử dụng thiết bị bay không người lái để rà soát lại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trước khi bão Trà Mi đổ bộ.

Theo Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), ngay khi nắm thông tin về áp thấp nhiệt đới hình thành ở phía Đông Philippines, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chủ động các biện pháp ứng phó. 

Ngày 22/10, Bộ Quốc phòng ra công điện đề nghị bộ đội biên phòng chỉ đạo biên phòng các tỉnh nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. 

Đến 15h ngày 25/10, Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã kêu gọi trên 65.000 tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn.

Bộ Quốc phòng cũng đã huy động hơn 200.000 bộ đội, dân quân tự vệ cùng hơn 10.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó bão số 6. Trong đó có hơn 100 tàu ở các vùng biển và máy bay trực thăng sẵn sàng ứng cứu. 

Dùng flycam rà soát điểm nguy cơ sạt lở trước khi bão Trà Mi đổ bộ - 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: Minh Quang).

Bão số 6 di chuyển rất phức tạp nên các địa phương được khuyến cáo quản lý tốt việc tàu thuyền ra khơi sau bão. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ bão số 3, cần đề phòng sạt lở đất do mưa lớn. 

Thời điểm bão số 3 đổ bộ, sau khi xảy ra sạt lở ở xã Việt Vinh (huyện Bắc Quang), tỉnh Hà Giang đã đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ flycam bay kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất.

Bộ Quốc phòng sau đó điều 4 flycam khảo sát, tìm kiếm trong 2 ngày và phát hiện 6 vết nứt dài 100-300m. Hiện các vết nứt này đã được cảnh báo nguy hiểm. 

Do đó, Đại tá Châu đề nghị các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở để tránh những vụ việc đáng tiếc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh để ứng phó với bão số 6, các địa phương cần lên phương án phòng chống với tinh thần không hối tiếc.

"Rút kinh nghiệm cơn bão số 3 vừa rồi, chúng ta đã lo tương đối an toàn cho vùng biển nhưng không ngờ bão lại tác động rất nhiều ở vùng phía Tây", Bộ trưởng nói và đề nghị các tỉnh miền Trung lên kịch bản trong mọi tình huống để chủ động ứng phó từ lương thực, thực phẩm đến nước uống. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý cần chuẩn bị các phương án ứng phó như trực thăng bên phía quân đội, sẵn sàng kích hoạt cộng đồng phòng chống thiên tai. 

Các địa phương có thể sử dụng flycam chụp ảnh khu vực có nguy cơ sạt lở để phân tích, đánh giá, sớm lên phương án đưa người dân đến nơi an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 18h ngày 25/10, vị trí tâm bão số 6 vào khoảng 17,6 độ vĩ bắc; 116,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Đến 10h ngày 26/10, vị trí tâm bão vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc, 113,5 độ kinh đông; trên khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Đông Bắc.

Khánh Linh